Những người hùng thầm lặng

Ở mỗi kỳ Đại hội, mỗi tấm huy chương giành được không chỉ đến từ nỗ lực cố gắng của mỗi vận động viên, mà còn đó sự hỗ trợ sát cánh không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân viên y tế. 
0:00 / 0:00
0:00
Những người hùng thầm lặng

Cần gấp đôi số người

Trong danh sách 1.003 thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32, đội ngũ y tế có tổng cộng 31 người, bao gồm 16 bác sĩ, ba y sĩ, bảy kỹ thuật viên và năm điều dưỡng viên. Nếu trừ đi năm nhân viên chuyên trách phục vụ hai đội tuyển bóng đá nam và nữ, 26 người còn lại có trách nhiệm chăm lo hơn 650 vận động viên. Ở mỗi kỳ Đại hội, đội ngũ y tế luôn phải phân bổ hợp lý theo thứ tự thi đấu lần lượt các môn, nhằm giảm tải khối lượng công việc nặng nề.

Không dễ để tìm được đội ngũ y tế thật sự hiểu và điều trị được cho các vận động viên. Các bác sĩ, nhân viên y tế liên quan mật thiết, gắn bó hằng ngày với các vận động viên thể thao thành tích cao tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, Bệnh viện Thể thao Việt Nam đều đã được huy động để phục vụ SEA Games lần này. Bên cạnh việc điều trị trực tiếp, họ còn đóng góp rất nhiều vào quá trình hồi phục sau khi thi đấu, bắt đầu từ khâu nắm bắt tình trạng cơ thể và chấn thương của mỗi người để chỉ định việc ăn uống, sử dụng thuốc hay thậm chí là cung cấp liệu pháp giải tỏa áp lực tâm lý.

Ở mỗi kỳ Đại hội, các bác sĩ thường có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Muốn bảo đảm yêu cầu chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho các vận động viên, mỗi đội tuyển nên có một bác sĩ và một kỹ thuật viên đồng hành. "Thực tế, cần gấp đôi số lượng bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên so con số hiện tại. Trước những khó khăn về con người, chúng ta phải chấp nhận và tìm giải pháp khắc phục", Tổng Cục trưởng Thể dục-Thể thao, Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt nhận định.

Căn cứ vào lịch thi đấu, bộ môn nào có lịch thi đấu dày đặc, nhiều nguy cơ chấn thương, Tổ trưởng Y tế có nhiệm vụ điều tiết và phân bổ bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên… Ở nhiều thời điểm, số trường hợp bị chấn thương hoặc chấn thương tăng nặng cùng lúc, hay số vận động viên cần hồi phục nhiều hơn, lâu hơn thì khối lượng công việc của đội ngũ y tế cũng tăng lên đáng kể. Thực tế, ngay cả huấn luyện viên cũng vẫn kiêm nhiệm vai trò kỹ thuật viên để hồi phục cho các học trò.

Mặc dù vậy, ngành thể thao cũng cần xây dựng chiến lược rõ ràng để giải quyết khó khăn này. Tổng cục Thể dục-Thể thao và Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã thống nhất về việc đào tạo đội ngũ y tế thể thao. Đây là quá trình đòi hỏi thời gian dài đào tạo, nhiều năm rèn luyện và nuôi dưỡng tình yêu nghề trong môi trường thi đấu thể thao khắc nghiệt. Bên cạnh đó, cần huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để có thêm nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia hỗ trợ Đoàn thể thao Việt Nam ở các đấu trường quốc tế.

Cuộc chiến chống doping

Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác của các bác sĩ trong Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 chính là việc tư vấn kịp thời, chính xác cho vận động viên trong việc sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần triệt tiêu khả năng vận động viên dương tính với chất cấm trong tập luyện và thi đấu.

Các đội tuyển thể thao quốc gia được yêu cầu phải bảo đảm tốt nhất sức khỏe vận động viên cũng như các lãnh đội phải bám sát công tác về thuốc, y tế do mình quản lý. Lãnh đội của từng đội tuyển được giao nhiệm vụ phải phổ biến chi tiết đến mỗi người để có ý thức bản thân không được tự ý dùng các loại thuốc, thực phẩm chức năng và các loại thuốc kích thích. Trong trường hợp cần sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng, tuyển thủ phải báo cáo và có ý kiến của bác sĩ của Đoàn thể thao Việt Nam.

Năm nay, Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam đã thực hiện lấy 20 mẫu thử ngẫu nhiên trong số các vận động viên đội tuyển quốc gia thi đấu tại SEA Games 32. Kết quả kiểm tra sẽ được gửi đến Ban tổ chức của SEA Games 32 để bảo đảm đúng quy định cũng như đúng với các quy trình về công tác y tế, sức khỏe tại mỗi kỳ Đại hội.

Năm 2022, thể thao Việt Nam đã kiểm tra trước thi đấu SEA Games 31, để rồi phát hiện và loại khỏi danh sách đăng ký sáu trường hợp dương tính doping. Sự cố này cùng trường hợp các vận động viên mới được thông báo dương tính với chất cấm khiến hình ảnh thể thao nước nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việt Nam luôn nói không với doping. Và để thực hiện điều này, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của vận động viên cũng như sự giám sát kỹ càng từ ban huấn luyện.

Giám đốc Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam

Nguyễn Văn Phú

Việc tuân thủ các quy định phòng, chống doping của Cơ quan phòng, chống doping thế giới (WADA) có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Việt Nam. Trong những năm gần đây, thể thao nước nhà đã có sự phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Đó là lý do chúng ta nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ WADA trong việc phòng, chống doping cũng như để bảo vệ sự trong sạch của các tuyển thủ.