Phận buồn
Tôi biết đến Hồng Ân một cách rất tình cờ. Những người nhận chăm nuôi Hồng Ân đăng tin xin sữa mẹ cho cháu lên mạng xã hội. Tôi khệ nệ chở một thùng sữa mẹ trữ đông đến thôn Sảo Hạ, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội để tặng và thăm cháu. Ông Vương Văn Tôn làm nghề buôn bán, đón thùng sữa trên tay tôi, rồi chẳng cần hỏi han xem tôi ở đâu, ông bảo “em bé ở trên tầng hai, cô lên với cháu nhé!”.
Vương Văn Thắng là con trai thứ hai của ông Tôn, gãi đầu gãi tai, giọng nói nhỏ nhẹ: Ban ngày em buồn ngủ lắm, vì cháu thường ngủ ngày, thức đêm. Đêm em trông cháu để mẹ em đi chợ bán hàng, đến trưa bà về “thay ca cho em”. Sinh năm 1990, ba năm nay Thắng tham gia thiện nguyện trong Hội Bảo vệ sự sống. Thắng bảo Hồng Ân đến với cậu cũng chính từ “cây cầu” Bảo vệ sự sống này. Những thông tin về mẹ của Hồng Ân mà Thắng và mọi người trong hội có được là: Sinh năm 1985, quê ở Yên Bái, đã có hai con và chia tay chồng. Chị này rất phức tạp, lúc thì nói là nghèo khó không nuôi được nên không thể sinh cháu ra, lúc lại khóc lóc kể lể rằng đang làm trong một nhà hàng ở Lào Cai… “Mọi người trong hội khuyên nhủ, động viên nhưng mẹ cháu chưa bao giờ muốn sinh cháu ra cả, nên chị ấy quyết tâm làm mọi cách để bỏ cháu. Chị ấy uống bia rượu, hút thuốc lá rất nhiều, rồi nén chặt bụng để không bị lộ…” - Thắng kể.
Hồng Ân vẫn phát triển, chỉ có điều, cháu bị não úng thủy, men gan cao và gan bị viêm, hậu quả của những tác động quá ư khủng khiếp mà người mẹ đã làm với cháu. Và cũng vì thế, mà chị ta quyết tâm bỏ cháu bằng mọi giá. Mẹ của Hồng Ân đến bệnh viện khám sàng lọc thai nhi trước sinh cho đúng thủ tục, rồi chị ta xin đình chỉ thai nhi. Thế nhưng ba lần làm thủ thuật với ba mũi tiêm mà tim thai vẫn đập, Hồng Ân vẫn sống. Chị ta xin được mổ để “dứt” con ra khỏi cơ thể. Cháu bé “bị ra đời”, vẫn sống nên các bác sĩ cho cháu nằm lồng kính. Được 10 ngày, khi bản thân đã khỏe hơn, chị ta xin ra viện rồi ôm Hồng Ân từ Lào Cai xuống Hà Nội, hẹn Thắng ở Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) để giao đứa trẻ…
Phép nhiệm mầu của yêu thương
Thắng kể, khi cậu và người nhà đến bến xe Mỹ Đình để đón cháu, Thắng đã khẩn khoản đề nghị người mẹ cùng về nhà mình, ở lại nhà mình để đứa trẻ có hơi ấm của mẹ, được ăn sữa mẹ. Nhưng ở nhà Thắng với con được hai ngày, chị ta kiên quyết đi. Chị ta bảo, ở trên Lào Cai, các bác sĩ đã nói cơ hội sống của cháu gần như là không có, những đứa trẻ sinh non khác ở tuần tuổi tương đương, lại não úng thủy như thế thì chỉ sống được không quá hai mươi ngày. Gia đình Thắng theo đạo Công giáo, họ thương cháu bé bằng tất cả tình yêu thương, ngày đêm cầu nguyện mong Hồng Ân được sống, được khỏe mạnh.
Hồng Ân sống với ông Tôn, bà Mị, Thắng và em trai út được một tuần, mọi người thấy cháu ăn ít dần, hơi thở ngày một ngắn hơn, yếu ớt hơn, da dẻ lại vàng vọt. Họ vội vã đưa cháu bé lên Hà Nội, vào cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Vào viện, Hồng Ân phải nhờ đến máy móc để thở. Các bác sĩ, các chuyên gia buồn bã lắc đầu. Sự sống của cháu chỉ được tính bằng giờ, bằng phút. Bác sĩ khuyên nên đưa cháu về, bởi có ở lại cũng không thay đổi được gì, cháu có thể ra đi bất cứ lúc nào. Cả gia đình ông Tôn ôm nhau khóc. Thắng là người xót xa hơn cả. Cậu vừa hy vọng, vừa sợ hãi.
