Nối dài các chính sách hỗ trợ nền kinh tế

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động xuống thấp, với việc phân bổ sớm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay, tăng cường "bơm vốn" cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.
0:00 / 0:00
0:00
Từ ngày 1/1/2024, Ngân hàng Agribank đã điều chỉnh biểu lãi suất đối với cho vay trung và dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Hải Nam
Từ ngày 1/1/2024, Ngân hàng Agribank đã điều chỉnh biểu lãi suất đối với cho vay trung và dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Hải Nam

Cấp "room" một lần- quyết sách kịp thời

Sang năm 2024, dự báo các khó khăn của kinh tế thế giới vẫn tiếp tục, trong khi các ngân hàng trung ương lớn vẫn neo lãi suất ở mức cao, suy thoái nhẹ sẽ diễn ra, xuất khẩu toàn cầu sẽ giảm, ảnh hưởng đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Tín dụng vẫn là nguồn cung ứng vốn chính cho nền kinh tế Việt Nam.

Rút kinh nghiệm về cấp "room" tăng trưởng tín dụng nhiều lần trong một năm, năm nay, Ngân hàng Nhà nước cấp "room" một lần, ngay từ đầu năm và yêu cầu ngân hàng thương mại phấn đấu đạt chỉ tiêu này, bảo đảm cung ứng vốn cho vay phục vụ doanh nghiệp và người dân. Với mức tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm nay, ước tính, sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được cung ứng vào nền kinh tế.

Chia sẻ về vấn đề này, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Phạm Chí Quang cho biết, nhận thấy xu hướng tổng cầu tiếp tục suy giảm, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, để các ngân hàng chủ động cung ứng vốn đầy đủ và kịp thời cho doanh nghiệp, người dân, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ những ngày đầu năm mới.

Ngay sau khi được giao chỉ tiêu tín dụng năm 2024, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã bắt tay vào thúc đẩy hoạt động tín dụng. Theo Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, cơ chế giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2024 có sự khác biệt so các năm trước. Đây là quyết sách kịp thời cho các ngân hàng thương mại trong việc triển khai kế hoạch tăng trưởng cho vay từ đầu năm, Ngân hàng Phương Đông cũng từng bước đẩy mạnh vốn ra thị trường.

Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, dòng tiền tiết kiệm vào các ngân hàng vẫn dồi dào và đây là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại tiếp tục đưa lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay đi xuống. Khi lãi suất cho vay giảm mạnh xuống vùng đủ hấp dẫn sẽ kích thích nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng.

Hướng dòng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn ngành đạt mức tăng trưởng khoảng 13,5% so đầu năm, đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng. Kết quả này dù không đạt mục tiêu tăng trưởng mà cơ quan quản lý đặt ra, nhưng thấp hơn không nhiều. Trên nền số dư tín dụng khoảng 12 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2022, trong năm 2023, ngành ngân hàng đã đưa vào nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ đồng vốn mới.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện lãi suất tiết kiệm đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại khẳng định, lãi suất huy động không thể thấp hơn được nữa, bởi trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã bốn lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2,0%/năm so cuối năm 2022. Tuy vậy, dưới chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.

Hiện lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại chỉ ở mức 0,2-0,5%/năm, là điều kiện rất tốt để các tổ chức tín dụng có dư địa cho vay với lãi suất thấp. Sở dĩ có tình trạng lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động là do 80% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn, 20% đến từ trung và dài hạn, trong khi hơn 50% dư nợ tín dụng là cho vay trung và dài hạn. Các ngân hàng thương mại cho vay trung và dài hạn thường dựa vào lãi suất huy động trung và dài hạn cộng với biên độ, dẫn đến lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ giảm chậm hơn nhiều so lãi suất huy động.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế-tài chính kỳ vọng, với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước và cam kết giảm lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm thời gian tới, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực tế, các động thái tiếp tục hạ lãi suất cho vay từ ngân hàng thương mại cũng đang được thực hiện. Chẳng hạn, từ ngày 1/1/2024, Ngân hàng Agribank điều chỉnh biểu lãi suất đối với cho vay trung và dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống với mức lãi suất cố định chỉ từ 7,0%/năm, thời gian áp dụng được nới rộng lên 24 tháng. Trong năm 2023, trên cơ sở tiết giảm chi phí huy động, Ngân hàng Agribank đã có tám lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đưa lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn từ 1,3-4%/năm so đầu năm 2023.

Theo ông Đào Minh Tú, năm 2024 là năm hành động quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các gói tín dụng ưu tiên đối với lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng như: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu... Đây là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp.