Không đầu hàng bệnh tật
Ngày ông trở về từ chiến trường năm 1979 với nhiều vết thương nặng, ông Thoàn bị chấn thương sọ não, vỡ khoét bỏ bánh chè bên phải, gẫy xương sườn, mất toàn bộ hai cơ dép và hai cơ mông, mất một mắt trái, mất xương bàn chân phải, xẹp đốt sống D11, D12..., nhiều người nghĩ ông sẽ không qua khỏi, bởi bàn chân phải bị hoại tử, nhiều phần thịt phải bị cắt đi. Đằng đẵng bốn năm điều trị ở Bệnh viện 103, ông đã chiến thắng bệnh tật, và chiến thắng chính bản thân mình. Ông chia sẻ: “Ngần ấy vết thương hành hạ, tôi phải chịu đau đớn kinh khủng, nhiều lúc tưởng không còn chịu đựng nổi. Tôi thấy mình mấp mé cửa miệng tử thần...”.
Trong đau đớn tột cùng, một câu hỏi cứ chập chờn ám ảnh ông tự đặt ra: Có cách gì chế ngự vết thương để giảm bớt cơn đau, chấm dứt nó trong thời gian ngắn nhất không? Rồi lại ngẫm thân phận mình thương tật, bi đát, thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Và một ý nghĩ lóe lên: “Nếu buông xuôi là thất bại thảm hại. Phải làm người có ích”.
Nhưng làm gì để có ích thì ông chưa nghĩ ra.
Thời gian nằm điều trị ông Thoàn đã tự mày mò đọc sách, học hỏi, tìm hiểu tài liệu để khi xuất viện có thể tiếp tục tự chữa vết thương ở chân. Vừa để đỡ buồn chán. Hỏi dò, ông biết được thông tin về thứ thuốc sinh cơ đang điều trị cho ông do sư cụ Thích Đàm Lương ở chùa Trắng xã Hữu Hòa (Thanh Trì, Hà Nội) điều chế. Ông Thoàn đã xin phép bệnh viện được đến chùa Trắng đắp thuốc. “Nhà sư thấy tôi cần mẫn và thích đọc sách y dược, cũng phát hiện khả năng của tôi nên muốn truyền nghề. Tôi đã được chữa khỏi hẳn. Tôi vừa biết ơn vừa ngưỡng mộ nhà sư”, ông Thoàn kể lại.
Truyền nghề xong, sư cụ Thích Đàm Lương dặn dò: “Muốn được hưởng phúc thì phải có đức, có tài, có tâm, có thiện. Ta mong con biết rồi, gắng học hỏi để giúp người”. Đó chính là cơ duyên khiến Đào Viết Thoàn gắn với công việc thiện nguyện, trở thành một lương y đức độ.
“Nhiều người khổ hơn tôi”
Sau bốn năm được dưỡng thương và học nghề thuốc ở chùa Trắng, năm 1987, ông Thoàn trở về quê bằng đôi chân tập tễnh, mất sức lao động 85%. Nhưng ông luôn nhớ lời nhà sư, muốn báo đáp cuộc đời, với hành trang là bài thuốc trị bỏng nhanh, ít còn sẹo. Năm đó, vì gia cảnh quá nghèo, cơ quan chức năng địa phương đã xây dựng một căn nhà tình nghĩa cho vợ chồng ông để ổn định cuộc sống. Lại một lần nữa, gia đình ông nhận ân huệ từ cuộc đời. Xúc động đến ứa nước mắt. Cuộc sống khá dần nhờ vợ chồng ông chịu khó làm ruộng.
Thời điểm đó ở vùng quê lúa Thái Bình rất nhiều trường hợp bỏng nặng, ông Thoàn đã tận tình cứu chữa. Tiếng lành đồn xa, ở xã, huyện và tỉnh Thái Bình, ai bị bỏng đều được giới thiệu đến. Ông đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp tháo băng không bị dính, bôi thuốc mát không gây đau đớn cho bệnh nhân. Từ đó vết thương, vết bỏng nhanh liền da, không để lại di chứng.
Những năm ấy, người dân bảo ông không cần về quê làm lụng, chỉ hưởng chế độ cũng đủ sống. Nhưng ông đã không chịu ngồi yên, bởi “nhiều người còn khổ gấp vạn lần tôi ấy chứ”.
Lạc quan thế, nhưng bệnh tật và cơn đau nào biết chừa ai, kể cả với những người kiên cường nhất. Hàng xóm ông Thoàn bảo, da thịt ai cũng là con người, lúc trái gió, trở trời, ông Thoàn vẫn đau nhức, nhưng ông không kêu ca, không từ chối bệnh nhân. Lúc đau mà có bệnh nhân đến, ông “gác” cơn đau của mình lại, chữa cho người bị bỏng trước.
Thật may mắn, ông có những người con hiếu học và một người vợ tảo tần. Bà Nguyễn Thị Hơn là cựu thanh niên xung phong, chịu thương chịu khó, đã “chạy” cùng ông trong hoạn nạn, đau cùng ông mỗi khi trái gió trở trời và lại hết lòng cùng ông chịu khổ để giúp người. Thương binh Lê Văn Cảnh, đồng đội của lương y Đào Viết Thoàn xúc động chia sẻ: “Đời người là một khúc quân hành. Ông Thoàn đã viết lên bài ca của mình, bài ca chiến sĩ, bài ca về đạo đức và lòng hảo tâm. Ông ấy không phải là một hạt cát vô danh như trước đây đã nói. Ông là một hạt muối dâng vị mặn cho đời. Một lương y thầm lặng giữa miền quê!”.
Không chỉ có bệnh nhân ở trong tỉnh, mà người ở ngoài tỉnh chẳng quản đường xa xôi tìm về nhờ chữa trị. “Mỗi năm, tôi đón tiếp từ 1000 đến 1.500 bệnh nhân. Suốt 29 năm qua, tôi đã dành hết tình cảm, sức khỏe của một người thương tật cứu chữa cho bệnh nhân, bởi bệnh nhân đến với tôi nhiều người bỏng tận gân tận xương mà nhà nghèo. Nhìn họ sinh hoạt, ăn uống, tôi thấy nên giúp họ và không lấy tiền”.
Để việc điều trị có hiệu quả cao, lương y Đào Viết Thoàn chủ yếu đắp thuốc mỡ, nuôi da và cả kết hợp dùng thuốc kháng sinh rồi tiếp nước đối với những bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, mất nước. Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Phụ, tỷ lệ khỏi bệnh chiếm đến hơn 95%.
Tạm biệt ông, tạm biệt “nhà thương” nơi làng quê nhỏ Thái Bình, trong tôi không nguôi hình ảnh người thương binh tập tễnh, bước những bước khó nhọc giữa cuộc đời, nhưng vẫn làm được những điều kỳ diệu. Ông đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ngoài sáng tạo ra thuốc mỡ sinh cơ chữa bỏng, ông còn nghiên cứu bào chế thành công mỡ dưỡng da sau bỏng ứng dụng điều trị cho hàng nghìn người bệnh trên cả nước. Hay thuốc làm mềm vết sẹo, mờ vết thâm, chữa sẹo, nám má, tàn nhang, khô da, dị ứng đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật Thái Bình năm 2015.