Đòi hỏi bức thiết

Nhu cầu thay đổi đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhằm ổn định chính trị, tăng khả năng cạnh tranh cho các nền kinh tế hay đẩy nhanh những dự án thiết thực hỗ trợ người yếm thế.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Pháp E.Macron (bên trái) và Thủ tướng Đức O.Scholz.
Tổng thống Pháp E.Macron (bên trái) và Thủ tướng Đức O.Scholz.

1. Trong một bài viết chung đăng trên tờ Financial Times số ra ngày 28/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo: Liên minh châu Âu (EU) phải nỗ lực vượt bậc để cải thiện khả năng cạnh tranh. Một trong những cải cách cần thiết là nỗ lực phi carbon hóa nền kinh tế, theo hướng để các quốc gia thành viên chọn lựa cách thức thực hiện phù hợp. Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi các nước thành viên EU hoàn thiện thị trường tài chính đơn nhất của khối, bằng cách đưa ra các khuôn khổ chung về phá sản, thuế và đầu tư. Bài viết nhấn mạnh: EU đang lâm nguy, và các nước thành viên cần vượt qua thử thách này.

Bài viết được đăng trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm cấp nhà nước tới Đức trong ba ngày. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Pháp đến Đức sau 24 năm, kể từ chuyến thăm của Tổng thống Jacques Chirac năm 2000.

2. Chính phủ Hàn Quốc thông báo: Bắt đầu từ tháng 7 tới, nước này sẽ kéo dài thời gian hoạt động của thị trường ngoại hối từ 9 giờ hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau, thay vì từ 9 giờ đến 15 giờ 30 phút như hiện nay, nhằm mục đích dần dần vận hành thị trường liên tục 24/24 giờ.

Ngoài ra, các tổ chức nước ngoài đã đăng ký (RFI) sẽ có thể tham gia trực tiếp vào thị trường ngoại hối. Bốn ngân hàng thương mại lớn của Hàn Quốc là KB Kookmin, Shinhan, Hana và Woori đang tích cực chuẩn bị cho những cơ hội mới. Các ngân hàng đều kéo dài thời gian hoạt động của các phòng giao dịch ngoại hối và củng cố hoạt động kinh doanh đồng won ở nước ngoài. Hiện tại, 22 RFI đã được Chính phủ Hàn Quốc phê duyệt, bao gồm các chi nhánh ở nước ngoài của các ngân hàng trong nước cũng như các ngân hàng nước ngoài.

Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường ngoại hối Hàn Quốc nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu.

3. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 214 năm Ngày Cách mạng tháng 5 của Argentina, Tổng thống Javier Milei kêu gọi thống đốc 23 tỉnh ủng hộ và đồng hành cùng chính phủ trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn. Tổng thống Javier Milei cam kết sẽ cắt giảm đáng kể nhiều loại thuế, đổi lấy việc Thượng viện phê chuẩn Luật Cơ bản, trong nỗ lực thúc đẩy cải cách sâu rộng nền kinh tế.

Lời kêu gọi của Tổng thống Milei được đưa ra trong bối cảnh chính phủ của ông đã không ký được Hiệp ước tháng 5 với chính quyền các địa phương, và Quốc hội Argentina chưa thông qua được bất cứ dự luật nào của chính phủ sau hơn năm tháng ông Milei nhậm chức. Thượng viện Argentina đang xem xét Dự luật Cơ bản, sau khi Hạ viện đã thông qua.

Dự luật Cơ bản lần này có quy mô cải cách nhỏ hơn nhiều so những dự luật được chính phủ đưa ra trước đó. Đặc biệt, ý định tư nhân hóa Ngân hàng Trung ương, từng bị dư luận chỉ trích nặng nề, đã được dỡ bỏ. Trong khi đó, nhiều tổ chức nghiệp đoàn và xã hội Argentina biểu tình phản đối các chính sách kinh tế hà khắc của chính phủ, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Đòi hỏi bức thiết ảnh 1
Nhiều dự án của WHO tập trung hỗ trợ trẻ em châu Phi.

4. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố thay đổi cách thức gây quỹ, để triển khai các dự án nhanh chóng và linh hoạt hơn. Hiện cơ quan y tế của Liên hợp quốc hoạt động dựa trên cam kết tài chính của 194 quốc gia thành viên, nhưng những cam kết này thường được phân bổ cho các dự án cụ thể với một số điều kiện kèm theo, trong đó có điều kiện về thời hạn.

Phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: Các quốc gia thành viên cam kết sẽ đóng góp thêm bốn tỷ USD vào ngân sách 11,1 tỷ USD của cơ quan này trong vòng bốn năm (cho đến năm 2028). Trong khi đó, cơ chế tài chính mới, mang tên "Vòng Đầu tư", sẽ giúp huy động bảy tỷ USD còn lại. WHO sẽ kêu gọi vốn từ các nhà tài trợ công và tư nhân, bao gồm cả các quỹ.

Tổng Giám đốc WHO nêu rõ: "Thay vì chờ đợi vốn trong bốn năm, cơ chế "Vòng Đầu tư" nhằm bảo đảm nguồn tài trợ đó ngay từ đầu, cho phép WHO lập các kế hoạch dài hạn hơn".