Mùi vị - Ký ức

Mưa giông giấu tận đáy trời

Khi quen chị Mai Nhung, tôi ương ương hai mươi tư tuổi, vừa tốt nghiệp Biên kịch Điện ảnh, Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội được đôi năm. Còn chị ngoài bốn mươi, rực rỡ chín, đang làm Thư ký tòa soạn báo Nông Thôn Ngày nay, tờ báo thuở hàn vi không có mặt trên những sạp báo thành phố, mà chủ yếu được phát về các địa phương theo hệ thống Chi hội Nông dân.
0:00 / 0:00
0:00
Mưa giông giấu tận đáy trời

Ngay từ ngày đó, tôi đã nghe chị nói tới ước mơ có một tờ báo đẹp, hiện đại, cập nhật thông tin, bàn đến những vấn đề thiết thực, nóng bỏng của nông dân, nông thôn mà cũng là của tất cả mọi người, của quốc gia, dân tộc. Chị Nhung lo việc tòa soạn, đi viết bài, chạy quảng cáo, rồi lo gia đình, lo đỡ đần người thân trong quê, rất vất vả. Nhưng lúc nào gặp, tôi cũng thấy chị cười nhẹ nhõm, mắt trong veo, lấp lánh. Tôi làm biên tập cho Tạp chí Điện ảnh Ngày nay của Viện Phim Việt Nam, lương ba cọc ba đồng. Nhuận bút còm, tôi dành mua sách và sắm sửa mấy món linh tinh con gái. Tháng nào cũng cạn túi. Chị Nhung thỉnh thoảng vẫn dúi tiền cho tôi. Tôi tủm tỉm, vô tư nhận, chẳng chút ngại ngần. Còn nhớ, đôi giày "xịn" đầu tiên tôi có, cũng chị Nhung tặng. Chị mua ở cửa hàng giày da khá sang trên phố Lò Sũ, mỗi chị em một đôi. Có thể nói, ngoài bố mẹ và bà ngoại tôi, chị là người thương yêu, chăm sóc, xót xa tôi nhất, chẳng khác gì ruột thịt. Với chị, tôi có thể nói bất cứ chuyện gì, dù khúc mắc, khó nói đến đâu. Tôi không phải đề phòng, không cần giữ ý, không sợ thiệt hơn, không lo mắc nợ. Chị luôn bao dung, chia sẻ, bù đắp cho tôi, như "nước mắt chảy xuôi".