Về nhà, cả gia đình thay nhau chăm sóc Hồng Ân. Rồi như có phép nhiệm mầu, Hồng Ân dần hồi phục, lại ăn, lại ngủ và phát triển. Hôm tôi đến thăm Hồng Ân, cháu đã sống được thêm hai tháng kể từ ngày bị “dứt” khỏi bụng mẹ. Lúc thay bỉm cho Hồng Ân, cháu o e khóc khi tôi chạm vào mông, vào đùi cháu. Thắng bảo: “Bé sống thêm được hai tháng, nhưng mười hôm nữa mới đủ chín tháng mười ngày (tuổi thai). Bây giờ cháu còn biết khóc đấy, chứ dạo trước cháu yếu đến mức không khóc được”. Vừa lúc bà Mị đi chợ về, vừa thay quần áo, rửa chân tay xong là lên ngay với Hồng Ân, bà bảo: “Con thế này mà cứng cáp lắm đấy, bà cho đi tắm là hai chân con cứ như muốn đứng lên trong chậu. Nghĩ đến lúc ở viện, lúc rút máy thở ra, chẳng ai dám hy vọng là con sống được…”.
Đã nghe hàng xóm nói ba năm nay Thắng hoạt động thiện nguyện, còn trước đây cậu thuộc loại “rách giời rơi xuống”, tôi ướm hỏi bà Mị: “Cậu Thắng có vẻ cũng chơi bời hả bà, hai tay đầy những hình xăm như thế?”. Bà Mị không giấu giếm: “Ôi giời ôi, khiếp lắm. Nói thật là ngày trước, tôi là mẹ nó, mà nghĩ đến nó tôi còn phát sợ…”. Hết cấp hai thì nghỉ học, Thắng lêu têu bờ bụi, theo đám bạn ăn chơi. Phá của bố mẹ chán, cả hội rủ nhau đi… cướp. Chỉ trong một đêm, băng nhóm của Thắng gây ra đến ba vụ cướp xe máy trên địa bàn Hà Nội và Hà Nam. Khi cả nhóm bị bắt và khởi tố, Thắng vừa tròn 18 tuổi, chịu án 5 năm.
Sau khi ra tù, trở về, Thắng như trở thành một con người khác. Có lẽ những tháng ngày lao động cải tạo đã giúp cậu nhận rõ sai lầm trong lối sống của mình. Thắng tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện trong các câu lạc bộ do nhà thờ tổ chức. Cậu gắn bó và hoạt động nhiều nhất ở Hội Bảo vệ sự sống. Cậu cùng mọi người mang những cháu bé bị “đẩy ra khỏi bụng mẹ” về các nghĩa trang Công giáo chôn cất. Những cháu ra đời, bị bố mẹ bỏ rơi thì được mang đến các trung tâm nuôi trẻ mồ côi. Trường hợp của Hồng Ân, lẽ ra cũng là mang đến trung tâm như thế. Nhưng rồi, từ khi biết Hồng Ân bị mẹ chối bỏ bằng mọi cách, ra đời với đầy bệnh tật hiểm nghèo, Thắng đã tình nguyện nhận cháu làm con, nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, đặt tên cháu là Hồng Ân và để cháu mang họ Vương của mình. Thắng yêu thương, chăm bẵm Hồng Ân bằng tất cả những gì đã “ngộ” ra trong suốt 5 năm chịu án và ba năm hoạt động thiện nguyện. Từ một thanh niên hư hỏng, giờ đây Thắng đã thật sự làm Bố. Từ việc cho con ăn, đến việc thay bỉm, vệ sinh, tắm rửa cho con, Thắng đều làm cả.
Tôi nắm những ngón tay bé tí xíu, non như ngó sen của Hồng Ân, bảo: “Thế là bà yên tâm rồi, cậu Thắng đã quay đầu lại. Con thì khỏe mạnh để mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người, mang cả lẽ sống đến cho bố Thắng của con”. Bà Mị thì coi Hồng Ân như là món quà mà Thượng Đế đã ban cho gia đình bà vậy. Chính nhờ có Hồng Ân để thằng con từng làm bà “chết đi sống lại” thật sự trở thành người tốt, biết yêu thương, biết giúp đỡ và trả ơn cuộc đời.