Tháng 7 năm 1969, từ biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, vượt kênh Vĩnh Tế chúng tôi vào địa phận tỉnh Long An. Lúc này Nam Bộ đang vào mùa mưa. Dọc đường hành quân, dù cố gắng đến mấy, chúng tôi cũng không thể xóa hết dấu vết để lại trên những cánh đồng sình lầy đầy cỏ dại, nên đã bị địch phát hiện. Hầu như ngày nào các đơn vị trong tiểu đoàn cũng phải đương đầu với bom đạn, trực thăng và xe bọc thép đánh phá vào vị trí trú quân. Ngày nào tiểu đoàn cũng có thương vong.
Về đến Ba Hòn, tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 9 đóng quân trong một hang đá rộng ở lưng chừng Hòn Đất, ngay trên suối Lươn - con suối nhỏ chảy ngầm trong đá và lộ thiên ở chân núi trước khi chảy xuống đồng. Các đại đội 9, 11, 13 và 14 cũng đều ở các vị trí trong thế phòng ngự trên Hòn Đất. Đơn vị về Ba Hòn chưa kịp bổ sung đầy đủ về lương thực, đạn dược thì phải chống càn.
Vào một ngày đầu tháng 8, ngay từ sáng sớm, pháo từ các chi khu bắn cấp tập vào vùng Ba Hòn. Tiếp đó, hết máy bay phản lực ném bom đến trực thăng vũ trang bắn như vãi đạn vào khu vực Hòn Đất. Không gian như vỡ vụn ra bởi tiếng gầm rú của máy bay và tiếng bom đạn nổ. Khoảng 9 giờ, từng tốp 10 chiếc trực thăng thay nhau đổ quân ngoài đồng trống, cách chúng tôi chừng một cây số. Yểm trợ cho lực lượng bộ binh vừa đổ bộ xuống là 7 chiếc xe bọc thép M113 dàn hàng án ngữ phía trước. Cuộc càn quét với quy mô lớn của địch vào Ba Hòn bắt đầu như thế. Do phán đoán được âm mưu của địch nên tiểu đoàn đã chủ động triển khai phương án chống càn.
Được sự yểm trợ của máy bay và pháo binh, các mũi tiến công của bộ binh địch đã đánh thẳng vào khu vườn dưới chân Hòn Đất. Súng bộ binh nổ liên hồi. Sau 30 phút nổ súng, bọn địch đã bị các phân đội của tiểu đoàn đánh bật ra ngoài đồng. Cối 60, 82 ly của đại đội 14 lên tiếng. Nhiều quả đạn cối đã bắn trúng đội hình của địch. Lúc này, những chiếc xe bọc thép M113 mới gầm gừ tiến lên bắn như vãi đạn về phía các khẩu đội pháo của ta. Chiều buông xuống, địch bắt đầu co cụm lại ngoài đồng trống. Thi thoảng một tốp trực thăng sà xuống tiếp tế và đưa xác lính và thương binh của chúng về phía sau.
Liên tiếp những ngày sau đó, chiến sự diễn ra vẫn rất ác liệt. Bộ binh địch đã chiếm được một số hang trên Hòn Đất. Lực lượng địch ở chân núi kết hợp với hai đại đội bộ binh mới được trực thăng đổ quân trên đỉnh núi chiều hôm trước hình thành thế bao vây tiểu đoàn chúng tôi. Có những vị trí, ta và địch chỉ cách nhau một gộp đá lớn. Có chỗ, chúng tôi nghe rõ cả tiếng bọn lính nói chuyện hoặc chửi thề. Lâu lâu tiếng súng bộ binh lại ré lên, kèm theo là lựu đạn nổ ầm ầm trong hang đá. Dù vậy, bọn địch vẫn không biết được thế bố trí lực lượng của ta như thế nào. Trinh sát tiểu đoàn luôn theo sát các hoạt động của địch. Đêm đến, các đại đội của tiểu đoàn tổ chức tập kích tiêu hao, tiêu diệt những tốp địch co cụm ở những gộp đá.
