Nghề báo có gì đặc biệt so với các nghề khác trong xã hội?
Hai câu hỏi được đặt ra đã bốn trăm năm, tính từ ngày những tờ báo đầu tiên trên thế giới chen nhau ra đời vào thế kỷ 17. Hai câu hỏi từng được bao nhiêu học giả cổ kim đông tây tìm lời giải đáp, từ giản đơn đến uyên bác, vậy mà dường như chúng vẫn còn nguyên vẹn đâu đây để thỉnh thoảng sừng sững hiện lên, nóng hổi trước mắt mọi người, đòi hỏi sự lý giải cập nhật có lý có tình dựa trên thực tế quá trình phát triển của nền văn minh từng quốc gia và cả loài người.
Tại sao? Có phải tại báo chí là nghề có chức năng và sứ mệnh cao quý chuyển tải kịp thời những thông tin về đời sống xã hội trong hòa bình cũng như thời chiến - nói cách khác là thông tin về thế sự, về những con người - mà cuộc sống không ngừng đi lên, thời cuộc thường xuyên biến động, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của công chúng ngày càng đa dạng, càng "khó tính" đối với báo chí, truyền thông?
Các nhà báo phương Tây mỗi lần muốn luận bàn hay cần biện minh về tính chân thực của thông tin lại dẫn câu nói của vị tổ sư nghề báo nước Pháp Théophraste Renaudot, người sáng lập và chủ nhiệm ấn phẩm định kỳ đầu tiên của quốc gia ấy, tuần báo La Gazette de France, số đầu xuất bản năm 1631. Trước những băn khoăn của nhiều người về sự chính xác của các thông tin do tờ báo của ông cung cấp, ông nói: "Sử học thuật lại những sự kiện đã qua. Báo chí chuyển tiếp nhanh tiếng vang của những sự kiện đang diễn ra đến với công chúng. Trong muôn vàn sự kiện bộn bề được chuyển tiếp cách sao cho nhanh đến những người đang mong ngóng thông tin, làm sao có thể tránh không để lọt những tiếng vang chưa chuẩn xác? Cái cơ bản là người đưa tin không được cố tình nói dối".
Như vậy, bảo đảm thông tin chân thực, kịp thời, không bóp méo, không cắt xén, xuyên tạc vì động cơ thiếu trong sáng là đòi hỏi vĩnh hằng của công chúng đối với báo chí và người làm báo. Ở nước ta hai trăm năm về trước, khi báo chí chưa ra đời, thi hào Nguyễn Du đau đáu nỗi lòng muốn chuyển tải đến bạn hữu "những điều trông thấy" trong cuộc sống "bể dâu" cuối cùng đã chốt lại: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".
2. Mùa hè năm 1998, nhân Ngày Báo chí Việt Nam, Báo Nhân Dân số ra ngày 17-6 đăng bài "Nhà báo, bạn là ai?" được dư luận gần xa quan tâm chia sẻ, đồng tình.
Bài báo viết: Nghề báo là một nghề giống như mọi nghề trong xã hội. Đã vào nghề, người làm nghề phải có kiến thức, có tay nghề. Làm nghề nào mà người làm nghề chẳng phải học, chẳng phải làm thường xuyên, mới mong dần dà rồi mình sẽ "lên tay". Nghề nào mà chẳng có thợ cả, thợ chính, thợ phụ, thợ học nghề.
Trong đội ngũ những người làm báo ở nước ta cũng như bất kỳ đâu, bên cạnh những nhà báo chuyên sâu còn có nhiều người làm báo không chuyên. Họ là những nhà hoạt động chính trị, nhà khoa học, nhà văn hóa, thầy thuốc, nhà giáo..., cả những người làm một số nghề thoạt nhìn tưởng chẳng mấy liên quan đến báo chí. Vậy mà họ gắn bó lâu dài với việc thông tin, luận bình, phản biện, mọi sự khởi nguồn từ mong muốn được đóng góp ý kiến riêng của mình vào sự nghiệp của đất nước, được nói lên tiếng nói của người dân bình thường trước thời cuộc mênh mang.
