Có thể nói tình trạng sạt lở đã diễn ra âm ỉ hàng chục năm qua ở ÐBSCL. Ðỉnh điểm là sạt lở ở trung tâm tỉnh lỵ Sa Ðéc của Ðồng Tháp, khiến tỉnh này phải di dời trung tâm tỉnh lỵ về thành phố Cao Lãnh. Nhưng gần đây, tình hình diễn ra ngày một khốc liệt và lan nhanh ra các địa phương.
Chỉ tính những diễn biến trong hai tháng 5 và 6 vừa qua, đã thấy mức độ nghiêm trọng về sạt lở đất ven sông và đê biển tại bốn điểm nóng An Giang, Ðồng Tháp, Cà Mau và Bạc Liêu. Như tại An Giang, trung bình mỗi năm, xảy ra khoảng 20 vụ sạt lở bờ sông, gây thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng/năm. Ðang có khoảng 51 đoạn bờ sông với chiều dài 62 km, chiếm 40% diện tích giáp sông Tiền, sông Hậu của tỉnh này nằm trong diện cảnh báo nguy hiểm sạt lở. Tỉnh An Giang đang tính toán di dời khẩn cấp 20 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở. Ở Ðồng Tháp, cũng có từng đó số hộ cần di dời. Tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng xây dựng 10.000 m kè chống sạt lở tại những vị trí xung yếu trên tuyến rừng phòng hộ Biển Ðông. Tỉnh này sẽ phải di dời gần 4.800 hộ dân ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao gây sụt lở ven sông, ven biển.
"Sụt lún không phải là vấn đề mới. Nhưng giờ người dân ÐBSCL phải đối mặt với nó với mức độ khốc liệt hơn. Tốc độ sụt lún tăng lên ở các khu đô thị và khu vực khai thác nước ngầm, tạo ra nhiều lo ngại" - PGS, TS Nguyễn Hiếu Trung (Trường ÐH Cần Thơ) nhận định. Hiện nhiều phần diện tích ở nông thôn có mức độ sụt lún khoảng 10-20 mm/năm ở thành thị và các khu công nghiệp, mức độ sụt lún lên đến khoảng 25 mm/năm.
Ðà suy kiệt của lượng phù sa bồi bổ từ dòng Mê Công đang đặt ra cho ÐBSCL nhiều thách thức trước nạn sạt lở. Do đặc thù kiến tạo, nền đất ở ÐBSCL thường yếu mềm, người dân có tập quán cất nhà ven sông, kinh rạch. Trước tình trạng nguy cơ sạt lở ngày càng lớn, tập quán này cần phải được thay đổi. Ngay từ bây giờ chính quyền địa phương cần có những cảnh báo cần thiết để hạn chế người dân xây dựng nhà cửa gần các tuyến sông.
Cách đây gần 20 năm, hơn 1 triệu người dân ÐBSCL sống rải rác theo các tuyến kinh, mương, sông phải luôn trong tư thế chạy lũ cục bộ khi nước lũ từ sông Mê Công ập về. Khi đó, ÐBSCL đã có "cuộc cách mạng" để ổn định cuộc sống người dân. Cụ thể năm 2012, Chính phủ đã triển khai chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ ÐBSCL. Ðến nay, sau khi thực hiện xong hai giai đoạn, đã ổn định chỗ ở cho khoảng 200 nghìn hộ dân trước đây thường xuyên phải chạy lũ.
Giờ ÐBSCL có khoảng 100 nghìn hộ dân (tương đương gần 500 nghìn người) cần di dời khỏi vùng sạt lở. Thực tế, trong hai năm 2016 và 2017, có địa phương đã linh động di dời một số hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở vào các khu tái định cư vượt lũ giai đoạn II. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là: một số tuyến dân cư nằm tách biệt ở khu vực nông thôn. Không ít người dân khi đặt chân vào đây vài tháng lại bỏ đi do không biết làm gì để sinh sống.
Câu chuyện tái định cư cho người dân vùng sạt lở không chỉ là chỗ ở mà còn nằm ở sinh kế. Tại Ðồng Tháp, chính quyền địa phương cũng đã nhận ra "khiếm khuyết sinh kế" ở một số tuyến dân cư. Chính vì vậy, Ðồng Tháp đang cố gắng quy hoạch một số tuyến dân cư để ổn định cuộc sống người dân "chạy sạt lở" gần với các khu vực chợ thương mại, khu công nghiệp… để tạo sinh kế ổn định cho người dân. Ðây là việc làm khẩn cấp và đáp ứng được nguyện vọng của người dân "chạy sạt lở". Các địa phương cũng cần nghiên cứu để vận dụng linh hoạt trong bối cảnh sạt lở ngày càng diễn biến khốc liệt.