“Em là người thiệt thòi”
Cô gái sinh năm 1990 tâm sự thế khi tiếp chuyện tôi bên quán nước chè vỉa hè. Khuôn mặt Hân lúc nào cũng có vẻ nhớn nhác, bận bịu. Nếu quay ngược dòng thời gian, tìm hiểu thời thơ ấu của Hân sẽ tìm thấy câu trả lời vì sao cô phải học gấp đôi, cố gắng làm việc gấp ba so với các bạn khác.
Năm Hân hai tuổi, một trận mưa lớn như xối nước, làm sụt đất dẫn đến ngôi nhà của gia đình vốn đã chẳng vững vàng đổ ụp. Bố mẹ Hân đã vĩnh viễn ra đi, bỏ lại bốn đứa con nheo nhóc. “Sau này nghe bà ngoại kể, do lo ngại những trận mưa lớn có thể gây sạt lở nên bố mẹ đưa các con đi sơ tán bên nhà ngoại. Rồi hai người quay về để trông nhà. Nào ngờ…”, - giọng Hân nghẹn lại.
Một gia đình với bốn đứa con, có đủ đầy cha mẹ còn vất vả, huống hồ… Ngôi nhà và tổ ấm không còn, Hân và hai anh lớn hơn được bà nội đón về chăm sóc, còn em út thì sống với người bác ruột. Vân Trung (Việt Yên) là vùng đất nghèo. Mấy anh chị em Hân lớn lên bằng củ sắn, luống khoai, con tôm con tép với những người thân hết lòng thương yêu các cháu. Nhưng để có tiền lo cho các cháu được đi học, bà nội cùng các cô chấp nhận để những đứa cháu phụ giúp làm lụng mưu sinh.
Trong câu chuyện của Hân có rất nhiều đoạn lặng đi, chỉ còn tiếng nấc... Hân bảo rằng, cô chẳng thể nào quên được hình ảnh của bà lúc đó đã gần 70 tuổi, lưng còng lội đồng cấy lúa, bắt tôm bắt tép nuôi các cháu. Dáng bà em cong như mảnh trăng. Cuộc đời bà cũng tội lắm. Ông mất sớm, bỏ lại bốn con, bố em là con trai. Bố mất đi, bà lại nuôi ba cháu…, Hân nghẹn lời.
Năm Hân 10 tuổi, bà nội mất, mấy anh chị em lại rồng rắn về nương tựa bà ngoại. Thương bà nội, bà ngoại bao nhiêu, Hân càng cố vượt lên sự tủi phận mình mà cố gắng sống tốt bấy nhiêu. “Em đã đấu tranh tư tưởng, là có nên nghỉ học để giúp bà hay không... Những lúc bà nén cơn ho, thậm chí không dám ốm, rồi giấu bệnh đau xương khớp để các cháu khỏi tủi, và luôn động viên các cháu học tốt thì em càng thương bà nhiều hơn. Bà muốn chúng em đi học, chúng em phải học cho thật giỏi”, - Hân chia sẻ.
Học hết phổ thông trung học, nhờ người thân giới thiệu, Hân xuất ngoại làm giúp việc gia đình để kiếm tiền đỡ đần bà ngoại, cuộc sống phần nào vơi đi cực nhọc. Từ trong gian khó, thiệt thòi Hân luôn ao ước được học ít nhất là hết đại học. Cô tự nhủ mình cố gắng làm, dành dụm tiền thực hiện ước mơ.
Cảm thương những phận người
May mắn dành dụm được ít tiền, trở về nước năm 2011, Hân quyết tâm ôn luyện và đỗ vào Trường Đại học FPT. Ký ức những ngày gian khổ, hình bóng của bà nội và bà ngoại một đời lam lũ, vẫn trở đi trở lại trong cô, vậy nên, trước mỗi hoàn cảnh bất hạnh, cô gái nhỏ lại nghĩ đến chuyện mình cần phải làm gì đó, để sẻ chia và giúp đỡ họ vượt lên số phận.
