Bình luận

NATO vươn sang châu Á

Một trong những nguyên do chính yếu ẩn giấu đằng sau quyết định của Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt (theo cách gọi của phía Nga) ở Ukraine nằm ở chỗ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tục mở rộng không gian ảnh hưởng đến gần sát biên giới với Nga bằng cách kết nạp các quốc gia láng giềng của Nga vào tổ chức này.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania 12/7/2023.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania 12/7/2023.

Bắt đầu từ Văn phòng liên lạc Tokyo

Nhiều thành viên mới của NATO là những đồng minh thân cận của Liên Xô trước đây, thậm chí có những quốc gia từng nằm trong Liên bang Xô viết như các quốc gia ven biển Baltic. Nhưng đến khi Gruzia và Ukraine bày tỏ ý định gia nhập NATO (và được tổ chức này bật đèn xanh) thì Moscow đã không lưỡng lự gì mà thực hiện nhiều biện pháp cực đoan, kể cả xung đột vũ trang, để ngăn chặn các ý định này.

Giờ đây, dường như người ta đang chứng kiến sự bắt đầu một chu trình mới: NATO “vươn vòi” sang châu Á.

Nhật Bản và NATO mới đây đã công bố quyết định về việc NATO sẽ mở một văn phòng liên lạc ở Tokyo, dự kiến khai trương trong năm 2024. Đây là văn phòng đầu tiên kiểu này của NATO ở châu Á, cho phép tổ chức này tiến hành tham vấn định kỳ với các đối tác quan trọng ở khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.

Người phát ngôn của NATO, bà Oana Lungescu, từ chối cung cấp chi tiết về việc thành lập văn phòng NATO ở Tokyo và nói rằng mọi việc “đang được cân nhắc”. Nhưng bà bổ sung thêm, rằng thỏa thuận thiết lập văn phòng này là để “bảo đảm rằng nó phục vụ tốt nhất nhu cầu của cả NATO và các đối tác của chúng tôi”.

Theo những nguồn tin khác, các cuộc thảo luận ban đầu thông qua Văn phòng liên lạc của NATO sẽ đề cập đến các vấn đề như an ninh mạng, tin cố tình gây nhầm lẫn, chống khủng bố, an ninh biên giới, các công nghệ mới nổi mang tính đột phá...

Việc thành lập Văn phòng liên lạc đầu tiên ở Tokyo không phải là hành động tùy hứng của NATO với các đối tác châu Á. Tháng 12-2019, các nhà lãnh đạo NATO yêu cầu Tổng Thư ký Jens Stoltelberg trình bày các kế hoạch để NATO có thể thích ứng được với các mục tiêu cũng như thách thức trong tương lai. Điều này dẫn đến việc NATO công bố Chương trình nghị sự 2030, theo đó liên minh này duy trì chính sách mở cửa và kết nạp các thành viên mới, đồng thời áp dụng cách tiếp cận toàn cầu hơn, tạo ra “các cam kết mới” ở châu Phi, Mỹ Latin và... châu Á!

Phương hướng này nhanh chóng được triển khai trên thực tế. Hội nghị thượng đỉnh NATO họp cuối tháng 6-2022 tại Madrid, Tây Ban Nha không chỉ có lãnh đạo của 30 nước thành viên NATO (Phần Lan khi đó chưa được kết nạp) mà còn có đại diện của các quốc gia châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.

Không có gì ngạc nhiên khi Australia và New Zealand là những đối tác thân thiết của NATO bởi vì hai nước này cũng là thành viên trong liên minh thu thập thông tin tình báo toàn cầu Ngũ Nhãn (Five Eyes) cùng với Mỹ, Anh, Canada. Vấn đề là sự xích lại gần NATO của Hàn Quốc (ngoài Nhật Bản vốn là đồng minh cật ruột của Mỹ) rất đáng chú ý.

Đầu năm 2022, Cơ quan tình báo Quốc gia của Hàn Quốc đã tham gia Trung tâm hợp tác phòng thủ không gian mạng ưu việt của NATO (CCDCOE) với tư cách là “bên đóng góp”. Đây là cơ quan tình báo của quốc gia châu Á đầu tiên tham gia một cơ chế như vậy.

Tại Hội nghị thượng đỉnh của khối này ở Madrid hồi cuối tháng 6-2022, NATO đã công bố tài liệu Khái niệm chiến lược được cập nhật. Mặc dù vẫn coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể đối với an ninh của các đồng minh” nhưng trong tài liệu này, lần đầu tiên Trung Quốc đã bị NATO xác định là “thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương.

