Có nhiều yếu tố khiến cho ẩm thực Việt Nam không những được đánh giá cao mà còn trở nên thân thuộc với nhiều người Australia cho dù họ chưa một lần được đặt chân tới Việt Nam.
Người Australia yêu thích thể dục thể thao, hoạt động ngoài trời nên họ rất chú trọng đến hàm lượng dinh dưỡng và chất lượng của các bữa ăn hằng ngày. Gần 90% dân số Australia sống tại đô thị (cao hơn đa số các quốc gia phương Tây) nên thị hiếu về ẩm thực cũng rất đa dạng, tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu cao và tương đối khó tính. Xu hướng ăn uống người Australia hiện đại là bữa ăn luôn phải có rau xanh, ít dầu mỡ, ít bột mì, ít sản phẩm bơ sữa mà vẫn bảo đảm có thịt, có tinh bột và hương vị hấp dẫn. Đồ ăn của người Hoa, vốn là cộng đồng sống lâu đời ở Australia, quán ăn ở khắp nơi, có nhược điểm là quá nhiều dầu mỡ, ít rau xanh mà lại dùng nhiều bột mì. Đồ ăn của người Italia, cực kỳ phổ biến ở Mỹ và các nước phương Tây với pizza và các loại mì thường chìm trong phô mai và tinh bột mì, các loại thịt chế biến sẵn (xúc xích, thịt hun khói, giăm-bông) cung cấp một lượng lớn năng lượng, dễ gây tăng cân, nhất là khi ăn tối và với người làm việc văn phòng ít được vận động. Vì vậy ẩm thực Việt Nam nổi lên với rất nhiều ưu điểm: rất nhiều rau, đặc biệt là rau sống, món nào cũng có rau gia vị ăn kèm, ít chiên rán, đa phần là tinh bột gạo và gần như không có bơ sữa.
Nếu bạn đến những thành phố lớn của Australia vào giờ các công sở nghỉ ăn trưa, không khó để có thể thấy những quán ăn, hiệu bánh mì của người Việt khách đông tấp nập, người xếp hàng dài và nhân viên làm việc không ngơi tay. Thế hệ người gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Australia, nói tiếng Anh trôi chảy nhưng vẫn mang trong mình thói quen ăn uống đặc trưng của người Việt (thường nói vui là nước mắm chảy trong huyết quản!) với kiến thức kinh doanh bài bản đã tạo nên những chuỗi nhà hàng, quán ăn đậm chất Việt mà vẫn đáp ứng được khẩu vị của người Australia. Bánh mì kẹp là một thí dụ điển hình. Cái bánh mì là món ăn được người Pháp đem vào Việt Nam nhưng đã được chúng ta cải tiến, với nguyên liệu gồm cả bột gạo trộn với bột mì, tạo nên chiếc bánh rất hợp với khẩu vị người phương Tây nhưng lại mềm xốp bên trong và giòn rụm bên ngoài. Phần nhân kẹp thịt, rau dưa là sáng tạo của người Việt nhưng vẫn có một nguyên liệu rất “Tây” là pa tê (làm kiểu Việt Nam). Sự kết hợp hài hòa Đông Tây, cân bằng dinh dưỡng, hương vị, nằm gọn trong một cái bánh nóng, giá chưa tới mười đô-la (giá trung bình bữa trưa tại Australia) khiến cho bánh mì trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người. Các hàng quán lại tài tình nghĩ ra nhiều loại thịt khác nhau để tăng sự lựa chọn cho khách hàng: thịt quay, thịt quay giòn da, thịt nướng, bò xào, gà nướng... khiến cho nhiều khách hàng ăn bánh mì năm ngày một tuần vẫn không chán.
Bún bò Huế.
Nước Australia đề cao sự đa dạng văn hóa trong xã hội, Nhà nước bảo vệ những nét đẹp văn hóa của mỗi một cộng đồng nhập cư ở Australia, vì vậy người dân cũng hình thành thói quen tôn trọng từng món ăn bằng cách gọi đúng theo tên gốc của nó. Bánh mì Việt Nam đã theo chân người Việt có mặt ở nhiều quốc gia nhưng thường chỉ được biết đến bằng những cái tên mơ hồ như “bread roll” (bánh mì trong tiếng Anh) hay “baguette” (bánh mì trong tiếng Pháp), ở Australia chỉ cần nói “banh mi” là người ta hiểu bạn đang nói đến bánh mì kẹp của người Việt.