Trong chiến đấu, bom đạn ác liệt, có hy sinh mất mát là chuyện đương nhiên. Nhưng khó khăn lớn nhất của tiểu đoàn 9 chúng tôi ở Hòn Đất lúc này là gần hết lương thực. Gần hai mươi ngày tiểu đoàn chúng tôi bị địch bao vây, lực lượng hậu cần không thể đưa gạo vào Hòn Đất, nên bộ đội ở các đại đội phải ăn cháo. Theo một số người dân bám trụ lâu năm ở đây cho biết, hàng năm địch chỉ càn vào vùng Ba Hòn khoảng một tuần hoặc nhiều lắm là 10 ngày; lần này không hiểu vì sao, đã gần hai mươi ngày mà chúng vẫn chưa rút? Sau này chúng tôi được biết, một người dân bám trụ bị chúng bắt được, tra khảo đã khai: “Bộ đội giải phóng hết gạo rồi!”. Vì thế, mặc dù đã bị thiệt hại khá nặng nề, nhưng địch vẫn tăng cường lực lượng, bao vây Hòn Đất, quyết tiêu diệt hoặc bắt sống chúng tôi.
Vì thế, ban ngày chiến đấu, ban đêm bộ đội tổ chức xuống triền núi lấy rau muống, thân cây chuối, rau tàu bay, đọt dừa bị pháo tiện gãy, dọc khoai môn, bông súng, cỏ chai... nghĩa là lấy tất cả những gì có thể ăn được, đem về.
Một buổi tối, Ban chỉ huy tiểu đoàn triệu tập cán bộ các đại đội đến hang tiểu đoàn họp. Sau khi nghe chỉ huy các đại đội báo cáo tình hình, anh Chín Cà - Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng tiểu đoàn phổ biến kế hoạch tác chiến những ngày tới trong đó có việc tổ chức đột kích vào ấp Nam Thái Sơn cách Hòn Đất chừng 7 km để lấy gạo. Tiếp đó, anh Ba Đức -
Chính trị viên tiểu đoàn thông báo một tin quan trọng. Bằng một giọng trầm buồn (rất khác với khí chất thường ngày của anh), anh nói: “Bộ Chính trị vừa ra thông báo đặc biệt về tình hình sức khỏe của Bác”. Không gian trong hang đá im ắng quá. Nhiều cán bộ muốn biết cụ thể hơn nhưng anh Ba Đức nói là chỉ biết như vậy qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Ai cũng lo cho sức khỏe của Bác. Anh Ba Đức nói tiếp: “Thông báo với các đồng chí để chúng ta xác định tư tưởng, dự kiến tình huống xấu nhất có thể xảy ra với Bác, từ đó có kế hoạch lãnh đạo tư tưởng của bộ đội”.
Bằng mọi thủ đoạn, nhưng địch không thể đánh bật chúng tôi ra khỏi Hòn Đất; ngược lại còn bị tổn thất rất nặng nề. Do vậy, thay vì dùng bom phá, rốc-két để bắn phá, hoặc từng toán địch bò lên, ném lựu đạn..., địch đã dùng bom xăng bột đánh vào các hang đá. Những bịch xăng lớn được trực thăng (hai cánh quạt) cẩu đến thả xuống. Bọc xăng bột tiếp đất, vỡ ra, bột xăng khuếch tán vào trong các khe kẽ của hang, động; lát sau, trực thăng vũ trang từ xa phóng tên lửa vào, xăng bắt lửa tạo ra sức ép cực kỳ lớn, mức sát thương cao. Ngày đầu chúng sử dụng loại này, tiểu đoàn chúng tôi bị thương và hy sinh nhiều. Có những hang cả tiểu đội hy sinh, vũ khí và quân trang cháy hết. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy tiểu đoàn tổ chức cho các phân đội bắn máy bay chở bom xăng. Vì thế, buộc chúng phải bay lên cao và thả không còn chính xác nữa.
