Mùa thu, gùi chữ lên non

Vùng cao phía bắc địa đầu Tổ quốc, tháng 8, sát ngày tựu trường, là đỉnh điểm mùa mưa. Song, bất chấp những cơn mưa xối xả "trôi đất trôi cát", tối tăm mặt mũi, mọi điểm trường, điểm bản vẫn rộn ràng chuẩn bị cho năm học mới, quyết "đem cái chữ về" thắp sáng đỉnh non ngàn.
0:00 / 0:00
0:00
Năm học mới này, ngôi trường nhỏ Bắc Phong đón hơn 200 em học sinh nội trú.
Năm học mới này, ngôi trường nhỏ Bắc Phong đón hơn 200 em học sinh nội trú.

XÃ Nậm Nhừ nằm cách trung tâm huyện Nậm Pồ (một huyện nghèo thuộc tỉnh Điện Biên) 20 km.

Mùa thu, gùi chữ lên non ảnh 1
Con đường đất trơn trượt, phải nhích từng chút trong mưa rừng

tầm tã mới đến được Nậm Nhừ.

Con đường từ trung tâm huyện đến điểm trường, điểm bản là đường đất, việc di chuyển trong những ngày mưa chuẩn bị năm học mới chỉ có thể thực hiện bằng xe máy. Những con đường đất cheo leo, lầy lội, trơn trượt nhích từng chút trong mưa rừng tầm tã. Dắt bộ, đẩy xe, chống chân qua những vùng lầy, rút chân mất dép, tụt ủng, cùng những vết thâm tím sau những cú ngã… đã trở thành rất đỗi bình thường với thầy, cô xã Nậm Nhừ nói riêng, cũng như các thầy, cô nơi vùng cao Tây Bắc nói chung. Vất vả, khó khăn là thế, nhưng bằng tình yêu, những năm qua các thầy, cô vẫn miệt mài, hăng say vượt núi, băng rừng gùi chữ đến với học sinh vùng cao.

Mùa thu, gùi chữ lên non ảnh 2

Thầy, cô giáo trường Nậm Nhừ hối hả chuẩn bị năm học mới.

Để bảo đảm công tác giảng dạy cho năm học mới, các thầy, cô không nề hà bất cứ công việc nào, từ dọn dẹp phòng học, rẫy cỏ, trồng cây, vẽ hình, xây dựng các tiểu cảnh, sơn tường… Song, khó khăn nhất có lẽ vẫn là việc đi đến từng hộ có các em nhỏ trong độ tuổi đến trường, thuyết phục gia đình cho các em được đi học, trao cho các em "cái chữ", để hướng về tương lai.

một nơi khác, năm học này, giấc ngủ chập chờn trong cái nóng hầm hập hay cái lạnh ướt sũng sương muối của những học sinh nhỏ tuổi vùng sâu Bắc Phong (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đang ngập tràn hy vọng sẽ không còn lặp lại.

Mùa thu, gùi chữ lên non ảnh 3
Rất cần thêm nhiều những bàn tay góp sức, vì nụ cười của các em.

"Nơi đây, có những học sinh phải đi bộ hơn chục cây số để về nhà mỗi cuối tuần. Ở đây, có những thầy, cô giáo đã 13 năm không đặt chân xuống huyện, cách điểm trường hơn 50 km. Ở đây, những học sinh nhỏ tuổi của tôi phải chấp nhận cái nóng hầm hập, cái rét cắt da, cắt thịt trên hành trình tìm cái chữ..." - cô hiệu trưởng Đào Thị Xuân Hiền của điểm trường vùng sâu Bắc Phong chia sẻ, trên con đường gập ghềnh từ thị trấn Phù Yên.

Năm học mới này, có đến gần 350 học sinh được gom về học tập tại Bắc Phong, trong đó có hơn 200 em phải ở lại trường vì nhà xa. Căn nhà vẫn dành làm chỗ ở nội trú cho hơn 60 học sinh được dựng bằng tôn, mùa nóng phải thiết kế khe thoáng sát mái để bớt đi chút ít oi ả, ngột ngạt, còn mùa lạnh thì sương theo khe thoáng ấy tràn vào, lại khiến các em co ro trên những chiếc giường tầng hàn bằng sắt đã bạc mầu, trải những tấm giát giường làm bằng luồng, nứa...

Mùa thu, gùi chữ lên non ảnh 4
Phòng ở mái tôn này sẽ được các nhà hảo tâm cố gắng thay thế

bằng một ngôi nhà cấp bốn khang trang.

Dự kiến, trong vòng một tháng nữa, mái nhà tôn này sẽ được thay thế bằng ngôi nhà cấp 4 được xây mới khang trang, với tổng diện tích 132 m2, giúp khoảng 100 học sinh của Trường tiểu học và trung học cơ sở Bắc Phong thêm điều kiện để tập trung học tập, cũng như bảo đảm sức khỏe.

Mùa thu, gùi chữ lên non ảnh 5
Khung cảnh đã được điểm tô những mầu sắc mới.

Bởi có một đoàn khảo sát, những thành viên Quán cơm 2.000 đồng/suất mang tên Nụ Cười Shinbi, đang hỗ trợ thiện nguyện cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội), đã đến tận Bắc Phong và hối hả kêu gọi "chung tay đem đến giấc ngủ ngon", cho những em học trò nghèo hiếu học vùng cao này.

Gần 400 triệu đồng chi phí là số tiền không nhỏ, để hiện thực hóa giấc mơ cháy bỏng ấy. Song, bất cứ ai dấn thân vào hành trình ý nghĩa này cũng vẫn luôn tâm niệm: Sự thiện tâm, lòng trắc ẩn, nghĩa đồng bào… vì tương lai đất nước, sẽ tạo nên những điều nhiệm mầu…