Những ngôi đền vọng

Năm 2015, khi cùng một số nhà văn nữ đến viếng Nghĩa trang Trường Sơn, một tấm biển nhỏ đặt sát ngay bên trái cổng vào nghĩa trang chợt khiến chúng tôi chú ý. Đi theo mũi tên chỉ dấu, chúng tôi bất ngờ khi thấy Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn-Bến Tắt được xây trang trọng ngay đầu cây cầu treo Bến Tắt nổi tiếng trong lịch sử - một cửa ngõ huyết mạch của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Do bất cập trong quản lý, Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn- Bến Tắt chưa được nhiều người biết đến. Ảnh: Lê Đức Dục
Do bất cập trong quản lý, Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn- Bến Tắt chưa được nhiều người biết đến. Ảnh: Lê Đức Dục

Theo lời người cán bộ trẻ trực tại đây, ngôi đền được khánh thành năm 2012, với kinh phí do nhân dân cả nước quyên góp theo lời kêu gọi của báo Sài Gòn giải phóng, để tưởng niệm các liệt sĩ ngã xuống dọc dải Trường Sơn nhưng chưa được tìm thấy, quy tập về nghĩa trang (theo báo Sài Gòn giải phóng, con số này lên tới cả vạn liệt sĩ). Thời điểm đó, do nằm ở vị trí chưa được chỉ dẫn đầy đủ, nên không nhiều người biết tới ngôi đền nặng nghĩa tri ân này. Những năm gần đây, Ban quản lý Nghĩa trang Trường Sơn đã mở rộng khuôn viên, bổ sung nhiều hạng mục tôn tạo cho cảnh quan ngôi đền. Song theo một đồng nghiệp tại Quảng Trị, có lẽ do chưa được chỉ dẫn đầy đủ, nên dù dòng người đến viếng tại Nghĩa trang Trường Sơn rất đông, nhưng không nhiều người biết để đến thắp hương vọng tưởng anh linh của các anh hùng, liệt sĩ còn nằm lại giữa đại ngàn.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước hiện còn khoảng hơn 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, và hơn 300 nghìn liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Phía sau những con số đó, là nhân lên gấp nhiều lần nỗi đau của những thân nhân liệt sĩ khi chưa được nhìn thấy người thân của họ được mồ yên, mả đẹp - nghĩa cử sau cùng mà người còn sống có thể dành chăm lo cho người nằm xuống theo văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Một bài viết đăng tải mới đây trên Báo Nhân Dân cho biết, ở Quảng Trị, mỗi nhà dân hầu như đều có một am thờ liệt sĩ. Vào các ngày rằm, mồng một âm lịch, trên các am thờ luôn nghi ngút khói hương, ấm áp tấm lòng của người đang sống tưởng nhớ, tri ân các anh linh liệt sĩ.

Ở nơi cực bắc, Đài hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ do các cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356 và thân nhân các liệt sĩ đóng góp xây dựng trên Điểm cao 468 (Vị Xuyên, Hà Giang) được khánh thành vào tháng 6/2016, tưởng niệm hơn 2.000 liệt sĩ còn đang nằm lại rải rác nơi khe đá, thung sâu... chưa được tìm thấy. Trong nỗi đau không thể bù đắp được, thân nhân các liệt sĩ và các cựu chiến binh phần nào cảm thấy được an ủi, khi anh linh các liệt sĩ có được một nơi chốn ấm áp để tìm về.

Những đền thờ, đài hương tưởng niệm trên dọc dài Tổ quốc chúng ta, như sự khắc họa sâu hơn nỗi đau chiến tranh. Và sự hiện diện của những đền, đài khói hương vọng tưởng đó là biểu hiện sâu hơn, nặng nghĩa hơn trên hành trình tri ân thiêng liêng những máu xương đã tận hiến cho độc lập, tự do, hòa bình.