Những năm tháng ấy, tôi hay lọc cọc đạp cái xe mi-ni Nhật cũ, đến nhà chị bất kể trời gió bấc rét mướt, mưa phùn ẩm thấp hay khô cháy nắng nôi. Căn phòng trọ chật chội trong dãy nhà cấp bốn, nằm cuối con ngõ ngoằn ngoèo sâu hút, ổ gà thập thõm, ở khu Hào Nam. Có hôm tôi tới nơi thì chị đi vắng, đành lủi thủi đạp về. Một lần trời mưa to, tôi lội bùn vào, ướt lướt thướt. Thấy cửa sổ nhà chị sáng đèn, tôi mừng rỡ, ríu rít gọi: "Chị ơi, em đến chơi với chị đây!". Chị mở cửa, ló đầu ra, cười rạng rỡ: "Trời ơi, tội em! Ướt hết cả rồi! Vào đây, vào đây! Nay chị có món này rứt ngon!". Tường nhà chị quét vôi xanh, phía ngoài kê bộ bàn ghế tiếp khách và bếp điện để nấu, bên trong có chiếc giường đôi và cái tủ áo đặt sát nhau. Một giá sách ngăn cách giữa hai không gian. Chỉ đơn sơ thế, nhưng nơi đó luôn cho tôi cảm giác đủ đầy, ấm lành, tin cậy. Chồng chị hay đi làm xa, nhiều bữa chỉ có hai chị em và Lâm, cậu con trai đang tuổi thiếu niên của chị ở nhà. Chị nấu những món miền trung, thơm lừng, cay xé. Chị Nhung không phải "tuýp" phụ nữ "tay nem tay chạo", nhưng khi đã để tâm vào món ăn nào, món đó thật xuất sắc. Tôi mê bún bò kiểu Huế, và cá biển kho ngọt chị nấu. Tôi đã ăn bún bò Huế nhiều nơi, nhưng phải thừa nhận, bát bún chị làm vừa khẩu vị tôi hơn cả. Chị bảo, ninh bắp bò thay vì thịt bò nạm và chân giò trước, sẽ đỡ ngấy. Bắp và giò chín tới, mềm mà giòn sần sật. Muốn nồi nước dùng trong, đương nhiên đun nhỏ lửa, ngồi canh hớt sạch váng bọt. Đúng chuẩn phải là bún sợi to, có bò, giò, chả cua, tiết luộc; rồi sả, tỏi, hành tây, dầu điều, mắm ruốc; rau ăn ghém gồm hành lá, giá đỗ, mùi tàu, húng quế, hoa chuối, ớt, chanh. Bún bò Huế vị đặc trưng cay, nóng, đậm đà, giàu đạm. Công thức nấu có thể nhiều người biết. Nhưng bún bò Huế của chị Nhung ngấm ngầm giữ vị riêng. Vẫn ngần ấy nguyên liệu, chị khiến nó thành khúc biến tấu đặc biệt. Chần nóng bún trắng ngà, xếp đôi ba lát bắp bò cong cong như những cánh hoa, khúc móng giò bì vừa độ dẻo, gân giòn, miếng tiết nâu hồng mềm mướt như thạch, rắc li ti mấy cọng hành xanh, chan nước dùng bỏng rãy, chấm chút ớt chưng lóng lánh sao sa, thế là có bát bún hấp dẫn, thơm ngây ngất. Nếm miếng đầu tiên, mê luôn. Ngon đến nỗi, tôi phải thốt lên: "Em nhớ đời đó, chị Hưa! Chị cho cái chi mà ngấu rứa?". Chị "Hưa", tức là chị Hai, giọng xứ Quảng. Mỗi lần hai chị em trò chuyện, tự nhiên tôi cứ bật nói những từ quê chị, chen vào giọng Hà Nội của tôi, nghe ngồ ngộ. Chẳng biết từ bao giờ, nó thành giọng riêng tôi chỉ nói với chị. Chị bật cười: "Thì có chi đâu, chỉ ngần ấy thứ! Em nấu nướng, em biết đó, quan trọng là nguyên liệu tươi, rồi ướp và nêm nếm cho vừa miệng thôi!". Nguyên liệu tươi là tiêu chí đầu tiên của hầu hết các món ăn. Với món cá biển kho ngọt, nếu cá không tươi, coi như thất bại ngay, không thể cứu vãn. Chị Nhung thường mua những lát cá thu hoặc cá ngừ ngon nhất chợ, thịt cá dẻo dính, lấp lánh ánh xà cừ, ướp với chút mắm nhĩ đặc sánh, hành tím bằm nhỏ và hạt tiêu, chừng trên dưới một giờ cho cá thấm. Ngoài bắc, món kho thường đậm, liu riu hai ba lửa, ít ra cũng bốn năm tiếng đồng hồ. Cá biển kho ngọt chẳng tốn thời gian, rất đơn giản. Mỗi khúc cá to cỡ một bàn tay, độ dày vừa phải, cần một bát ăn cơm nước. Nước sôi, thả cá, hạ nhiệt, hớt bằng hết bọt và những lợn cợn lăn tăn, đến khi nước thật trong. Tiếp tục đun thêm một lúc rồi tắt bếp, để yên vài tiếng. Bắt đầu dọn mâm, nổi lửa lần hai, đun cá chừng mươi mười lăm phút nữa, cho thêm mấy giọt dầu ăn, rồi thả vài lát dứa, mấy lát ớt, là xong. Cá chín mềm, chắc, ngọt. Cái ngọt của cá tươi không gia vị nào sánh được. Bày cá ra đĩa sâu lòng, xếp ớt đỏ thắm, dứa vàng rượi lên trên khúc cá nục nạc, rưới chút nước sâm sấp. Nước còn lại, múc vào bát tô, có thể chan bún hoặc cơm. Miếng cá ngọt đượm, cay nồng vị tiêu, cay se vị ớt. Thật kỳ lạ, mùi tanh cá biển hoàn toàn biến mất. Chỉ thấy ngàn ngạt hơi thở đại dương theo những đợt sóng miên man không ngớt xô bờ. Đã vài lần tôi thử làm món cá kho ngọt này, nhưng chưa bao giờ tự hài lòng. Phải là chị Nhung nêm nếm, phải là chị nấu, mới ngon đến thế.

