Những bước đi thận trọng

Khủng hoảng chính phủ, khủng hoảng di cư, mặt trái của trí tuệ nhân tạo... đang là những mối nguy đòi hỏi chính phủ các nước có những bước đi thận trọng, để đối phó ảnh hưởng tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00
Năm đảng ở Thụy Sĩ đã ký bộ quy tắc ứng xử về hạn chế sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chiến dịch tranh cử.
Năm đảng ở Thụy Sĩ đã ký bộ quy tắc ứng xử về hạn chế sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chiến dịch tranh cử.

1. Đảng Dân chủ Xã hội, đảng The Centre, đảng Xanh, đảng Xanh Tự do và đảng Tin lành ở Thụy Sĩ đã ký bộ quy tắc ứng xử về hạn chế sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chiến dịch tranh cử của năm đảng cho cuộc bầu cử liên bang vào tháng 10 tới. Các đảng cũng đề nghị chính quyền vùng bám sát những nội dung của bộ quy tắc, trong đó nêu rõ rằng bất kỳ việc sử dụng AI nào trong các chiến dịch chính trị (quảng cáo được ghi lại, áp-phích, tuyên truyền) phải được thông báo rõ ràng. Ngoài ra, các đảng cấm sử dụng AI trong cái gọi là "chiến dịch tiêu cực" nhằm tấn công các đối thủ chính trị của mình.

Các đảng ở Thụy Sĩ cho rằng AI tạo ra cơ hội bằng cách thể hiện hình thức truyền thông mới, nhưng cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm, có khả năng bóp méo sự thật hoặc đổ lỗi cho một số chủ thể chính trị nhất định theo mục đích nào đó. Đảng Tự do Cấp tiến không tham gia lễ ký trên, nhưng cam kết cấm mọi hành vi lạm dụng AI, chẳng hạn như thông qua "deepfake".

2. Nhà trắng yêu cầu các cơ quan liên bang sẵn sàng cho kịch bản đóng cửa Chính phủ sau ngày 30/9, nếu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy không thuyết phục được đảng Cộng hòa cho phép Quốc hội thông qua một biện pháp cấp ngân sách tạm thời.

Bất đồng giữa các nghị sĩ ở Hạ viện, liên quan vấn đề cấp ngân sách hoạt động cho chính phủ, đang đẩy nước Mỹ đến nguy cơ gián đoạn chi trả cho quân đội, lực lượng hành pháp, các chương trình an toàn và hỗ trợ thực phẩm, xử lý các vấn đề hộ chiếu, lữ hành. Điều này có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ. Hiện các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thừa nhận rằng không có đủ thời gian để Quốc hội thông qua tất cả 12 dự luật ngân sách trước thời hạn 30/9. Do đó, Hạ viện và Thượng viện có thể sẽ cân nhắc một đề xuất ngắn hạn để các nhà làm luật có thêm thời gian đàm phán. Đề xuất này sẽ cắt giảm chi tiêu đối với hầu hết các cơ quan liên bang và gia hạn ngân sách đến hết tháng 10.

3. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã kêu gọi việc cải cách chính sách di cư của Liên minh châu Âu (EU) nên được thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, Đức không muốn Ủy ban châu Âu (EC) bổ sung quy định khủng hoảng vào hệ thống trên. Nếu được thông qua, sửa đổi này sẽ cho phép linh hoạt hơn trong trường hợp châu Âu phải đối mặt sự gia tăng lớn về lượng người nhập cư và người tị nạn, tương tự như cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.

Những bước đi thận trọng ảnh 1
Châu Âu đối mặt với sự gia tăng lớn về lượng người nhập cư bất hợp pháp.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức cảnh báo: Quy định về khủng hoảng người di cư sẽ khuyến khích các quốc gia EU khác chuyển tiếp người tị nạn đến Đức mà không cần đăng ký trước. Chính phủ Đức không thể ủng hộ quy định như vậy, bởi theo thống kê, nhiều người di cư và người tị nạn sau khi vượt Địa Trung Hải đến các nước Nam Âu, thường di chuyển tiếp đến Đức hoặc các quốc gia Bắc Âu thịnh vượng hơn. Điều này đã gây ra sức ép với nguồn lực của khu vực công tại các địa phương Đức. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng thừa nhận rằng Đức đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận thêm người di cư, đồng thời kêu gọi kiểm soát biên giới và phân bổ công bằng người di cư trong EU.

4. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã thành lập một ủy ban có sự đại diện của chính phủ, khu vực doanh nghiệp và xã hội dân sự để xem xét những vấn đề ảnh hưởng đến doanh nghiệp đánh bắt cá, chẳng hạn như mức phạt cao đối với những người vi phạm quy định. Ủy ban này sẽ làm việc với các cơ quan quốc tế như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) nhằm bảo đảm rằng mọi thay đổi liên quan Đạo luật Nghề cá sẽ không ảnh hưởng đến cam kết của Thái Lan trong việc chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Chủ tịch Hiệp hội nghề cá quốc gia Thái Lan Mongkol Sukcharoenkana cho biết hiệp hội ủng hộ việc thúc đẩy sửa đổi Đạo luật Nghề cá vì một số quy định gây khó khăn cho việc đánh bắt cá. Ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thái Lan, đóng góp khoảng 3,61 tỷ USD vào GDP của nước này trong năm 2022.