Hành trình gian nan
Trò chuyện với ông Nguyễn Công Uẩn ở thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái (Thuận Thành, Bắc Ninh) nhiều lần, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa thể lý giải được vì sao lão nông dáng người thấp nhỏ ấy lại kiên cường đến thế. Không chỉ khui ra những bất cập trong quản lý đất đai, ông Uẩn cùng người bạn già là ông Nguyễn Tiến Lãng ở xã Gia Ðông, cùng huyện Thuận Thành, đã tìm kiếm, thu thập tài liệu, chứng cứ để tố cáo đường dây làm hồ sơ giả hòng hưởng chính sách người có công. Khởi phát hành trình gập ghềnh ấy của hai ông lão xuất phát từ đâu?
Ông Nguyễn Công Uẩn cho biết, từ năm 2003, ông bức xúc khi biết nhiều trường hợp không bị thương đã "chạy" để được công nhận là thương binh và hưởng tiền chế độ. "Tôi thấy người ta làm thành cả phong trào. Có người đi uống rượu say, ngã xe để lại sẹo cũng thành… thương binh. Người khác tuốt lúa, bất cẩn bị cụt ngón tay cũng được nhận chế độ. Ðể làm một suất như thế người ta chi ra 35 đến 40 triệu đồng là có quyết định công nhận mang đến tận nhà. Tôi không thể chịu được nên phải cất lên tiếng nói, tìm cách để sự tôn nghiêm được thực thi", ông Uẩn chia sẻ.
Ban đầu, ông trình đơn lên xã, lên huyện nhưng không được xem xét. Ông ngậm ngùi quay về quyết tìm thêm chứng cứ, chờ thời. Thật may nhờ những người bạn chơi chim ở xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, ông Uẩn đã tìm được manh mối, gợi mở ra các chi tiết về người đứng ra thành lập cả đường dây "chạy" hồ sơ. Cứ vài ba ngày ông Uẩn lại đạp xe vượt qua 30 km đến Phượng Mao tìm thêm chứng cứ. Nhờ một số người địa phương bức xúc cung cấp thông tin, ông Uẩn tiếp tục lần tìm để xác minh. Từ đó, ông Uẩn từng bước thâm nhập vào quy trình khám sức khỏe, đánh giá thương tật và cấp giấy chứng thương tại Viện Quân y 110 tỉnh Bắc Ninh. Ông tỉ mẩn đánh dấu, rồi lập danh sách số đối tượng ở từng xã, từng huyện.
Thời gian này, ông Uẩn kết hợp với ông Nguyễn Tiến Lãng, chung nỗi bức xúc vì thấy sự bất công nhan nhản ở địa phương. Hai ông bàn với nhau phải đưa đơn lên các cấp cao, song chờ mãi không có tin tức. Không nản, năm 2010, sau khi có trong tay những chứng cứ xác thực, hai ông tìm đến tận Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ, TB và XH) để kiến nghị. May mắn, đơn của hai ông đã được Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh tiếp nhận. Ông Lãng cho biết: "Lãnh đạo Bộ bảo chúng tôi đưa ra 10 trường hợp. Khi thanh tra của Bộ LÐ, TB và XH vào cuộc, kiểm tra thì cả 10 trường hợp mà chúng tôi tố cáo đều đúng. Tức là cả 10 người đều làm giả hồ sơ, trong đó có cả cán bộ huyện đương chức, những vị này còn ký giấy giúp hoàn tất thủ tục hồ sơ cho nhiều đối tượng khác".
Dựa trên chứng cứ do hai "lão điều tra" cung cấp, lãnh đạo Bộ LÐ, TB và XH đã chỉ đạo đơn vị chức năng tập trung kiểm tra, rà soát cùng sự nhập cuộc của lãnh đạo Quân khu 1, kết quả là đã "lọc" ra gần 3.000 hồ sơ của các đối tượng khai man, gồm thương binh giả hoàn toàn, thương binh bị nhẹ thành nặng, nhiễm chất độc hóa học, mất sức, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỷ đồng, giảm chi ngân sách mỗi năm hơn 20 tỷ đồng. Liên quan vụ việc, 24 người đã bị xử lý hình sự.
