Một trái tim nhân ái không biên giới

Người đàn ông với vóc dáng nhỏ bé, đôi mắt sáng và nụ cười ấm áp ấy đã chân thành sẻ chia với những người mẹ, người bà đang từng ngày vượt lên nỗi đau quá lớn để chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa con không lành lặn. Ông là Harold Chan Soo York (73 tuổi), một doanh nhân người Xin-ga-po (Singapore), đã đến và mang theo phép màu để giúp đỡ, hỗ trợ các em nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng.

Ông Harold Chan Soo York (người thứ hai, từ phải sang) trong lễ khánh thành khu nội trú dành cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin.
Ông Harold Chan Soo York (người thứ hai, từ phải sang) trong lễ khánh thành khu nội trú dành cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin.

Ngôi nhà chung cho trẻ em bất hạnh

Đà Nẵng tháng ba, nắng tràn ngõ phố. Chúng tôi ngược lên Cơ sở 3 - Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng ở xã Hoàn Nhơn, huyện Hòa Vang để cùng được chứng kiến phút giây hạnh phúc của những người mẹ, người bà có con em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nước mắt và nụ cười, những cái bắt tay nắm chặt vị ân nhân của mình - ông Chan. Đây là lần thứ hai chính các em được cắt băng khánh thành, lần đầu tiên vào cuối tháng 11-2015, khi ông Chan tặng các em hệ thống máy chụp hình Cộng hưởng từ trường (MRI) và dụng cụ y tế trị giá gần 35 tỷ đồng. Và nay là khu nội trú khang trang nằm trong khuôn viên Cơ sở 3. Đứng trước mọi người, ông cười và nói giản dị: “Đây là ngôi nhà của họ, nên chúng tôi dành vị trí đặc biệt này cho họ. Tin rằng trong ngôi nhà nội trú này, những con người vốn chịu nhiều bất hạnh sẽ được chăm sóc tốt hơn về sức khỏe, dinh dưỡng, sẽ được tập vật lý trị liệu để ngăn ngừa teo cơ, để máu huyết lưu thông và duy trì sự sống tốt nhất có thể. Và để giảm bớt gánh nặng, áp lực chăm sóc người bất động cho những người bà, người mẹ, đổi lại cho họ những phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong đời mà có người đã phải hy sinh cả ba bốn chục năm qua”.

Nhiều người mẹ cứ thế rưng rưng nước mắt. Sau những ánh mắt trũng sâu vì thức đêm chăm sóc con cháu, họ đã được tiếp thêm nguồn sức mạnh để ngẩng đầu lên và mỉm cười. Tôi nắm lấy bàn tay chị Nguyễn Thị Mai, trú xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, người có hai con bị nhiễm chất độc da cam phải nằm liệt một chỗ từ khi lọt lòng, chị nghẹn lời: “Ông Chan đã cho con tôi và nhiều cháu nhỏ một niềm hy vọng sống thật lớn lao. Khi khu nội trú này hoàn thành, đưa các cháu lên đây, được cùng với các tình nguyện viên ở đây chăm sóc các con, tôi nghẹn lòng. 26 năm chăm con bằng tất cả sự cố gắng, đã không ít lần tôi khóc cạn nước mắt. Nhưng vẫn phải nhìn lên để sống. Vì tôi là điểm tựa của các con và ngược lại”.

20 cháu bại liệt nằm điều trị tại khu nội trú đặc biệt này, nhiều cháu tuổi đã nhiều mà người vẫn như đứa trẻ. Bà Hoàng Thị Thê, trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ nghẹn lòng khi nhìn cô con gái là chị Trần Thị Ty Nga đã 36 tuổi mà nhỏ như đứa trẻ. Nga bại liệt hơn 20 năm, cũng là quãng thời gian mà bà Thê nhiều đêm thức trắng. “Cháu được lên đây, có người chăm sóc, trị liệu, gia đình tôi mừng và được an ủi lớn lắm. Cảm ơn ông Chan nhân hậu”, bà Thê trải lòng.

