MTƯD vẫn thiếu tính định hướng
Thưa ông, có thể nói, một triển lãm như TLMTƯDTQ, chính là nơi thể hiện được thành tựu của ngành thiết kế ở Việt Nam trên chặng đường 5 năm. Từ góc nhìn của ông, thành tựu ấy được thể hiện ở triển lãm lần này như thế nào?
Có bốn lĩnh vực thể hiện rõ thành công ở triển lãm này và phần nào cho thấy thực tế phát triển của chúng. Thứ nhất là thiết kế đồ thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là hàng mây tre đan và chạm gỗ. Thứ hai là thiết kế bao bì, logo, bộ nhận diện thương hiệu. Và thứ ba là thiết kế và trang trí nội thất. Cả hai lĩnh vực này đều cho thấy sự chuyên nghiệp của tất cả các khâu - từ thiết kế ý tưởng đến thiết kế sản xuất để có được sản phẩm đẹp, tạo ấn tượng mạnh đối với khách hàng, công chúng. Thứ tư là thiết kế thời trang với khá nhiều sản phẩm đẹp.
Khi đi tham quan triển lãm này, tôi không nhận thấy sự hiện diện của những sản phẩm công nghiệp của người Việt Nam, được thiết kế và sản xuất hàng loạt, từ đồ dùng hằng ngày đển các phương tiện, công cụ sản xuất. Phải chăng, lĩnh vực luôn có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội này không được đề cập đến trong triển lãm?
Phần này là một câu chuyện dài mà tôi muốn nói sau một chút, vì nó động chạm đến chuyên môn học hành và công việc giảng dạy của tôi bao năm qua (cười). Tôi muốn nói thêm về vế bên kia của những thành tựu mà chúng ta vừa đề cập cho câu chuyện trọn vẹn. Tuy thành công là thế nhưng vấn đề lớn trong chính các lĩnh vực thiết kế ứng dụng này là thiếu tính định hướng. Cần phải nhắc lại là chúng ta đang ở trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Mỗi một sản phẩm, cho dù là thủ công mỹ nghệ, cũng phải được định hình hóa, tiêu chuẩn hóa và hướng đến việc tìm cách sản xuất hàng loạt cùng với một sự đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng chứ không thể dừng lại là hàng thủ công đơn chiếc nữa. Người thợ thủ công tài hoa nghĩ ra được một mẫu hàng đẹp, nhưng bước tiếp theo là gì? Nếu là một tác phẩm thì đơn chiếc là đúng, nhưng nếu thuộc MTƯD thì nó phải được gắn liền với sản xuất và tiêu dùng; mà tính ứng dụng có hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ phổ biến của sản phẩm đó, tức là mức độ sản xuất hàng loạt của sản phẩm. Phần nhiều các trưng bày thiết kế sản phẩm trong triển lãm này đều chỉ dừng lại ở dạng đơn chiếc.
Tương tự, thời trang cũng thế. Chúng ta có thể có thiết kế đẹp nhưng còn tính ứng dụng của chúng thì sao? Bao nhiêu người có nhu cầu sử dụng chúng? Hay đây mới chỉ là các mẫu thiết kế thỏa mãn tính sáng tạo của cá nhân nhà thiết kế? Một sản phẩm thời trang có tính ứng dụng cao là có sự phổ biến trong xã hội, đáp ứng xu hướng ăn mặc cho số đông. Thí dụ về trang phục chống nắng, vải dệt theo xu hướng liên quan đến chống biến đổi khí hậu chẳng hạn. Thực tế, trong lĩnh vực thiết kế thời trang ở triển lãm này, không có sự xuất hiện của các sản phẩm mang tính xu hướng ứng dụng cao, mà chỉ dừng lại là thỏa mãn ý muốn sáng tác của tác giả.
Cốt lõi của MTƯD là thiết kế công nghiệp
Chúng ta có thể trở lại với câu hỏi của tôi về sự vắng bóng của các thiết kế công nghiệp của người Việt Nam, trong TLMTƯDTQ 2019 rồi chứ, thưa ông?
Đây cũng là điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất. Tại sao lại vắng bóng? Tại chúng ta không có hay vì điều gì khác? Xin thưa, chúng ta có. Trong thời gian chấm giải, tôi đã đưa lên trang facebook cá nhân của mình một album Những mẫu thiết kế không có trong TLMTƯDTQ 2019, từ cái phích nước, vợt bắt muỗi đến đồ chơi thông minh, xe đạp điện, bồn vệ sinh, thiết bị phòng tắm... Tất cả đều do người Việt Nam thiết kế và được sản xuất trong nước trong vòng 5 năm qua. Nhưng tại sao chúng và các sản phẩm tương tự vốn thể hiện xu hướng tiêu dùng, xu hướng thẩm mỹ và sức phát triển của xã hội ta lại không xuất hiện trong triển lãm này? Tôi nghĩ, cách làm, cách tổ chức triển lãm này cần phải được cải tiến.
