Những mảnh ghép giá trị

Song hành với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc chia sẻ ký ức cá nhân dưới nhiều hình thức đã trở thành một xu hướng cũng như nhu cầu tất yếu của xã hội. Sự chia sẻ này đồng thời tạo cơ hội cho các mảnh ghép của di sản văn hóa và lịch sử được hội tụ, phát huy giá trị trong cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Triển lãm Cầu Long Biên-chứng nhân lịch sử do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội phối hợp tổ chức. Ảnh: THỦY LÊ
Triển lãm Cầu Long Biên-chứng nhân lịch sử do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội phối hợp tổ chức. Ảnh: THỦY LÊ

Kết nối cá nhân với cộng đồng

Chia sẻ cá nhân chính là tạo ra sự tích hợp của cộng đồng và xã hội. Chúng ta có những cuốn sách như Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thùy Trâm bởi ban đầu, anh Nguyễn Văn Thạc (1952-1972) và chị Đặng Thùy Trâm (1942-1970) đã ghi nhật ký. Sau đó, sự chia sẻ lại tư liệu ấy từ gia đình họ cùng nhiều tư liệu quý giá của các cá nhân khác đã làm nên những ấn phẩm đẹp đẽ cho cộng đồng.

Câu chuyện về cuốn sách và cuộc đời của những anh hùng liệt sĩ nói trên một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của các tư liệu lịch sử được lưu giữ trong ký ức mỗi người. Chính vì vậy, cần đánh thức, khích lệ để phát huy giá trị của những tài liệu, tư liệu lưu trữ cá nhân chứa đựng những điều quý giá cho ký ức chung của dân tộc.

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều cách hiệu quả khác để kết nối quá khứ và hiện tại, cá nhân với cộng đồng. Anh Trần Quốc Dũng, người dựng lại mô hình cây cầu Long Biên bằng tre nhấn mạnh về "sự thú vị" của di sản đối với thế hệ sau. Theo anh, có nhiều cách để công chúng tiếp cận dễ dàng hơn và vui hơn với các biểu tượng, công trình như cầu Long Biên, thế hệ trẻ có thể biết được các thông tin trong quá khứ thông qua cây cầu, "biết mình đi đâu và từ đâu mình đến".

Là người sở hữu bộ sưu tập hơn 20 tấn tư liệu báo, tạp chí, ông Nguyễn Phi Dũng (tỉnh Nam Định) cho biết, trong số này, có nhiều ấn bản báo chí đặc biệt quý đối với cá nhân ông như Gia Định Báo (xuất bản năm 1896), tờ báo đầu tiên ở nước ta bằng chữ quốc ngữ; Cờ Giải Phóng số 1 (ra ngày 10/10/1942) - cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông Nguyễn Phi Dũng cũng đã lên kế hoạch cho ra đời một bảo tàng tư nhân về báo chí trước năm 2025.

Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Bộ Nội vụ), trong nhiều năm qua và bằng nhiều hình thức khác nhau, Trung tâm đã đưa di sản tài liệu lưu trữ đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước, chủ động chia sẻ thông tin, tài liệu lưu trữ thông qua các bài viết, ấn phẩm, triển lãm. Đồng thời, theo chiều đổi ngược lại, Trung tâm cũng nhận được sự hưởng ứng đóng góp tư liệu của nhiều cá nhân, góp phần quan trọng để các hoạt động phát huy giá trị di sản ngày càng hiệu quả.

Nhân lên hiệu quả của tư liệu ký ức

Đồng quan điểm với bà Hương, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho rằng, thông tin chỉ có giá trị khi được chia sẻ với cộng đồng trên phạm vi rộng nhất có thể. Ông Tùng cũng nhấn mạnh, cơ quan nhà nước phải đi trước trong việc chia sẻ tài liệu, tư liệu tới công chúng, theo đó, việc tổ chức các cuộc triển lãm là một phần trách nhiệm của những cơ quan này. Bên cạnh đó, PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, còn lưu ý về thái độ tôn trọng mọi dạng tư liệu, ý kiến từ phía người làm việc cho các cơ quan hữu trách khi tiếp nhận tư liệu từ người dân. Trong quá trình chia sẻ với cộng đồng, phải giữ được chữ tín, niềm tin với từng cá nhân người dân có ý thức chia sẻ tư liệu. Chỉ có như vậy, những tư liệu trong cộng đồng sẽ được chia sẻ nhiều hơn.

Từ thực tế công việc sưu tầm bản đồ đất nước và các vùng, địa phương, ông Lại Quý Dương - người đã hiến tặng bộ sưu tập gồm 800 tấm bản đồ cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia I nhận thấy, hiện còn rất phong phú, đa dạng nguồn tư liệu liên quan lịch sử dân tộc được lưu giữ rải rác trong các gia đình. Theo ông, để người dân ý thức rõ ràng và sâu sắc tầm quan trọng của di sản mà họ đang sở hữu, nên chăng, Nhà nước có chính sách khuyến khích người dân kê khai di sản tư liệu, đăng ký bảo hộ tư liệu.

Liên quan chủ đề này, Phó Cục trưởng Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Định Phong cho biết, trong thời gian tới, Luật Di sản văn hóa sẽ tiếp tục được sửa đổi và trong đó, điểm nhấn là luật hóa việc quản lý di sản tư liệu, trong đó có tư liệu do cá nhân sở hữu.

Ký ức của mỗi người là một phần ký ức chung của xã hội và ký ức-hiện tại hôm qua sẽ là di sản của hôm nay và tương lai. Chính vì vậy, chia sẻ ký ức là cách thức tốt nhất để làm giàu, phát huy di sản chung ấy.