Tất nhiên Trung Quốc bày tỏ thái độ không lấy gì làm dễ chịu về việc NATO đang đi những bước đầu tiên trong quá trình mở rộng sang châu Á. “Lập trường của hầu hết các nước trong khu vực này rất rõ ràng: Họ phản đối việc thiết lập các khối quân sự khác nhau trong khu vực, không hoan nghênh việc NATO mở rộng sang châu Á, họ không chấp nhận việc chuyển sự đối đầu mang tính bè khối sang châu Á”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói.

Bình luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau tuyên bố của các quan chức Indonesia, Singapore và một số quốc gia khác tại Đối thoại Shangri La 2023 tổ chức ở Singapore, rằng họ không muốn chứng kiến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ. “Một số quốc gia nói rằng, họ tự do và cởi mở trong việc duy trì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực, nhưng trên thực tế đang liên tục chia nhỏ các khối quân sự khác nhau và cố gắng đưa NATO vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Uông Văn Bân cho biết.

Nhân tố Ấn Độ

Cũng như bất cứ một quá trình biến đổi địa chính trị nào khác, việc NATO “vươn vòi” sang khu vực châu Á vừa vấp phải sự phản đối (như của Trung Quốc), vừa nhận được sự ủng hộ của một vài quốc gia do lo ngại về các vấn đề an ninh.

Hàn Quốc là một trong những nước ngày càng gắn kết với NATO bởi được thuyết phục là có những mối đe dọa bên ngoài lớn hơn nhiều so với những gì mà Nhật Bản và Hàn Quốc có thể gây ra cho nhau trong thời kỳ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa hai nước thời gian qua.

Tháng 4-2023, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, hai bên đã đưa ra Tuyên bố Washington, công bố một loạt biện pháp nhằm nâng cao độ tin cậy của khả năng răn đe mở rộng, bao gồm thiết lập một “Nhóm tư vấn hạt nhân”, quy hoạch nhiệm vụ hỗ trợ vũ khí thông thường của Hàn Quốc, tiến hành các cuộc tập trận chung, tăng cường nguồn lực chiến lược của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên...

Nhưng không phải tất cả mọi thành viên trong nội bộ NATO đều mặn mà với ý định mở rộng NATO sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hướng về châu Á. Pháp là một quốc gia như vậy. Cách tiếp cận của Paris đối với vấn đề này hầu như khác biệt hoàn toàn với đồng minh NATO ở bên kia Đại Tây Dương. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin rằng, bất cứ sự gia tăng hiện diện nào của NATO ở cửa ngõ Trung Quốc sẽ chỉ càng làm thắt chặt hơn mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Moscow, điều mà Mỹ và NATO hết sức lo ngại trong bối cảnh cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Một quan chức cấp cao trong cơ quan ngoại giao Pháp tuyên bố: “Một số quốc gia đang thúc đẩy chương trình nghị sự tham vọng hơn cho NATO ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Pháp vẫn nhất quán với quan điểm của mình về nhiệm vụ của NATO và bản chất châu Âu-Đại Tây Dương của tổ chức. Chúng tôi không thấy bất kỳ vai trò nào của NATO với tư cách là nhà cung cấp an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Cuối cùng, nhân tố chủ chốt mang tính quyết định đến quá trình mở rộng của NATO sang khu vực châu Á là Ấn Độ. Là một thành viên trong nhóm Bộ Tứ cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia, New Delhi có mối quan hệ ngày càng gần gũi với Mỹ. Nhưng Ấn Độ cũng tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được thành lập năm 2001 theo sáng kiến của Nga, các nước cộng hòa cũ ở Trung Á và Trung Quốc. Và mặc dù giữa Ấn Độ và Trung Quốc còn tồn tại những khúc mắc trong vấn đề biên giới, thế nhưng hai nước vẫn thường xuyên tiếp xúc cấp cao tại các phiên họp cấp cao hằng năm trong nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.

Chính sự đa liên kết này giúp cho New Delhi có thể hiện diện trên nhiều mặt trận. Để có thể mở rộng được sang khu vực châu Á, điều quan trọng là NATO phải nhận được sự ủng hộ từ Ấn Độ, cường quốc quân sự và vũ khí hạt nhân thứ hai ở châu Á. Đó là một công việc không hề dễ dàng đối với Brusells.

NATO vươn sang châu Á ảnh 1

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hội đàm trong Hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh trong bài | Reuters