Cuộc càn của địch vào Hòn Đất đã sang đến ngày thứ 31, tức ngày 3-9. Hôm đó, khoảng 0 giờ 20 phút, tiểu đoàn triệu tập cuộc họp gấp. 1 giờ sáng, tất cả cán bộ của các đại đội đã có mặt đông đủ ở hang của tiểu đoàn. Trên vách hang, một tấm phông xanh thủng lỗ chỗ vết đạn đã được giăng lên, ở giữa là tấm ảnh Bác Hồ bằng lụa được gắn ngay ngắn cạnh lá cờ Đảng. Thời kỳ đó, mỗi tiểu đoàn được trang bị một lá cờ Đảng, một ảnh chân dung Bác được dệt bằng vải lụa rất đẹp. Sau nhiều lần hắng giọng, anh Ba Đức nghẹn ngào thông báo: “Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã mất. Đây là tổn thất vô cùng lớn lao với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta...”. Anh Ba Đức khóc nấc lên. Anh Ba Công -
Tiểu đoàn phó, anh Năm Điệp - Chính trị viên phó tiểu đoàn, tôi và anh Năm Long - hai trợ lý chính trị tiểu đoàn và tất cả mọi người đều bật khóc. Rồi không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều đứng dậy, hướng về tấm ảnh Bác trên vách đá. Anh Ba Đức lại nói, giọng lạc hẳn đi: “Bác tha lỗi cho chúng cháu... Giữa chiến trường, nằm trong vòng vây của địch, chúng cháu không có một nén nhang để thắp cho Bác... Chúng cháu chỉ có tấm lòng... Xin Bác yên lòng, dù gian khổ hy sinh đến mấy, chúng cháu sẽ thực hiện bằng được hoài bão của Bác...”. Ngoài trời mưa nặng hạt, nước chảy róc rách qua cửa hang. Anh Ba Đức quay lại phía chúng tôi: “Các đồng chí, trong lúc khó khăn này, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải hết sức vững vàng, kiên định... Các đồng chí phải là chỗ dựa tinh thần cho bộ đội. Các đồng chí hãy động viên bộ đội biến đau thương thành hành động, quyết tâm chiến đấu để giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, thực hiện thắng lợi hoài bão của Bác!”.
Sáng ngày 4-9, từ sáng sớm, chiếc máy bay trinh sát L19 (đầm già) đã quần thảo trên khu vực Ba Hòn. Từ trên máy bay giọng một người đàn ông ảo não phát ra: “Hỡi các chiến binh Việt cộng, Bác Hồ của các bạn đã mất, nước sông Hồng đang lên to, ngập lụt khắp nơi. Các bạn đang bị bao vây không còn đường nào thoát. Hãy nhanh chóng hạ vũ khí về với chính nghĩa quốc gia...”. Trong chốc lát, hàng loạt đạn 12 ly 7 của đại đội 14 cùng súng bộ binh của các đại đội trong tiểu đoàn bắn lên, chiếc L19 chao đảo rồi vọt lên cao, chuồn thẳng.
Chiến sự những ngày sau đó diễn ra trong thế giằng co. Ta và địch giành nhau từng cửa hang, gộp đá. Các đơn vị đã gài mìn tại các lối lên núi. Đại đội 14 pháo binh đã cơ động, dùng cối pháo kích vào những chiếc xe bọc thép dưới đồng. Các phân đội thường xuyên tập kích những toán lính co cụm trên khu vực Ba Hòn, khiến địch luôn hoang mang lo sợ.
Gần hai tháng đánh vào khu vực Ba Hòn, hơn một tiểu đoàn lính bảo an của địch đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, nhiều vũ khí bị phá hủy. Hơn nữa, các căn cứ, chi khu của chúng ở vùng lân cận liên tục bị các đơn vị bạn bao vây, pháo kích, nên địch buộc phải rút khỏi khu vực Ba Hòn.
Khẩn trương ổn định tổ chức, củng cố lực lượng, mấy ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục vượt qua sông rạch, bưng biền về Vĩnh Long, Cà Mau, Cần Thơ... Những năm sau đó, nằm trong đội hình của Trung đoàn 2, cùng với các đơn vị bạn như Trung đoàn 1 -
U Minh, Trung đoàn 10, 20, quân và dân Tây Nam Bộ đã san phẳng hàng trăm đồn bốt, chi khu, căn cứ của địch ở Vị Thanh, kênh Xáng Xẻo Rô, Vĩnh Thuận, trên sông Cái Tàu, Ông Đốc... Và tiến vào giải phóng thành phố Cần Thơ mùa xuân năm 1975.
Ngày Bác mất, chúng tôi chiến đấu trong vòng vây của địch
Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Sóc là ba quả núi đá thấp thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang có đỉnh cao nhất chỉ hơn 200 m so với mực nước biển. Đây là địa danh không thể nào quên đối với cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 9 chúng tôi trên đường hành quân về Tây Nam Bộ năm 1969.
![]() |