Chị Mai Nhung người gốc Bình Sơn, Quảng Ngãi. Thời thiếu nữ ngây thơ, chị ngơ ngác và hăm hở lên rừng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày giải phóng, cô gái xinh đẹp, tươi giòn, trong trẻo ấy lại hăm hở bước tới hoà bình. Chị xuống Đà Nẵng, lấy chồng, sinh con khi còn khá trẻ. Rồi cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, chị mang con trai ra Hà Nội, học Đại học Báo chí, lập nghiệp ở Thủ đô. Năm 1995, chị Mai Nhung rủ tôi về báo Nông thôn Ngày nay, dạy tôi làm báo. Tôi giữ trang Văn hóa được ít lâu thì xin sang VTV, chị lại để tôi đi. Chị hiểu, công việc ở đó hợp tôi hơn, gần với nghề tôi học. Sau hơn mười năm cùng các đồng nghiệp biến ước mơ đổi mới toàn diện báo Nông thôn Ngày nay thành hiện thực, chị Mai Nhung nghỉ hưu ở cương vị Tổng biên tập. Chị trở về Đà Nẵng, xây một ngôi nhà, mong được thong thả sống. Nhưng chị vẫn phải lo nhiều thứ, chưa bao giờ thật sự nghỉ ngơi. Chị lại không khỏe, những di chứng từ thời ở rừng làm chị đau. Vậy mà, thật lạ, mọi gian nan bất trắc ở đời không thể chạm tới chị. Lúc nào chị cũng đẹp. Chị ung dung bình thản đón nhận mọi điều. Chị hào phóng trao tặng lòng tốt vô tận, không mảy may tính toán. Ngôi nhà của chị luôn có chỗ đón tiếp bạn bè. Ở đó, chị dành một căn phòng thơm tho xinh xắn cho tôi.

Tôi vào Đà Nẵng đúng đợt mưa lụt lịch sử cuối tháng Mười, năm 2022. Mưa bắt đầu từ sáng thứ Sáu, mỗi lúc một dữ dội, dai dẳng suốt cuối tuần. Thành phố vật lộn giữa mênh mang biển nước. Mưa to gây lở núi, lũ cuốn và biết bao hệ luỵ khiến Đà Nẵng bất ngờ, không kịp trở tay. Rất nhiều gia đình rơi vào khốn khó. Nhà chị Nhung gần bãi biển Mỹ Khê, nước ngấp nghé bậc thềm. Ngôi nhà ba tầng kiên cố bị nước mưa từ sân thượng dồn ứ ngấm qua trần vì không thể thoát kịp. Chúng tôi ngồi ăn tối ở tầng trên, mưa dột ướt lép nhép. Chị Nhung khẽ thở dài, mắt loang loáng lo âu: "Bên ni sát biển còn ngập, thì trong phố, dưới làng lụt to mất rồi!". Nỗi thắc thỏm như mây giông trong mắt chị. Hai chị em tựa cửa, nhìn qua ô kính. Mưa táp mờ mịt, nhập nhoà ánh đèn vàng ngoài phố. Chị than: "Em vào chơi mà trời đất chán thiệt! Biết lấy đâu ra cá thu tươi kho cá ngọt cho em!". Điện đột ngột tắt phụt. Mưa đổ sầm sập. Chớp xé đêm. "Chị nhớ hôm em đội mưa lội bùn vào nhà chị ở Hào Nam không? Hồi đó, những khi cần một nơi để trút buồn vui, em lại lao đến chị". "Ừa, ngày ấy tóc em dài, cột cao lên, cổ mảnh, trông gầy lắm. Mà lúc nào em cũng mặc đồ mầu sẫm. Cứ thích làm cho mình già đi rứa!". "Giờ em cắt tóc ngắn, ưng diện mầu tươi đó, chị!". "Ờ, cứ vậy nghe! Không cho phép đứa nào làm mình buồn nữa, nghe!". "Chị chẳng thay đổi gì, lúc nào cũng y như lần đầu em gặp". Hai chị em cười, xôn xao bóng tối. Tôi ngâm nga mấy câu thơ viết tặng chị ngày xưa: "Vẫn còn ánh mắt/ Ướt miền xa xăm/ Đáy trời trong vắt/ Giấu ngàn cơn giông". Trong chớp lóa hoang mang, mưa đêm quật quã, tôi thấy khoảng trời đáy mắt chị xanh, an ủi.

Mưa giông giấu tận đáy trời ảnh 1