Ngoài thời gian học trên giảng đường, cô thường xuyên tham gia các chuyến thiện nguyện và tìm kiếm cơ hội làm thêm việc gia đình cho các nhà ở làng Triều Khúc. Mỗi tháng cô được trả công ba triệu đồng. Biết Hân đi làm để lấy tiền giúp đỡ người nghèo, nhiều chủ nhà đã cho cô thêm tiền. Ngoài ra Hân còn xin được quần áo, vỏ chai, lọ để dành cho những người khốn khó. Năm thứ hai đại học, Hân cùng một số bạn bè thân thiết thành lập nhóm “Nắm cơm tình thương”. Nhóm tổ chức quyên góp, mỗi tuần hai lần nấu cơm, và chia thành từng suất, cộng với quà cáp để tặng những người vô gia cư đang sống ở vỉa hè, gầm cầu Hà Nội. “Thời gian chúng em đi vào lúc 11 giờ đêm, cho đến 3 giờ sáng hôm sau. Các bạn sinh viên ngày nay đi làm thêm nhiều lắm. Nếu mỗi tháng dành ra một đến hai trăm nghìn đồng, quyên góp lại thì đã có thể giúp được nhiều người”, Hân cho biết.
Tôi hỏi Hân, ngày nay không ít bạn trẻ thành lập các nhóm làm thiện nguyện, Hân và các thành viên đã làm gì để khác những nhóm trước? Hân bảo bản thân nhóm đi chia sẻ không nhằm làm việc gì cao siêu, mà chỉ muốn nhân lên những điều tốt đẹp trong xã hội. Cô khẳng định: “Em thấy giúp đỡ một cụ già nằm co ro trong đêm được ấm lòng, hay một em bé nhem nhuốc đói bụng được ăn bữa no; rồi người phụ nữ không nơi nương tựa có chút tiền mua sữa cho đứa con vừa sinh… thế là chúng em thấy lòng mình rất vui!”.
Lại hỏi, em làm gì để vượt qua bao thách thức? Hân nói: “Thời niên thiếu em quá khổ và em từng chỉ mong mình có nhiều tiền. Thế rồi đi làm, đi học em hiểu là lúc nào cũng phải giữ ấm cho ước mơ trong tim. Từ đó em hướng đến mục tiêu và vượt qua khó khăn”.
Một buổi tối tham gia cùng nhóm của Hân, các bạn sinh viên mỗi người một việc, người nấu cơm, người chuẩn bị vừng, ruốc; bạn khác chuẩn bị nước, quà cáp… Điểm đến đầu tiên của nhóm là ga Hà Nội. Những suất cơm nóng hổi Hân trao cho bà Dương Thị Vương, tuổi gần 70 đã mấy chục năm sống ngoài vỉa hè khiến tay bà run run cảm động. Tôi thấy khóe mắt bà Vương rơm rớm nước mắt.
Chị Nguyễn Thị My (quê Bắc Giang), làm kế toán ở Hà Nội, thành viên trong nhóm cho biết: Hân là cô gái rất khéo và luôn động viên mọi thành viên cố gắng, trao cho người nghèo khó bằng cả tấm lòng. Cũng theo Hân “của cho không bằng cách cho”, và cô còn nuôi ước vọng mở quán cơm, bán với giá 5.000 đồng/suất cho người nghèo.
Cô gái bé nhỏ đầy nghị lực ấy khiến chúng ta cảm phục và suy nghĩ.
Từ thơ bé, Hân đã trải qua nhiều nhọc nhằn và suốt thời sinh viên cô dấn thân cho việc làm thiện nguyện cũng đầy nhọc nhằn. Tôi nhận ra bên trong cô gái còn nhiều suy nghĩ, trăn trở chưa thể nào thổ lộ.