Những chiếc lá lặng lẽ chuyển màu

Khi chuẩn bị ra mắt tập thơ song ngữ Việt-Anh Bóng của Ý nghĩ, tôi gửi email báo tin vui với ông bà Nilsson ở Copenhagen. Năm 2019 sang chơi, tôi đã kể với ông bà dự định in sách. Bà hào hứng động viên: “Hai bác mong lắm! Những chiếc gai trong mơ của cháu đã đưa cháu đến với hai bác. Bóng của Ý nghĩ sẽ mang cháu trở về”. Chờ mãi không thấy bà Ulla hồi âm, gọi số máy bàn cũng chỉ tút dài.
0:00 / 0:00
0:00
Những chiếc lá lặng lẽ chuyển màu

Tôi cuống lên, nhắn tin cho Lotte, con gái út của ông bà, thì được biết hai người đã quyết định vào Care Centre - Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi, vì ông tám mươi tám, bà tám mươi hai, khó tự chăm mình, cũng không chăm nhau được nữa. Hằng tuần con cháu tới thăm, đón bố mẹ về chơi những ngày nghỉ. Lotte bảo: “Ban đầu, cả nhà hơi buồn một chút. Nhưng bố mẹ em hài lòng với cuộc sống mới. Bố mẹ ở căn hộ nhỏ trong Trung tâm. Một số đồ đạc, vật kỷ niệm mang từ nhà cũ đến, nên không gian vẫn có vẻ quen thuộc. Khi cần sẽ được nhân viên điều dưỡng chuyên nghiệp chăm sóc, hỗ trợ mọi mặt. Ai cũng yên tâm, chị ạ. Chính mẹ cũng như trút được mối lo, giờ thanh thản lắm. Chị gửi sách cho em nhé. Em sẽ mang vào Trung tâm cho bố mẹ em ngay”.

Bà Ulla xưa làm việc ở Nhà hát Betty Nansen Teatret, đọc và giám định các kịch bản sắp dàn dựng. Bà là chuyên gia sân khấu, từng giảng dạy ở Mỹ và một số nước châu Âu. Tôi vốn gắn bó với sân khấu từ nhỏ vì bố mẹ tôi đều trong nghề. Khi quen biết bà Ulla, càng trò chuyện với bà, tôi càng thấy thân thiết, gần gũi. Những lần sang Copenhagen, ở với ông bà, tôi được ông bà cưng chiều như một đứa con gái nhỏ. Tinh mơ, tôi thức giấc đã nghe ông bà lạch cạch chuẩn bị bữa sáng trong bếp, trò chuyện sẽ sàng. Sớm mùa hè Copenhagen khá lạnh, tôi nấn ná cuộn mình trong chăn, tận hưởng cảm giác ấm áp tôi chưa từng có, trong gia đình có đủ bố mẹ kề bên...

Nghe bà Ulla gọi, tôi choàng dậy, rửa mặt nhanh nhanh, thay áo, quàng vội chiếc khăn len mỏng, bước ra phòng khách đã đẫm hương cà-phê, mùi bánh mì nướng thơm nức nở. Chúng tôi hay ăn sáng ngay tại bàn trà, mở tung các cửa sổ đón nắng sớm hớn hở ùa vào. Bữa sáng kiểu Đan Mạch có bánh mì đen, bánh mì nâu hoặc bánh mì trắng phết bơ, kèm giăm-bông, sữa chua, nước quả. Rồi cà-phê đen, hoặc cà-phê pha sữa tươi nóng. Món hạt ngũ cốc ngâm sữa lạnh, tôi tự biến tấu cho thêm, lúc thì đôi thìa cà-phê đặc, khi lại vài thứ quả tươi, như táo, dâu, nho, việt quất..., ăn hay hay, lạ miệng. Bữa trưa, bà Ulla chuẩn bị Smørrebrød, món ăn trưa phổ biến ở Đan Mạch, gồm bánh mì cắt lát, phết bơ hoặc pa-tê gan kèm thịt nguội, xúc xích, trứng luộc, và dưa chuột, cà chua, avacado hay đậu đũa... Bữa tối của người Đan Mạch cũng là khoảng thời gian dành cho gia đình.

