"Đất danh hương" mở hướng từ văn hóa

Là quê hương của 68 nhà khoa bảng, vùng đất Thường Tín (Hà Nội) gắn với danh xưng đáng tự hào: đất danh hương. Nơi đây còn lưu giữ được 462 di tích lịch sử, văn hóa - những địa chỉ đang được địa phương tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo, vừa phát huy giá trị trong đời sống, vừa phục vụ phát triển du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Thường Tín hiện có nhiều quần thể di tích, văn hóa đặc sắc. Ảnh: XUÂN TIẾN
Huyện Thường Tín hiện có nhiều quần thể di tích, văn hóa đặc sắc. Ảnh: XUÂN TIẾN

Ở vị trí cửa ngõ ra vào kinh thành Thăng Long xưa, có thể nói đi trên đất Thường Tín, đến đâu cũng bắt gặp những dấu tích lịch sử. Trong tổng số 462 di tích, công trình tôn giáo tín ngưỡng, có 126 di tích được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia và 65 di tích cấp thành phố), gắn với hệ thống di tích là các hoạt động lễ hội.

Suốt mấy chục năm qua, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", huyện Thường Tín đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Để bảo đảm công tác đầu tư cho việc quản lý, chống xuống cấp, phát huy giá trị di tích, hằng năm, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện phối hợp ủy ban nhân dân các xã, thị trấn làm tốt công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích trên địa bàn, qua đó làm căn cứ để tham mưu với ủy ban nhân dân huyện trong công tác quản lý di tích, đề xuất xếp hạng các di tích có giá trị về lịch sử, kiến trúc; đề xuất với thành phố hỗ trợ nguồn kinh phí cho tu bổ, tôn tạo các di tích đã xuống cấp.

Cùng với việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền, huyện Thường Tín còn phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích thể hiện thông qua công tác xã hội hóa hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích. Một số di tích đã được địa phương chủ động xin phép tu bổ, sửa chữa bằng nguồn xã hội hóa như: Chùa Văn Hội, xã Văn Bình với tổng mức đầu tư gần chín tỷ đồng; đình Bình Vọng (xã Văn Bình) mức kinh phí hơn ba tỷ đồng; đình Thượng Đình (xã Nhị Khê) tổng mức đầu tư gần bốn tỷ đồng trong đó thành phố hỗ trợ hai tỷ đồng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, còn lại là nguồn xã hội hóa; đình Yên Phú (xã Văn Phú) chống xuống cấp 700 triệu đồng; đình Nhân Hiền (xã Hiền Giang) chống xuống cấp gần 700 triệu đồng; đình Chùa Từ Vân, xã Lê Lợi tu bổ tôn tạo với tổng kinh phí 50 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa; chùa Phúc Hưng, thôn Trần Phú, xã Minh Cường hoàn thành tu bổ với nguồn xã hội hóa hơn 70 tỷ đồng.

Ngoài ra, công trình Văn Từ Thượng Phúc được đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, bổ sung, nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống hiếu học, vùng đất khoa bảng, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa. Văn Từ Thượng Phúc ghi danh 68 nhà khoa bảng, được coi là những biểu tượng của tinh thần yêu nước, hiếu học, những tấm gương sáng, tạo động lực cho các thế hệ người Thường Tín, đặc biệt là thế hệ trẻ noi gương học tập, kế tục phát huy những tinh hoa của các bậc tiền nhân để lại cho hậu thế.

Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa, cách mạng, lao động sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, huyện Thường Tín đang quyết tâm đưa văn hóa ngày càng đi sâu, lan tỏa vào mọi mặt của đời sống và các hoạt động xã hội, cộng đồng; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cao đẹp, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển quê hương giàu đẹp. Trong thời gian tới, huyện Thường Tín tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân trong huyện về vị trí, vai trò của văn hóa trong hoạt động tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.

Giai đoạn 2021-2026, cùng với sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội, huyện đang tu bổ, tôn tạo 59 di tích. Bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, huyện huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các di tích, lễ hội trên địa bàn. Nhiều di tích được bảo tồn, bảo đảm tính khoa học, phục vụ nhu cầu tôn giáo tín ngưỡng, đồng thời khai thác hiệu quả hoạt động du lịch.

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh khẳng định, để phát huy tiềm năng, lợi thế văn hóa, lịch sử, làng nghề, thời gian tới huyện tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện tới cơ sở trong việc chỉ đạo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sáng tạo văn hóa và dịch vụ văn hóa. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng thương hiệu "Đất danh hương, đất trăm nghề" với việc chọn nhóm vấn đề lớn để triển khai đầu tư; ưu tiên chọn các dự án di tích đặc trưng, đặc sắc để trùng tu, tôn tạo; ưu tiên phát triển dịch vụ văn hóa, phát triển loại hình nghệ thuật; tăng cường quảng bá, thu hút và thúc đẩy phát triển các đặc sản địa phương trở thành sản phẩm văn hóa có thương hiệu.