Nói đến việc gọi tên gốc của món ăn Việt, thì không thể nào bỏ qua một món ăn đã trở thành thương hiệu của ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế: món “pho” (phở). Phở ở Australia thường bán trong các nhà hàng Việt nhưng cũng có khi bán trong những quán chỉ chuyên phở. Người ta ăn phở sáng trưa chiều tối và có khi mang cả phở ngồi ăn trên xe buýt vì có nhà hàng nghĩ ra cách cho phở vào cốc nhựa để tiện mang đi như cà-phê. Một đất nước với người dân đến từ khắp nơi trên thế giới như Australia thì đòi hỏi của các thực khách lại càng phức tạp. Người Ấn Độ theo đạo Hindu không ăn thịt bò vậy xin mời dùng phở gà, người Hồi giáo ăn thịt bò nhưng thịt phải có chứng nhận Halal phù hợp cho người theo đạo, người ăn chay trường thì phải có phở chay bằng đậu phụ và nước dùng rau củ... Người Việt ta vẫn nổi tiếng với sự tùy cơ ứng biến và linh hoạt nên các hàng phở Việt vẫn đông đủ người ngồi ăn đủ mầu da, đủ tiếng nói mà ai cũng hồ hởi, xuýt xoa, xì xụp, trên trán lấm tấm mồ hôi vì phở nóng và tương ớt cay!
Có một điều thú vị là sức ăn của người Australia rất khỏe, một tô (bát) phở như loại thường bán ở Việt Nam ăn không đủ no, nên các nhà hàng thường có ba cỡ: tô nhỏ, tô nhỡ và tô lớn. Nhiều người rất thích ăn phở mà tô lớn ăn cũng chưa đủ thì nhà hàng có thêm tô xe lửa to bằng... cái chậu con, tô tàu bay và rồi người ta nghĩ ra cả tô hàng không mẫu hạm (tàu sân bay) có cả cân bánh phở và cả cân thịt! Thịt bò Australia nổi tiếng mềm ngọt lại càng được “tôn vinh” trong mỗi bát phở, nhất là phở tái. Phở còn có một “họ hàng» cũng nổi tiếng không kém là “bun bo Hue” (bún bò Huế). Món này rất được những người gốc châu Á ưa chuộng vì nó có cái nồng cay của sả ớt và cái đậm đà của mắm ruốc. Mỗi bát phở hay bún bò Huế dọn ra thường có kèm một đĩa rau húng quế và giá đỗ khiến cho món ăn rất bắt mắt và xanh mát.
Ấy là mới nói đến những món bán tại quán ăn, còn trong bữa cơm thường nhật của người Australia thì sao? Các loại thực phẩm và trái cây xuất xứ ở Việt Nam cũng góp mặt trên bàn ăn của nhiều gia đình. Các sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu của chúng ta như tôm, cá basa, hạt điều, hồ tiêu hay trái cây tươi như vải thiều, thanh long đang trực tiếp là những nguyên liệu cho các bà nội trợ Australia lựa chọn. Hay như rau dăm, một loại rau ăn kèm quen thuộc với chúng ta được gọi bằng cái tên rất đặc biệt “Vietnamese mint” (tức là lá bạc hà Việt Nam). Trong các siêu thị, ngoài việc có thể mua được nước mắm, ta còn thấy những gói nước mắm chua ngọt pha tỏi ớt đặc trưng của người Việt bán với cái tên “nuoc cham” (nước chấm) rất thân thuộc mà tự hào. Các hộp thức ăn tiện lợi (loại có sẵn các nguyên liệu trong hộp để nấu) ngoài cà ri, mì ống thì nay có thịt nướng kiểu Việt Nam, cá ướp sả ớt kiểu Việt.
Trong các tựa sách dạy nấu ăn bán chạy không thiếu những công thức mang hương vị Việt. Người dẫn Thủ tướng Australia đi ăn bánh mì ở Đà Nẵng, không ai khác ngoài đầu bếp Luke Nguyễn, một đầu bếp gốc Việt rất nổi tiếng ở Australia với những chương trình du lịch ẩm thực, dạy nấu ăn trên truyền hình mặc dù anh chỉ chuyên nấu món Việt. Nền ẩm thực hiện đại tại Australia là sự kết hợp của nhiều trường phái ẩm thực và trong đó nét Việt cũng là một yếu tố không thể tách rời. Nhiều nhà hàng cao cấp phục vụ những món ăn với hương vị rất Việt nhưng trong bếp chỉ toàn đầu bếp da trắng sinh ra và lớn lên tại Australia.
Không có gì lạ khi rất nhiều người Australia đến Việt Nam du lịch với một lý do đơn giản mà thành thực: đồ ăn Việt tại Australia quá ngon nhưng ai cũng khuyên rằng nếu thưởng thức tại Việt Nam thì còn tuyệt vời hơn! Nếu chúng ta ngày càng cải thiện môi trường du lịch, cơ sở hạ tầng và nhân lực du lịch hướng tới chuẩn quốc tế thì hình ảnh Việt Nam tươi đẹp sẽ được biết đến nhiều hơn, chiếm được cảm tình của những người bạn ở phía nam quả địa cầu và không chỉ dừng lại ở bát phở nóng thơm ngon mà người Australia ăn mỗi tối!