Từ tranh tường đến không gian đô thị

CÂU chuyện quận Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng) xử phạt cá nhân tổ chức vẽ tranh tường lên một số nhà dân trong khu vực (dù được sự đồng thuận của chủ nhà), đồng thời mời cơ quan chức năng của thành phố giám định để đánh giá chất lượng các bức tranh trước khi cho phép tồn tại hay hoàn trả hiện trạng, đang cho thấy những bất hợp lý và thiếu hụt trong công tác quản lý không gian đô thị.
0:00 / 0:00
0:00
Từ khi ra đời, phố bích họa Phùng Hưng (Hà Nội) luôn là điểm đến yêu thích của người dân và du khách. Ảnh: Duy Minh
Từ khi ra đời, phố bích họa Phùng Hưng (Hà Nội) luôn là điểm đến yêu thích của người dân và du khách. Ảnh: Duy Minh

Tranh tường không còn là câu chuyện mới. Nhiều dự án sáng tạo tranh tường để làm đẹp không gian sống hay thu hút khách du lịch đã ít nhiều gặt hái thành công ở nhiều địa phương trên cả nước, nên việc người dân chủ động triển khai một dự án vẽ tranh tường có thể được xem là tín hiệu mừng, từ góc độ làm đẹp không gian sống ở các khu dân cư.

Tuy nhiên, việc những cá nhân tiến hành dự án chỉ lấy ý kiến của các chủ nhà mà không báo cáo chính quyền địa phương sở tại phần nào cho thấy nhận thức đơn giản của họ, song, cũng đồng thời làm bộc lộ sự khuyết thiếu trong việc phổ biến các quy định của pháp luật đến những đối tượng chịu tác động, cụ thể ở đây là một nhóm cư dân đô thị về những quy định liên quan quản lý trật tự đô thị. Tương tự, dự án phục hồi bức tường quảng cáo ở Cửa Nam (Hà Nội) thời gian trước, khi tiến hành đã không có sự thông tin kịp thời đến người dân, gây nên những xôn xao không đáng có, và người dân cũng không được thông tin đầy đủ để có thể hiểu được hoạt động văn hóa ý nghĩa này.

Chính quyền quận Ngũ Hành Sơn đã có sự ứng xử linh hoạt và hợp lý, khi vừa tiến hành xử phạt, vừa lắng nghe kiến nghị mong muốn giữ lại một số bức tranh tường của những người thực hiện dự án. Việc mời cơ quan chức năng thẩm định chất lượng nghệ thuật của các bức tranh tường có thể coi là một tiền lệ, để những dự án tranh tường tiếp theo có thể có những bước đi hợp lý trước khi tiến hành.

Từ câu chuyện này, có thể nhận thấy nhu cầu làm đẹp không gian sống của nhiều người dân đã vượt khỏi bức tường ngăn thuộc sở hữu riêng, để chú ý tới những giá trị chung cho cả cộng đồng. Theo đó, các quy định và cơ quan chức năng, nhất là ở các đô thị lớn, cần tính tới những phương thức phù hợp để vừa khuyến khích sự chung tay góp sức của người dân, vừa bảo đảm sự hài hòa, hợp lý của bức tranh cảnh quan đô thị. Bởi, ngay cả khi được người dân đồng thuận, không phải tuyến phố nào cũng nên được làm đẹp bởi tranh tường.