Những mùa đông lam lũ

Gió mùa chùng chình thổi. Chị hàng khoai nướng, ngô nướng bên lề đường chếch phía trước tòa chung cư tất bật với công việc thường ngày. Khách đến rồi khách đi. Người qua đường lao vun vút. Chậu than hồng của chị luôn đỏ rực. Mẹ tôi ra thành phố thăm con cháu, đi qua hàng khoai. Mùi khoai nướng níu chân mẹ.

Cả nhà quây quần bên đĩa khoai vừa được cắt ra. Mẹ tấm tắc khen. Ngon thật. Nhưng sánh sao bằng vị khoai quê mình. Khoai quê mình có vị của bãi bồi phù sa, có sự cần lao của những người nông dân. Mẹ bảo, cuối tuần này, các con về dỡ khoai với mẹ.

Chúng tôi về lại đồng điền, nơi đã gắn bó suốt thời ấu thơ và tuổi mới lớn. Trước khi dỡ khoai mẹ phân công mỗi người một việc. Người cắt dây, người dùng cuốc vạc vợi đất hai bên mặt luống khoai, để trơ ra những thân dây khoai đo đỏ, tim tím. Cuối cùng là dùng cuốc cẩn thận bới khoai. Những củ khoai óng ả nằm trong đất bật ra. Củ thì như cổ tay, củ như cán cuốc, chuôi liềm. Có củ khoai dài đến gần hai gang tay người lớn. Chung quanh, ruộng hàng xóm cũng hối hả. Thi thoảng lại có tiếng ồ lên vì gặp những củ khoai lớn.

Có lẽ đã gần chục năm tôi không dỡ khoai cùng mẹ. Nay được trở lại, sự hào hứng vẫn còn nguyên vẹn, niềm vui sướng mà thanh, thiếu niên ngoài phố chẳng dễ gì có được. Ngày xưa còn đói kém, mùa đông dỡ khoai lang và nướng ngay trên đồng ăn thử. Đó là những kỷ niệm không bao giờ mờ nhòe trong ký ức chúng tôi. Ở đầu ruộng mỗi nhà thường đốt đống lửa, vừa để sưởi ấm, vừa nướng khoai rồi xì xụp quây quần cùng ăn. Ăn cho đỡ đói. Ăn để có sức tiếp tục làm việc. Mùi đồng đất, mùi rơm rạ, than củi quyện vào trong cái rét ngọt ngào, hanh hao của mùa đông như thấm sâu vào từng nhịp thở. Nhóm lửa nướng khoai cũng là một thú vui hấp dẫn của đám trẻ chăn trâu. Chúng thường xuống những ô ruộng đã thu hoạch bới tìm những củ khoai còn sót lại rồi tụ tập đem nướng. Nhớ đến những hình ảnh ấy, tôi lại nghĩ về mấy câu thơ của Đồng Đức Bốn: “Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều/ Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”.

Tôi hỏi mẹ, sao việc thu hoạch khoai ở quê mình vẫn chỉ dùng sức người? Mẹ bảo, khoai quê mình được đưa ra các thành phố, thị trấn để bán nên cần mẫu mã đẹp. Thu dỡ thủ công mới bảo đảm khoai ít bị sứt sẹo. Bàn tay người chạm vào những củ khoai nần nẫn, thân thương, sẽ cảm nhận được niềm vui của thành quả lao động.

Thời mẹ cha tôi, ngô khoai là thứ quý. Khoai trở thành thức ăn chính trong bữa ăn gia đình. Nhà nào sang lắm mới có cơm trắng. Còn thường thì ăn cơm độn khoai. Mỗi lát khoai chỉ cõng vài hạt cơm. Khoai cũng là lương thực dự trữ. Khoai được rửa sạch, thái mỏng, phơi khô để dành đến ngày giáp hạt mang ra đồ lại…

Kìa mắt mẹ tôi nhòe nước. Là khói đồng hay mẹ đang xúc động? Nụ cười và hình ảnh của các con quần tụ bên những luống khoai gợi mẹ nhớ lại những mùa đông khó khăn thuở trước.

Đồng điền vẫn tốt tươi và luôn mở rộng vòng tay đón những đứa con tìm về. Ngày mai về lại phố, tôi hiểu, trong mình vẫn thao thức những mùa đông lam lũ mà thân thương nơi quê nhà.