Ông Nguyễn Công Uẩn với tập hồ sơ dày điều tra.
Chấp nhận thiệt thòi để chứng minh sự thật
Trên con đường đi tìm công lý, cả hai ông đều không được gia đình ủng hộ, đồng thời phải trải qua sự phản đối, đe dọa từ những người chung quanh, chịu nhiều oan ức, lo lắng. Các con ông Uẩn bảo: "Bố có đi kiện… củ khoai. Chỉ nhọc xác!". Còn ông Lãng, ngoài chuyện vợ con không hài lòng, ông còn bị đẩy ra ăn riêng hơn sáu năm trời. "Ðánh" cái sai ở địa phương, chúng tôi cũng va phải người trong họ. Nhưng tôi và ông ấy bảo nhau, phải vượt qua tình cảm cá nhân, vì cái chung. Vậy nên có đứa cháu bảo tôi: "Cháu chạy được rồi, giờ được hưởng lương suốt đời. Ông bỏ ra ít tiền, cháu bảo người ta làm cho. Tôi cạch. Ðời nào tôi chịu!".
Không ít lần, các "cò" tìm cách mua chuộc hai ông, nhưng đều bị từ chối. Bực bõ vì chuyện "làm ăn" của mình bị hai ông tố cáo, những kẻ trục lợi chính sách bí mật đổ thuốc làm chết mấy chục cây nhãn nhà ông Uẩn, chặt cả vườn bưởi hơn 100 cây của ông Lãng. Nhiều lần hai ông bị các đối tượng chặn đường đánh, dọa nạt, đến nỗi Công an tỉnh Bắc Ninh phải cử người về bảo vệ. Ông Uẩn kể thêm: "Nhiều người gọi tôi là "thằng chột", hay dọa "lấy nốt mắt còn lại" (vì tôi bị hỏng một bên mắt). Bị hắt hủi, xa lánh, tôi cũng tủi thân lắm. Tôi còn bị một cán bộ bấy giờ đang là trưởng thôn, sau khi bị vạch mặt, đã đến tận nhà đánh…". Nói đến đó, giọng ông Uẩn chùng xuống, ánh mắt rưng rưng.
Khi Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh (tháng 3-2014) mở phiên tòa xét xử vụ án với 40 bị cáo về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Nhiều bị cáo liên quan đến đường dây làm hồ sơ giả, trục lợi chính sách đã phải trả giá. Từ đó gia đình mới hiểu và chia sẻ, thương các ông hơn. Bà Nguyễn Thị Thắng, vợ ông Lãng lúc này mới nể việc của chồng và bạn là ông Uẩn, nên bảo: "Thôi, từ nay tôi nấu cơm cho mình ăn".
Hỏi chuyện hai "người hùng", rằng điều gì đã thôi thúc, khiến các ông phải hao tổn tâm sức để theo sự việc đến cùng? Hai ông đều bảo, mình tin ở cái đúng và những người có trách nhiệm, bức xúc trước những việc làm giả dối của bao người. "Nếu chúng tôi không làm thành công thì đối tượng hưởng sai sẽ tiếp tục nở thêm ra, hậu quả rất khó lường. Bây giờ thì chúng tôi có động lực để tiếp tục công việc", ông Lãng nói.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LÐ, TB và XH: Việc tìm ra các đối tượng làm hồ sơ giả trục lợi chính sách có công rất nhiều, bắt nguồn từ sự phát hiện, tố cáo của cộng đồng. Hai ông Nguyễn Công Uẩn và Nguyễn Tiến Lãng là hai tấm gương đấu tranh chống tiêu cực, rất đáng được Bộ LÐ, TB và XH tuyên dương, khen thưởng. |