Thực đơn gồm một món thịt hoặc cá, khoai tây luộc hoặc nướng, một món rau xanh hay salad, cùng chút rượu vang. Các con đều đã ở riêng từ lâu, nhưng bà Ulla bao giờ cũng chuẩn bị bữa tối tươm tất, dù chỉ hai ông bà hay có thêm tôi. Bà Ulla là người nấu ăn ngon. Tôi đặc biệt thích món bánh thịt xay bỏ lò (Forloren Hare) phiên bản riêng của bà. Bà gọi nó là “Ulla-Stina’s meatloaf”, nguyên liệu dễ kiếm, cách làm không cầu kỳ, nhưng ngon tuyệt. Bà trộn nửa thịt bê, nửa thịt lợn xay nhuyễn với tỏi, một quả trứng gà, một củ hành tây thái hạt lựu, hai thìa bột yến mạch, lá mùi tây, tiêu, muối và một chút nước thành hỗn hợp dẻo quánh. Đổ hỗn hợp ấy vào khay gốm hoặc thủy tinh chịu nhiệt, tạo hình như ổ bánh mì, xếp cà chua xắt mỏng lên bề mặt, rắc bột lá oregano, nướng ở nhiệt độ hai trăm độ C. Ba mươi phút sau, mùi thịt nướng thơm lừng, tắt lò, ủ thêm dăm phút. Khối thịt nướng vừa đủ độ xem xém bề mặt; những lát cà chua se se đỏ thắm; nước thịt tứa ra khay, sóng sánh, rất hấp dẫn. Cắt từng khoanh, bày lên đĩa, rưới nước thịt, ăn cùng khoai tây luộc chín tới, đậu đũa giòn sần sật và sốt kem nấm champignon béo ngậy.

Những chiếc lá lặng lẽ chuyển màu ảnh 1

Căn bếp nhỏ xinh của ông bà có cửa sổ nhìn xuống mảnh vườn xanh rượi. Sáng sáng, ông Jørgen xuống phố mua báo rồi mua bánh mì và rau quả tươi. Trong túi rau, ông chọn ra vài cọng mùi, cắm vào cái cốc thuỷ tinh, đặt lên bàn bếp. Chúng giống những bông hoa xanh tươi mơn mởn, rung rinh, mềm mại, như một tương phản duyên dáng đứng cạnh bộ chày cối bằng đồng bé xíu, cũ đến vài trăm năm, dùng để nghiền gia vị, mà bà Ulla “thừa kế” từ cụ ngoại. Bàn ăn nhỏ kê sát tường, chỉ có ba chiếc ghế. Ông bà ngồi đối diện nhau, tôi được ngồi chính giữa.

Tôi thích bộ đĩa ăn bằng gốm men trắng ngà, viền xanh nước biển, những chiếc khăn ăn mầu xanh cobalt xếp hình tam giác ngay ngắn và bộ thìa nĩa bạc chạm trổ đơn giản, món đồ gia truyền mấy đời vẫn đẹp đẽ bóng láng. Trước khi ngồi vào bàn, ông Jørgen bao giờ cũng kéo ghế cho bà, rồi cho tôi. Ông khui chai rượu vang, rót một xíu ra, chậm rãi lắc lắc ly rượu một lúc, nâng lên hít sâu trước khi nếm ngụm đầu tiên. Ông gật gù đưa mắt nhìn bà. Bà mỉm cười. Ông rót rượu vào ly của bà, của tôi, rồi mới đến mình. Lần nào cũng thế, cũng ngần ấy động tác trước khi bắt đầu một bữa tối, dù bình thường hay đặc biệt. Ông thực hiện việc đó như một “nghi lễ” nghiêm cẩn mà giản dị, và quá đỗi ân cần.

Năm 2019, tôi trở lại khi hàng cây trên phố Pile Allé thấp thoáng những đốm lá vàng khắc khoải. Tóc tôi cũng có những sợi đã lặng lẽ chuyển màu, như lá chớm thu. Ông bà Nilsson không còn nhanh nhẹn như trước nữa. Bà hay quên, ông vốn lãng tai. Chuyện bà kể đi kể lại, ông vẫn tán thưởng như nghe lần đầu. Để leo cầu thang lên tầng tư, ông bà mất nhiều thời gian hơn. Vậy mà hôm mới đón tôi ở bến tàu về, ông Jørgen cứ nhất định giành mang vali cho tôi. Bà ít nấu nướng hẳn, hằng ngày mua đồ ăn sẵn tại cửa hàng bên phố Vesterbrogade. Ông bà cũng bỏ thói quen đi lại bằng xe đạp. Hai chiếc xe khóa, dựng trong sân sau đã lâu. Ông lôi xe của bà ra lau chùi, tra dầu mỡ, để tôi thỉnh thoảng đạp loanh quanh vào khu trung tâm thành phố. Không ít điều đã dần đổi thay. Nhưng mỗi sớm mai, vẫn mùi cà-phê, mùi bánh mới; vẫn những âm thanh lách cách xen tiếng ông bà se sẽ chuyện trò; vẫn giọng bà dịu dàng gọi: “Ăn sáng nào, Na ơi!”...

