Ngày xuân nói chuyện ăn trầu

Một năm bắt đầu từ mùa xuân. Còn ông cha ta vẫn thường nói: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Vậy thì ngày xuân có lẽ ta nên bắt đầu với những câu chuyện thú vị từ miếng trầu, một phần không thể tách rời của nền ẩm thực và văn hóa nước nhà, mà dường như đang càng ngày càng chìm vào quên lãng.

Cơi trầu khảm ốc trên gỗ trắc trong bộ sưu tập đồ cổ của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Trần Hải
Cơi trầu khảm ốc trên gỗ trắc trong bộ sưu tập đồ cổ của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Trần Hải

Nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes ghi chép lại vào khoảng 1627 - 1630 những quan sát như sau: “Người Bắc có tục ăn trầu là thứ có lợi cho sức khỏe và có vị ngon, bao giờ họ cũng giắt theo vào thắt lưng một giỏ con hay một bao đầy trầu cau, ra đường gặp bạn bè thì mở ra, rồi sau khi đã chào nhau rất lễ phép, mọi người nhận lấy một miếng trầu têm sẵn của người kia mà ăn. Vì thế trong tỉnh kẻ nào hơi khá giả thì sai đầy tớ sắm sửa thứ quà nhỏ ấy, đem biếu lẫn nhau để tỏ tình thân mật; nhưng còn thường dân vẫn ăn trầu mà không có trầu têm sẵn ở nhà, thì đã có tới năm vạn hàng bán trầu lẻ rải rác khắp kinh thành”.(*)

Ngày nay, tục ăn trầu đã gần như biến mất khỏi lễ nghi giao tiếp của người Việt nhưng việc cưới xin ở Việt Nam thì vẫn không thể không có trầu cau. Trong lễ ăn hỏi, người bưng tráp trầu cau bao giờ cũng đứng ở trên cùng. Động từ “têm” được dành riêng cho việc chuẩn bị một miếng trầu gồm ba nguyên liệu chính: lá trầu, vỏ cau và vôi tôi, với lá trầu thường được tạo hình cho đẹp. Nhiều vùng nông thôn Bắc Bộ, trong đám tang cũng có trầu đã têm sẵn để mời khách, vì ngày thường nhiều người, cả nam lẫn nữ, vẫn hay ăn trầu. Thế nhưng ngày nay, kể cả nhiều người tuổi trung niên cũng không hề biết mùi vị của miếng trầu ra sao. Trong khi đó nhiều người khác vẫn lầm tưởng rằng chỉ Việt Nam mới có tục ăn trầu, nhuộm răng đen, là đặc trưng văn hóa của ta để phân biệt với người Trung Hoa. Trên thực tế, trầu là món ăn vặt rất phổ biến, các đồng bào dân tộc ít người từ nam chí bắc đều có tục ăn trầu, ngoài ra nó còn xuất hiện ở rất nhiều nền văn hóa châu Á, bắt đầu từ tiểu lục địa Ấn Độ cho đến tận quần đảo Solomon ở châu Úc xa xôi. Bất ngờ hơn nữa, Đài Loan mới là một trong những nơi tiêu thụ nhiều trầu nhất trên thế giới, do thói quen ăn trầu xa xưa của thổ dân trên đảo.

Khi đoàn thuyền đi vòng quanh thế giới của thuyền trưởng Magellan cập bến Philippines vào năm 1521, y sĩ trên tàu đã ghi lại được việc người dân nơi đây thường xuyên nhai một món ăn làm từ quả cau và vôi gói lại trong lá trầu. Về sau, món ăn này được biết đến ở phương Tây (và quốc tế) dưới cái tên bằng tiếng Hindi: “Paan”. Người Ấn Độ hiện đại vẫn ăn trầu thường xuyên và các hàng rong bán trầu có mặt ở mọi ngóc ngách của các thành phố. Trầu Ấn Độ có rất nhiều hương vị, thí dụ như cay truyền thống, ngọt, sô-cô-la hay loại không có thuốc lá.

Sau khi người Tây Ban Nha mang cây thuốc lá (tobacco) về từ châu Mỹ, thuốc lá vụn mới trở thành một nguyên liệu bổ sung cho miếng trầu thêm hương vị nhưng đồng thời lại khiến người ăn nghiện trầu chỉ vì thuốc lá. Ở Việt Nam chúng ta dùng thuốc lào.Trên thực tế, thuốc lào chính là một loài cây thuộc họ thuốc lá. Thuốc lào được du nhập vào Việt Nam bởi con đường nào thì đến nay vẫn chưa rõ nhưng trong câu chuyện cổ tích Trầu cau thì rõ ràng chưa có thuốc lào trong “công thức tình yêu” để têm trầu. Tác hại của thuốc lá thì đã rõ, vì vậy không nên cho thuốc lá/thuốc lào vào miếng trầu. Một số nghiên cứu cho rằng việc ăn trầu có hại cho sức khỏe, thực ra là vì thành phần thuốc lá trong đó.

Câu hỏi đặt ra là: Nếu người nước mình đã có lịch sử ăn trầu lâu đời như thế thì liệu chúng ta có những nét gì độc đáo khác biệt với các dân tộc khác trong việc ăn trầu hay không? Có đấy, từ những dụng cụ ăn trầu trở đi. Việc ăn trầu là một nghi lễ xã giao quan trọng như thế, bất kể vua quan hay tiện dân đều ăn trầu, thế thì việc sử dụng những vật phẩm phục vụ ăn trầu khác nhau để thể hiện thứ bậc trongxã hội cũng là điều dễ hiểu. Nhiều nhà sưu tầm cổ vật ngày nay coi những dụng cụ này như những món đồ quý giá mang đậm bản sắc Việt.Chúng ta sẽ cùng nhanh chóng điểm qua một số dụng cụ tiêu biểu chỉ trong khoảng thời gian “giập bã trầu” nhé.

Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”, câu nói đầy tính chất bất bình đẳng giới này còn cho ta một thông tin rằng, cái cơi đựng trầu là một vật dụng thường gắn liền với phái nữ. Cơi trầu chẳng khác nào một thứ đồ thời trang, như túi xách của phụ nữ ngày nay vậy. Tôi vẫn còn nhớ ngày nhỏ, bà nội thì dùng một cái cơi tròn nhỏ có nắp, còn cụ nội có hẳn một cái tráp gỗ hình chữ nhật để đựng trầu. Cái nào cũng sơn son, vẽ hoa văn mầu vàng. Khi cụ nội mở ra thì bên trong là bao nhiêu thứ xinh xinh, kỳ khôi với đủ hình dáng, giống như hộp đồ chơi của trẻ con vậy.Vì thế mà nhà quyền quý ngày xưa, còn dùng cơi trầu bằng kim loại hoặc thếp vàng.

Ngày xuân nói chuyện ăn trầu ảnh 1

Trầu têm cánh phượng.

Câu chuyện cổ Ai mua hành tôi có một hình ảnh ví von rất quen thuộc mà chắc nhiều người cũng nhớ: “Ai mua hành tôi, củ bằng bình vôi, dọc bằng đòn gánh”. Nhiều thanh niên ngày nay chắc sẽ không còn biết bình vôi là thứ gì. Đây cũng là một sản phẩm mỹ nghệ độc đáo của dân tộc ta. Ở nhiều nước, người ta có thể đựng vôi tôi vào bất cứ thứ gì: ống tre, ống nứa, ống kim loại... còn nước ta thời trung đại là một nước nhiều đất sét tốt, xuất khẩu gốm sứ nên vôi thường được đựng trong một loại bình được thiết kế riêng cho nghệ thuật têm trầu. Bình vôi là một chiếc bình gốm hình tròn vo hoặc bầu dục, có duy nhất một lỗ tròn trên thân và cái quai cong trên đầu. Khi người sử dụng muốn lấy vôi thì dùng một cái que, khều qua lỗ để quệt vào miếng trầu.Cái que này gọi là cái chìa vôi. Ta biết chim chìa vôi, cá chìa vôi, cỏ chìa vôi mà thường lại không biết chiếc chìa vôi trông thế nào. Đầu nhọn của chiếc chìa vôi ngoài mục đích khều vôi còn dùng xiên một lỗ trên lá trầu để khi cuộn lại có thể đút cuống qua. Khi lấy vôi thì vôi thường rớt ra mép bình, lâu ngày tạo thành “hoa vôi”.Bình vôi cổ trở thành một món đồ sưu tập giá trị, có người còn bỏ công sưu tập hàng trăm bình với đủ mọi kiểu dáng khác nhau. Bình có hoa vôi càng dài càng giá trị. Ngày trước, người ta kính cẩn gọi là “ông bình vôi” chứ không gọi đơn thuần là cái bình vôi.

Một trong những thói quen xấu khi ăn trầu là nhổ nước trầu bừa bãi. Việc nhổ nước trầu không chỉ mất vệ sinh mà còn tạo ra những vệt mầu đỏ dính lại trên sân, trên tường, nhất là các nơi công cộng. Hành vi này phụ thuộc vào ý thức mỗi người, nhưng chớ vội vàng kết luận rằng có học thức hay dân trí cao thì không nhổ trầu bừa bãi. Trong Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Quý Tỵ, Hồng Đức năm thứ tư (1473)... mùa đông, tháng 11... ra sắc chỉ rằng, kể từ nay, các quan văn vào chầu không được nhổ cốt trầu, ném bã trầu ở cửa và sân Đan Trì”. Thế là ông cha ta đã tạo ra hẳn một vật dụng chuyên dành cho việc đựng nước bã trầu là cái ống nhổ. Ống nhổ thực chất là một cái bình có thân tròn, cổ hơi cao và đặc biệt là miệng loe rất rộng. Cái ống nhổ sinh ra chỉ để nhận những thứ không được sạch sẽ cho lắm, vậy mà vẫn được làm rất cầu kỳ. Nếu những người giàu có bên phương Tây thời ấy, phải bỏ hàng trăm đồng bạc để mua được một cái đĩa gốm sứ phương Đông nhập khẩu, mà biết rằng người Việt Nam dùng gốm sứ, vàng ngọc để làm ống nhổ chắc hẳn họ sẽ kinh ngạc lắm.

Đối với riêng tôi, việc ăn trầu lại được lưu giữ bởi một hình ảnh cụ thể và giản dị vô cùng. Bà nội lưng cong, đầu chít khăn mỏ quạ, đi đôi guốc lộc cộc trên sân gạch trong buổi chiều đầu đông nắng xiên khoai rồi khẽ khàng lật từng miếng cau đang phơi trên cái mẹt tre và nhìn tôi nở nụ cười với hàm răng đen lấp lánh. Những ký ức ấy vẫn luôn ở sâu thẳm trong tiềm thức của tôi, và có lẽ là nhiều người khác nữa, như một phần tâm hồn Việt của mỗi chúng ta.

-----------------------

(*) Nguyễn Trọng Phấn, Xã hội Việt Nam từ thế kỷ VII, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, trang 16.