Đồng hành cùng với ông Chan, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cùng nhiều y, bác sĩ tình nguyện lên khám, điều trị cho các cháu tại khu nội trú theo định kỳ. Nắm lấy bàn tay ông Chan với lòng cảm ơn và đồng cảm, bác sĩ Thạnh nói, ông Chan cho tiền xây khu nội trú, bệnh viện hỗ trợ hai mươi giường bệnh cho các em. Mỗi người một chút, cùng hàn gắn vết thương chiến tranh, mang hơi ấm đến với những đứa trẻ bất hạnh.

Những nụ cười trong lặng im

Trong hành trình đến với các em nạn nhân da cam tại Đà Nẵng của ông Chan, tôi đã cùng đi vài chuyến. Hình như với người doanh nhân thành đạt này, mỗi khi nhìn vào các em, ông lại sốc với nỗi đau quá lớn. Nhưng rồi ông làm cho họ mỉm cười - những người mẹ đã khánh kiệt về vật chất lẫn tinh thần khi sinh ra những đứa con không lành lặn. Tôi hỏi ông về ranh giới, ông bảo rằng, với ông không có ranh giới nào ngoài sự lan tỏa tình yêu thương. Họ là những người bất hạnh, bệnh tật, lại phải gánh hậu quả của cuộc chiến đi qua gần nửa thế kỷ nên tôi thấy mình có trách nhiệm với họ - “Tôi ở đây, bạn ở đây. Mỗi chúng ta được sinh ra từ mẹ. Nhưng với những người mẹ này, họ đã có quá nhiều bất hạnh. Có người nói với tôi, rằng đã hơn 30 năm rồi họ không có đêm nào ngon giấc. Bởi những cơn quặn đau của con cái họ. Họ là những người mẹ thật anh hùng”.

“Đất nước Việt Nam của các bạn đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh để giành độc lập, tự do. Nhưng sau chiến tranh, nỗi đau da cam còn hiện hữu và dai dẳng. Hàng nghìn gia đình, trong đó có hàng trăm trẻ em đã và đang chịu nhiều nỗi bất hạnh bởi chất độc da cam. Khi tôi gặp các cháu, tôi đã bật khóc nhiều lần. Việc chăm sóc các trẻ em bị bại liệt, chất độc da cam không phải là ngày một ngày hai mà là cả một quá trình lâu dài. Vì vậy đất nước các bạn phải có trách nhiệm với họ, và chúng tôi đến đây cũng để giúp các bạn. Thành phố Đà Nẵng là một thành phố trẻ, trẻ hơn rất nhiều so với Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, nhưng những con người ở đây luôn cố gắng làm càng nhiều, làm hết sức cho các nạn nhân chất độc da cam và đó là lý do tôi ở đây” - Ông Chan trải lòng.

Các em, những người được ông Chan dành một tình cảm đặc biệt, hầu hết đều không thể nói. Chỉ có ánh mắt, và nụ cười đã lặng trong trái tim - hướng về đón nhận tấm lòng ông Chan nhân hậu.

Khu nội trú tinh tươm, niềm vui ánh lên trên từng gương mặt nơi đây. Nhìn ông Chan đến từng giường bệnh, nắm lấy từng đôi tay cong, vuốt lên những khuôn mặt khổ hạnh của các em, rồi đón nhận những nụ cười ú ớ, những ánh mắt dại khờ ánh lên sự ấm áp, yêu thương. Nhiều người, trong đó có tôi cứ quay đi quệt những dòng nước mắt. Khi ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cảm ơn và nắm lấy tay ông Chan và nói “mong ông trở thành một công dân Đà Nẵng”, tôi thấy mắt ông Chan đỏ hoe.

Người doanh nhân thành đạt đó, như một ông bụt giữa đời thường, trao tặng các em những tia hy vọng về cuộc đời. Nhìn ông, ít ai biết đó là một tỷ phú, nhưng cách ông tiêu những đồng tiền kiếm được thật sự làm tan chảy trái tim người đối diện. Khi tình yêu thương giữa con người với con người trở thành động lực sống, thì mọi khoảng cách đều được san bằng.