Cuối tháng Tám ấy, Lotte tổ chức tiệc sinh nhật bố tám mươi lăm tuổi, trên sân thượng ở căn penhouse của vợ chồng cô. Bữa tiệc toàn những món Đan Mạch truyền thống, có khoảng hơn chục người trong gia đình tham dự. Chị cả Mette đặt một chiếc bánh sinh nhật hình trái tim phủ chocolate trắng, và lớp kem được tạo hình từ một bức ảnh đôi thật đẹp của ông bà. Đang giữa tiệc xôn xao, bà Ulla gõ chiếc nĩa vào ly rượu lanh canh, đề nghị cả nhà im lặng. Bà đứng lên, cầm giấy đọc đôi lời bà nắn nót viết từ đêm trước. Bà chúc mừng sinh nhật ông, cảm ơn ông đã đồng hành gần trọn cuộc đời, cảm ơn con cháu, người thân, bè bạn, và cuối cùng, bà nhắc đến tôi: “Cảm ơn Nana - Bảo Chân, người bạn của chúng ta, đã lặn lội đường xa tới chia vui cùng gia đình ta hôm nay. Hai bác rất vui khi có cháu bên cạnh suốt tuần qua, và hai bác hy vọng cháu cũng cảm thấy như thế. Mong cháu sẽ sớm trở về, hãy coi đây cũng là gia đình của cháu”.

Tôi dậy khi trời còn chưa sáng rõ, bắt chuyến xe bus đầu tiên, rồi chuyển tàu điện ngầm tới thẳng sân bay, quay lại Paris trước khi về Hà Nội. Bà Ulla đưa tôi ra bến bus, hôn lên trán tôi thay một lời chúc tốt lành. Trong gói quà bà để vào vali cho tôi có một cái sắc nhỏ bằng da cất vài kornes tiền lẻ để tôi mua vé tàu. Có cuốn Những câu chuyện từ Moominvalley của Tove Jansson, nhà văn Đan Mạch nổi tiếng chuyên viết cho thiếu nhi. Có tập kịch Người và Siêu nhân ra đời năm 1902 của nhà soạn kịch vĩ đại người Anh Bernard Shaw, bà Ulla mua từ năm 1961, nay bà đề tặng: “Cho Na, như một kỷ niệm về Ulla và Jørgen”; Có bộ chày cối bằng đồng bé xíu, “nó sẽ nhắc cháu nhớ đến những ngày ở Pile Allé và những thế kỷ đã xa”; Có một mảnh giấy ghi công thức món “Ulla-Stina’s meatloaf”, “để hương vị Đan Mạch thơm căn bếp của cháu”.

Hôm trước, Lotte nhắn: “Chị ơi, cả nhà vừa tổ chức sinh nhật cho bố em ở Care Centre. Em đã đưa bố mẹ tập sách mới của chị. Thật không dễ giải thích, vì bố mẹ em quên nhiều lắm. Các cụ chỉ cười thôi. Nhưng em tin, bố mẹ em sẽ hạnh phúc nếu lại đọc thơ chị, và biết rằng chị luôn nhớ họ”. Bà Ulla từng nói: “Bóng của Ý nghĩ sẽ mang cháu trở về”. Tôi đã trở về bên ông bà Nilsson theo lối ấy. Tôi lại ngồi trong căn bếp, bên cửa sổ, nhìn xuống khoảng vườn xanh rượi, khẽ đọc mấy câu thơ tôi viết, biết đâu ông bà nghe thấy: “Những câu thơ cay đắng trở về từ ảnh ảo xanh rờn/ của tàn cây héo úa/ Những câu thơ tươi/ tự chín âm thầm”. Cơn gió thu se sắt ào tới lùa vào tóc tôi, có thêm những sợi lặng lẽ chuyển màu, như lá.