Một triển lãm định kỳ và có quy mô toàn quốc về MTƯD mà lại thiếu vắng các sản phẩm thiết kế công nghiệp, lĩnh vực cốt lõi của một đất nước đang tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì không ổn bởi vô hình trung, nội dung triển lãm có thể gây ra những cách hiểu sai lệch cho người xem về MTƯD cũng như thực tiễn thiết kế ở nước ta hiện nay.
Nhưng câu hỏi ông vừa nêu, có khi nào được đặt ra trong chính Hội đồng nghệ thuật mà ông là một thành viên?
Ban Tổ chức triển lãm biết rất rõ những hạn chế của mình, rằng đây là một cách làm triển lãm chưa bám sát thực tế xã hội, một cách làm theo thói quen bao cấp và hành chính hóa. Ban Tổ chức phát động triển lãm, gửi công văn về các địa phương nhưng địa phương nào quan tâm thì chuyển đưa thông tin về cơ sở, ngược lại, họ cất trong ngăn kéo văn phòng.
Nghệ nhân nào biết thông tin và có sản phẩm đẹp thì tham dự. Ban Tổ chức chỉ việc thu gom lại, sau tổ chức thêm một vài chuyến xe đi thực tế địa phương. Còn rất nhiều vùng nghề, làng nghề, cơ sở MTƯD hay mà ta chưa được biết nên chỉ riêng mảng thủ công mỹ nghệ trong triển lãm này cũng không phản ánh đúng thực tiễn phát triển của thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Kể cho bạn nghe, trong hai năm 2002 - 2004, tổ chức JICA Nhật Bản phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện một dự án về Khả năng công nghiệp hóa của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Khảo sát này đưa ra một tìm hiểu và phân tích kỹ lưỡng về một mẫu sản phẩm thủ công: từ nguyên liệu (khai thác, vận chuyển, xử lý ban đầu) đến kỹ thuật chế tác và nhu cầu thị trường (mức độ phổ biến, tuổi thọ sản phẩm). Bước tiếp theo là họ nghiên cứu khả năng định hình hóa và tiêu chuẩn hóa mẫu mã và hoa văn của một sản phẩm để có thể thiết kế và sử dụng máy móc hỗ trợ. Tôi được mời cộng tác điều tra về đội ngũ và lực lượng thiết kế ở các làng nghề. Kết quả dự án này đã được đệ trình thành kiến nghị lên Chính phủ, được đánh giá rất cao và hiện nay, một số vùng thủ công mỹ nghệ đã và đang triển khai theo hướng đi này.
Vậy trong cuộc hội thảo nhân triển lãm, những câu hỏi cốt lõi về nhận thức và quan niệm về MTƯD hoàn toàn có thể được đặt ra để hướng tới một triển lãm đúng nghĩa cho lần tới, thưa ông?
Tôi cũng đã viết một tham luận dài cho hội thảo này, nhưng rút cục không đi dự nữa, vì tôi chắc chắn tham luận ấy sẽ bị lạc lõng, nói ai nghe. Bởi với cách quản lý như hiện nay, chúng ta chưa vượt qua nổi cách chỉ đạo hành chính bao cấp như trước đây.
MTƯD gắn liền với sản xuất và tiêu dùng, với sự đòi hỏi của nhu cầu xã hội. Đấy là chưa kể sự hiện diện của nó trong các thiết kế không gian sống, không gian công cộng, cho thấy thẩm mỹ xã hội đã và đang ở đâu... Mục tiêu chính của MTƯD là phải hướng đến việc thỏa mãn nhu cầu xã hội và phải trở thành một sức cạnh tranh trong kinh tế thị trường.
Trân trọng cảm ơn ông!
Họa sĩ Lê Huy Văn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (giai đoạn 1998 - 2005) là thành viên Hội đồng nghệ thuật của Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc từ kỳ thứ nhất - năm 2004 đến kỳ thứ tư - năm 2019. Ông được đào tạo bài bản chuyên ngành Thiết kế công nghiệp (Industrial Design) tại Đại học nghệ thuật và thiết kế Burg Giebichenstein ở Halle, CHLB Đức từ 1965 đến 1970 và giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp từ năm 1987.
Triển lãm MTƯDTQ lần thứ tư do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTTDL tổ chức diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 5 đến 30-10-2019, trưng bày 280 tác phẩm và bộ tác phẩm, được lựa chọn từ 568 hồ sơ tác phẩm gửi dự giải của 299 tác giả đến từ 25 tỉnh, thành phố. Ba bộ giải thưởng trong triển lãm là Thiết kế sáng tạo, Sản phẩm ứng dụng, Sản phẩm trang trí.