Ngăn chặn sở hữu chéo, lũng đoạn ngân hàng

Để ngăn chặn sở hữu chéo, lũng đoạn ngân hàng, ngoài điều kiện cần là "siết lại" tỷ lệ sở hữu vốn, vẫn cần có sự giám sát chặt chẽ vấn đề quản trị ngay từ nội bộ ngân hàng và từ cơ quan quản lý nhà nước. Bởi trên thực tế, ngân hàng không chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ mà còn liên quan đến ngân quỹ, đến sự an toàn, an ninh tiền tệ quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Ngoài "siết lại" tỷ lệ sở hữu vốn, cần có sự giám sát chặt chẽ vấn đề quản trị ngay từ nội bộ ngân hàng và từ cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: Hải Nam
Ngoài "siết lại" tỷ lệ sở hữu vốn, cần có sự giám sát chặt chẽ vấn đề quản trị ngay từ nội bộ ngân hàng và từ cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: Hải Nam

Luật hóa tỷ lệ sở hữu vốn

Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành được ban hành cách đây 10 năm, thời điểm đó, quy mô của các ngân hàng tại Việt Nam chưa lớn, trung bình chỉ vài nghìn tỷ đồng cho mỗi ngân hàng, tổ chức tín dụng. Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (Điều 55) quy định Tỷ lệ sở hữu cổ phần như sau: Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ các trường hợp: Sở hữu cổ phần theo quy định tại khoản 3 Điều 149 của Luật này để xử lý tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng; Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa; Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Những quy định này là hợp lý để góp phần ngăn chặn sở hữu chéo, sở hữu có tính chất chi phối, thao túng trong các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, sự phát triển của nền kinh tế, quy mô của các ngân hàng đã lớn dần lên. TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng cho rằng, hiện đã có nhiều ngân hàng quy mô vốn lên tới vài chục nghìn tỷ thì dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đưa ra nội dung giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với cá nhân, hay nhóm cổ đông tương ứng từ 5% về 3%, từ 15% về 10% là hợp lý.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Đinh Trọng Thịnh cũng thẳng thắn nhận xét, đây là việc cần thiết và đáng ra phải làm từ lâu rồi để bảo đảm tính công khai, minh bạch và dễ kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng thao túng các quyết định của các ngân hàng - một cơ chế rất quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngân hàng. Việc giảm tỷ lệ sở hữu vốn như đã nêu trên có thể giải quyết được sở hữu chéo, thao túng ngân hàng như việc đã xảy ra ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) vừa qua?

Thực tế, sau khi bà Trương Mỹ Lan bị cơ quan điều tra cáo buộc lũng đoạn Ngân hàng SCB, vấn đề ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng trở nên cấp thiết. Thậm chí, vấn đề này đã làm "nóng" diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua. Bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với các quy định mới có trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tại phiên thảo luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho đây là một vấn đề rất nghiêm trọng mà trong thời gian qua, một số ngân hàng đã vướng phải. Việc Chính phủ cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chỉnh lý những quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu vốn nhằm hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, trong đó có điều chỉnh quy định về "người có liên quan" là phù hợp.

Tăng kiểm tra, giám sát hoạt động quản trị ngân hàng

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, theo nghị quyết của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội là cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo, những gì đã xảy ra qua vụ việc của SCB cũng như thực trạng đánh giá một số ngân hàng hiện nay càng cho thấy phải thực hiện sớm việc này. Thực tế cho thấy, cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang nằm ở vấn đề quản trị. Do đó, luật phải xây dựng được khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định cho hoạt động của ngân hàng.

Đơn cử, Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking (SMBC) - một trong những ngân hàng uy tín, lâu đời nhất tại Nhật Bản vào ngày 13/1/2023 đã ra thông báo việc chính thức bán xong 132,8 triệu cổ phiếu của Eximbank, tỷ lệ sở hữu của SMBC tại Eximbank giảm từ 15,07% xuống còn 4,27%. Sau khi rút vốn khỏi Eximbank, SMBC đầu tư vào VPBank khi ngân hàng này nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài từ 15% lên 17%, và SMBC cũng đã hoàn tất mua 49% cổ phiếu của FE Credit. Nếu tới đây Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua, VPBank sẽ rơi vào tình trạng "khó xử" khi phải điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu vốn của các cổ đông theo quy định.

Theo TS Đinh Thế Hiển, việc quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần như vậy chỉ là một điều kiện cần để ngăn chặn sở hữu chéo, hoặc thao túng ngân hàng mà thôi. Khi chúng ta đã có quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân không vượt quá 5%, nhưng thực tế vẫn xảy ra những vụ việc như tại SCB, vậy khi giảm tỷ lệ về 3% nếu các cá nhân cố tình làm việc xấu thì việc xấu vẫn xảy ra? Cho nên, muốn tránh việc thâu tóm ngân hàng, ngăn chặn sở hữu chéo, ngoài điều kiện cần là "siết lại" tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, còn cần có sự giám sát chặt chẽ từ nội bộ ngân hàng và từ cơ quan quản lý nhà nước.

Điều này có thể thấy rõ từ vụ SCB. Theo kết luận của cơ quan điều tra, bà Trương Mỹ Lan chỉ nắm giữ 4,98% vốn điều lệ ngân hàng trên sổ sách. Nhưng bằng cách nhờ 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ, bà Lan đã nắm quyền chi phối lên tới 91% cổ phần của ngân hàng.

TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, tỷ lệ sở hữu chỉ mang tính hình thức để công khai. Vấn đề mà chúng ta cần quan tâm hơn đó là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản trị ngân hàng cũng như kiểm tra thực tế phần vốn góp của các bên liên quan cũng như của những nhóm lợi ích. Từ đó, chúng ta mới có thể tránh tình trạng khống chế, thao túng nhằm đưa ra các quyết định mang tính chủ quan của một nhóm lợi ích vì mục tiêu của riêng họ. Đây là giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước nên tăng cường trong thời gian tới và cả trong việc luật hóa cụ thể trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi nhằm làm giảm, tiến tới ngăn chặn tình trạng thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng.

Do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp, Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một trong hai dự án luật mà Quốc hội quyết định xem xét thông qua tại kỳ họp gần nhất. Được biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình xin cấp có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024 để xem xét, thông qua hai dự án luật này.