"Gian nan thử sức"
Sau khi "nhảy việc" ở một doanh nghiệp, anh Nguyễn Hùng Sơn đã xin được việc làm ở Công ty CP Công nghệ thiết bị Phương Nam (đóng trên địa bàn huyện Gia Lâm - TP Hà Nội) nhờ sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Nói là nhảy việc cho sang, thật ra Sơn thuộc diện bị cắt giảm và phải mất một tháng ròng rã tìm hiểu mới xin được việc làm mới. Xòe hai bàn tay, Sơn tâm sự: "Tìm được việc làm ở tháng cuối của năm 2020, đó cũng là niềm vui vì phù hợp khả năng của em. Em có nhiều dự định cho hai năm tới, nếu đôi tay mà không được làm việc thì em sẽ không đạt được ước mơ. Dù mới được nhận vào, trong nửa năm đầu còn chưa quen việc, lương không cao nhưng được cái là em không mất Tết". Cũng may mắn tìm được việc làm mới khi vừa quay trở lại Thủ đô, bạn Ðậu Ðức An (quê ở Hà Tĩnh) chia sẻ: "Trước dịch Covid-19, em làm việc cho một công ty lắp ráp linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long (Ðông Anh - Hà Nội). Nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự ở đợt dịch thứ hai, em về quê ba tháng trồng rau, nuôi gà, dù cố gắng nhưng chưa thấy phù hợp nên quay lại Hà Nội. Mong cho năm mới bình yên, dịch Covid-19 đừng hoành hành nữa".
Ðiều khiến An yên tâm là nhận được sự cưu mang, giúp đỡ của các anh đồng hương, cùng làm ở KCN Bắc Thăng Long, cho ở trọ cùng để giảm chi phí, rủ tham gia bán hoa quả qua mạng trong
dịp Tết, kiếm thêm thu nhập.
Chuyện khó khăn do dịch bệnh hay thiên tai đâu phải bây giờ mới xảy ra. TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội dẫn ra câu tục ngữ "lửa thử vàng, gian nan thử sức", ý nói rằng những thử thách đó cũng khiến con người cần nhau và gần gũi nhau hơn, song cũng buộc chúng ta phải thay đổi cách sống, phương pháp dạy học, học tập và lựa chọn công việc để thích nghi. Ðồng quan điểm ấy, ông Ðinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các KCN và Chế xuất Hà Nội, cho biết: "Do một thời gian dài ít việc, các doanh nghiệp (DN) tuyển lao động khắt khe và đưa ra nhiều yêu cầu đối với công nhân, đặc biệt là kinh nghiệm, nên người xin việc phải cố gắng tích lũy kinh nghiệm".
"Bí quyết" sống còn
Ngay từ giữa năm và những tháng cuối năm 2020, các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) đã làm việc hết công suất, làm cầu nối giữa người lao động (NLÐ) và DN. Bước sang năm 2021, công việc của những "ông mối" càng sôi động hơn. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết, đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong phương thức tiếp cận người lao động; thực hiện các phiên giao dịch việc làm lưu động, trực tuyến; tăng cường khai thác những ưu thế của mạng xã hội và điện thoại thông minh qua việc cập nhật liên tục thông tin tuyển dụng của các DN…
Có một câu hỏi đang được nhiều người quan tâm, là bước sang năm mới 2021, làm sao để thị trường lao động phục hồi nhanh chóng, công nhân, NLÐ có việc làm ổn định? Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền bắc Công ty Navigos Search cho rằng, dù một số ngành vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, song nhu cầu lao động ở các mảng thương mại điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ tài chính, ngân hàng số... sẽ dần khôi phục vì đây là những mảng thị trường có cơ hội phát triển trong bối cảnh "bình thường mới".
Ở phía người sử dụng lao động, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Chủ tịch HÐQT Công ty CP May Hưng Yên chia sẻ: "Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, nhiều DN dệt may đã phải thỏa thuận với NLÐ về việc cắt giảm lương, thưởng. Thực tế, NLÐ cũng đã rất chia sẻ, sẵn sàng đồng cam cộng khổ với DN. Song chúng tôi cũng muốn nói rằng, chính việc thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) của DN đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Và CSR cũng giúp cho DN tăng trưởng bền vững hơn".
Cũng chia sẻ về sự cộng đồng trách nhiệm, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết: "Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Samsung Việt Nam đã cố gắng hết sức để thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của các nhân viên và cộng đồng địa phương, đồng thời vẫn tuyển hàng nghìn lao động. Theo tôi, để vượt qua khó khăn hiện nay và năm mới, yếu tố con người là rất quan trọng. DN nào có chính sách giữ chân được NLÐ thay vì chỉ chú tâm đến lợi nhuận sẽ bước qua khủng hoảng dễ dàng hơn".
Còn đứng trên quan điểm của chuyên gia đào tạo nguồn nhân lực, TS Phạm Xuân Khánh chia sẻ: Trong khó khăn, việc đào tạo linh hoạt, năng động và chất lượng sẽ giúp học viên tốt nghiệp có cơ hội việc làm tốt hơn. Song mỗi học viên, NLÐ cần bỏ túi "bí quyết" là khả năng học nhanh hơn, sử dụng công nghệ tốt hơn, sáng tạo và khả năng thích ứng cao. "Chúng tôi đã phối hợp nhiều DN, nhà tuyển dụng và nhận thấy họ đòi hỏi nhiều ở khả năng giao tiếp, đề xuất ý tưởng, kỷ luật công việc, xây dựng mối quan hệ… Học viên năng động và đáp ứng những điều này sẽ có cơ hội rất cao", TS Khánh nhấn mạnh.