Các thầy thuốc trẻ và nhân viên Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I quá quen với hình ảnh của người anh lớn luôn sát cánh với họ trong mọi công việc - bác sĩ Trương Hữu Khanh. Họ nể phục ông trong công tác chuyên môn, quản lý khoa bệnh cho đến nghiên cứu khoa học. Bác sĩ Dư Văn Quy, đồng nghiệp cùng khoa tâm sự, thầy Khanh có tâm sáng, rất yêu trẻ em. Hễ có một ca bệnh mới nhập viện bao giờ thầy cũng trực tiếp thăm khám để đưa ra phác đồ điều trị. Thầy luôn giản dị, gần gũi với mọi người, làm việc, say mê nghiên cứu quên mình.
Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I là nơi đầu tiên tiếp nhận trẻ em nhiễm HIV/AIDS vào năm 1997 và ông là người đầu tiên đã đưa ra “Nghiên cứu lâm sàng điều trị bệnh nhi HIV/AIDS” thu hút được sự quan tâm của các tổ chức y tế cả trong lẫn ngoài nước. Trong cuộc chiến đầy cam go với trận dịch “viêm màng não” vào năm 1999, bác sĩ Khanh là người đã tìm tòi, nghiên cứu giữa “viêm màng não do siêu vi” và “viêm màng não do vi trùng”. Hỏi ông, có khi nào thấy quá tải bởi công việc? Ông nói: “Quá tải vì công việc thì thường xuyên, nhưng chính tiếng cười trẻ thơ giúp mình có thêm động lực”.
Nhớ lại, năm 2011 dịch tay-chân-miệng diễn ra nghiêm trọng với hơn 90 nghìn ca mắc, trong đó có 147 ca tử vong. Bệnh viện Nhi Đồng I đã tiếp và điều trị hơn 12 nghìn ca, khoảng hơn 100 ca nặng phải thở máy. Biết bao đêm trắng, bác sĩ Khanh ám ảnh khi bất lực trước bệnh tình của bệnh nhi, trước ánh mắt tuyệt vọng của người cha người mẹ.
Gần hai năm trăn trở, nghiên cứu, ông mới xác định được căn nguyên bệnh và từ đó tìm ra phác đồ điều trị tay-chân-miệng có biến chứng nặng bằng phương pháp lọc máu và kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác… Phác đồ điều trị mới ấy đã góp phần giảm được tỷ lệ tử vong đến 70%. Và phương pháp này đã nhanh chóng được các nước trong khu vực biết đến. Nhiều đồng nghiệp nước ngoài còn nhờ bác sĩ Khanh cung cấp tài liệu để tham khảo và học hỏi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát hành tài liệu “Hướng dẫn thực hành lâm sàng và đáp ứng cộng đồng đối với bệnh tay-chân-miệng”. Trong đó, phần lâm sàng do bác sĩ Trương Hữu Khanh cùng ba đồng nghiệp nước ngoài chấp bút.
GẦN đây, bác sĩ Khanh có quyết định khá bất ngờ với nhiều người, đó là đóng cửa phòng mạch tư, mở “phòng mạch online” để tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc miễn phí cho trẻ. “Bác sĩ của tuổi thơ” tâm sự, trước đây mở phòng khám tư là để giúp người dân, chỉ thu khoản tiền rất tượng trưng 10 nghìn đồng thôi. Nhưng do số lượng bệnh nhân mỗi ngày một đông, bác sĩ lại có tuổi, sức có hạn, nên không thể giúp được hết mọi người. Còn nếu dồn sức mở trang facebook lập phòng mạch online, ông có thể hỗ trợ kiến thức cho nhiều người hơn nữa… Hằng ngày ông thức dậy từ lúc bốn giờ sáng, mở facebook tranh thủ trả lời từ khoảng 30 đến 60 tin nhắn. Trong đó không chỉ có các cha mẹ trong nước, ở vùng sâu, vùng xa trong nam ngoài bắc, mà còn nhiều người Việt ở nước ngoài như Lào, Cam-pu-chia, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Hà Lan… Tại bệnh viện, dù bận rộn nhưng ông vẫn tận dụng mọi lúc mọi nơi, để online facebook tư vấn cho các bà mẹ “thắc mắc không biết hỏi ai”. Biết người hỏi có thể đang ôm đứa con sốt hầm hập và trông chờ hồi đáp của bác sĩ từng giây từng phút, nên ông luôn thấy như mắc tội, mắc nợ nếu để ai phải đợi. “Tới bệnh viện ngay”, “vào cấp cứu nhé”,... có khi những hồi đáp của ông như một mệnh lệnh, một khẩn cầu trước những trường hợp bệnh nguy hiểm. Cũng có câu trả lời như tiếng thở phào: “ổn mà”, “nuôi vậy tốt rồi”...
Dù sau mỗi thành công hay khi đối mặt với khó khăn, bác sĩ Trương Hữu Khanh luôn nhắc đến người vợ thân yêu của mình. Là bạn đời, bạn nghề, bà ở bên, chia sẻ, khích lệ ông vượt qua nỗi buồn riêng, không có được niềm vui của bậc làm cha mẹ, để rồi nhận về niềm vui chung. Niềm vui từ tiếng cười hồn nhiên của biết bao trẻ thơ.