Đội ngũ các cộng tác viên càng đông, thế và lực của tờ báo càng hùng hậu. Sẽ xa lạ với báo chí cách mạng, sẽ không phải là nhà báo đích thực dù người đó là chuyên hoặc không chuyên, nếu có ai đó nhân danh báo chí, truyền thông đặt lợi ích riêng của mình lên trên lợi ích của cộng đồng; chỉ biết chăm lo quyền và lợi ích của cơ quan, của ngành hay địa phương mình trước lợi ích của đất nước, của nhân dân. Sẽ không xứng đáng với danh xưng nhà báo nếu có ai đó làm nghề chuyển tải thông tin mà hững hờ với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc, dân chủ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Buồn biết mấy nếu chẳng may có đồng nghiệp coi nghề báo rốt cuộc chỉ là một nghề nhằm giúp cho tên tuổi mình trở nên nổi tiếng, và cũng chỉ cần có thế thôi.
Nhà báo phải bắt đầu sự nghiệp với tấm lòng trong sáng vì nước vì dân, ý thức tôn trọng pháp luật, đáp ứng các tiêu chí đạo đức nghề nghiệp. Đấy chính là cái tâm, cái đức, cái tài mà người dân đòi hỏi ở những người làm báo.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam, khởi đầu từ việc xuất bản báo Thanh Niên số 1 ra ngày 21-6-1925. Tại bức thư gửi Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng mở ở Việt Bắc năm 1949, Người viết: "Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính… Mục đích là kháng chiến và kiến quốc"... Xuất phát từ mục đích thoạt nghe tưởng giản đơn mà vô cùng cao quý và gian nan ấy, Người khuyên những người làm báo trước khi hạ bút viết bài, làm tin, hãy đặt ra cho mình mấy câu hỏi: Ta viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?
Diễn đạt theo cách ngày nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thời cuộc diễn biến khó lường, nước Việt Nam từ một xứ đói nghèo trở thành một quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình với vị thế tỏa sáng trên trường quốc tế, nhà báo hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào, sử dụng loại hình truyền thông nào cũng phải chung tay góp sức xây dựng nước Việt Nam đổi mới không ngừng trên cơ sở kinh tế phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng vì lợi ích của người dân; kinh tế hài hòa trong văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm tỏa sáng những giá trị cổ truyền và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhân loại; gìn giữ môi trường sống tự nhiên; bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia; đẩy lùi sự chống phá của các thế lực thù địch; vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác.
Thử hỏi có vinh quang nào rạng rỡ hơn cái vinh quang mà cuộc sống dành cho những người làm báo, bao gồm những nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên, và cho nghề báo.
4. Tháng 2-1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, ra quyết định lấy ngày 21-6 hằng năm là Ngày Báo chí Việt Nam (1).
Quyết định nêu rõ: Ngày Báo chí Việt Nam là dịp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí… nêu cao trách nhiệm của các nhà báo, tăng cường quan hệ giữa báo chí và bạn đọc. Ngày báo chí Việt Nam tổ chức đều đặn hằng năm từ bấy đến nay và sẽ tiếp nối không ngừng, không đơn thuần là một ngày hội thiên về lịch sử qua các nội dung liên hoan, giải trí, vinh danh những người làm báo... Ý nghĩa sâu xa, thực chất và cao quý của ngày ấy thể hiện ở chỗ gắn kết vinh quang với trách nhiệm, làm tỏa sáng hào quang vượt lên thách thức. Nghề báo vinh quang nhờ cống hiến của cả một đội ngũ những người tác nghiệp có tâm, có đức, có tài, có tầm. Người làm báo làm càng tốt trách nhiệm xã hội của mình thì vinh quang đất nước dành cho nghề và nghiệp của họ càng lớn.
5. Trong bối cảnh đất nước ta hiện nay, đâu là cơ sở cho những người làm báo chúng ta dựa vào mà kiểm tra nhận thức của mình, từ đó vượt qua thách thức, thực hiện trách nhiệm?
Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết tâm huyết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Xin lược trích mấy câu:
"Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé", vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi:
"Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi".
Chúng tôi thiết nghĩ: Những mong muốn, giá trị và mục tiêu Tổng Bí thư nêu ở trên chính là căn cứ, là chỗ dựa giúp những người làm báo xác định quan điểm, kiểm tra trách nhiệm xã hội của mình, hòa quyện vinh quang của nghề báo trong cuộc phấn đấu chung vượt qua mọi thách thức, bồi bổ ý thức trách nhiệm trước đất nước, nhân dân.
-----------------------------------
(1). Nay là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.