Xu hướng

Mối lo từ... điều hòa không khí

Khi các đợt nắng nóng gia tăng trên khắp thế giới, nhu cầu làm mát cũng tăng đột biến. Ðiều hòa không khí đã trở thành một công cụ cần thiết cho sự sống còn của hàng triệu người. Nhưng cái giá phải trả là cuộc khủng hoảng khí hậu do thiết bị này tiêu tốn nguồn năng lượng khổng lồ, phần lớn được tạo ra từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.
0:00 / 0:00
0:00
Khách sạn Parkroyal ở Pickering (Singapore) với vườn trên cao. Ảnh | WOHA
Khách sạn Parkroyal ở Pickering (Singapore) với vườn trên cao. Ảnh | WOHA

Một vòng luẩn quẩn nguy hiểm

Theo CNN, khi nhiệt độ tăng lên hơn 37oC, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua ở Singapore, anh Chee Kuan Chew chỉ muốn ở nhà bật điều hòa. “Bạn không thể sống thiếu điều hòa ở Singapore trong khí hậu nóng ẩm như thế này”, anh nói. Chàng sinh viên đại học 20 tuổi sống cùng gia đình trong một căn hộ bốn phòng ngủ ở quận Ang Mo Kio với năm chiếc điều hòa không khí. “Tôi đã uống nhiều nước, tắm nước lạnh và bật điều hòa suốt cả ngày cuối tuần”, Chee nói.

Với khí hậu nóng ẩm quanh năm, Singapore là một trong những quốc gia sử dụng điều hòa nhiều nhất thế giới và có thiết bị trên bình quân đầu người nhiều hơn các nước láng giềng Đông-Nam Á.

Khi nhiệt độ, dân số và thu nhập tăng lên, số lượng điều hòa đang hoạt động trên toàn thế giới có thể tăng từ gần 2 tỷ hiện nay lên 5,6 tỷ máy vào năm 2050. Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia - những quốc gia đông dân trên thế giới - nằm trong số những quốc gia có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), điều hòa không khí thải ra khoảng một tỷ tấn carbon dioxide, trong tổng số 37 tỷ tấn thải ra mỗi năm trên toàn thế giới.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến điều hòa không khí có thể gây ra mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên tới 0,5oC vào cuối thế kỷ này. Chỉ cần tăng 1,5oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp có thể khiến 2,3 tỷ người có nguy cơ hứng chịu các đợt nắng nóng nghiêm trọng. Khí hậu nóng bức đã gây ra 12.000 ca tử vong mỗi năm. Đến năm 2030, Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán có thể có thêm 38.000 ca tử vong hàng năm do nhiệt ở người cao tuổi. Các nhà khoa học cho biết, chúng ta có thể đạt mức tăng nhiệt độ đó vào đầu những năm 2030 nếu chúng ta không cắt giảm lượng khí thải carbon.

Nguyên do là nhiều máy điều hòa không khí ngày nay sử dụng một loại chất làm mát được gọi là hydrofluorocarbons, hay HFC, là loại khí nhà kính có hại. Mặt khác, điều hòa không khí có xu hướng ngốn một lượng lớn điện năng, phần lớn được tạo ra từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, điều hòa không khí và quạt điện chiếm khoảng 10% tổng lượng điện tiêu thụ toàn cầu.

Đó là một vòng luẩn quẩn nguy hiểm: Thế giới càng ấm lên thì càng có nhiều người chuyển sang sử dụng điều hòa nhiệt độ, và càng sử dụng máy điều hòa, thế giới càng ấm lên. Cô Lily Riahi từ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc nói với DW: “Chúng ta cần phải thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này. Cách chúng ta hiện đang làm mát ngôi nhà và nơi làm việc của mình là một nguyên nhân lớn dẫn đến biến đổi khí hậu”. Cô cũng là điều phối viên của mạng lưới Cool Coalition toàn cầu hoạt động để thúc đẩy việc làm mát bền vững, cho biết kịch bản này sẽ gây áp lực lớn lên lưới điện và cuối cùng cản trở nỗ lực đáp ứng các mục tiêu khí hậu. “Đến năm 2050, ước tính chỉ việc làm mát không khí sẽ chiếm từ 30% đến 50% điện năng [phụ tải] cao điểm ở nhiều quốc gia. Ngày nay, mức trung bình là 15%. Vì vậy, lưới điện sẽ gặp sự cố”, cô nói.

Mối lo từ... điều hòa không khí ảnh 1

Một khu chung cư ở ngoại thành New Delhi. Ảnh | Anindito Mukherjee/Bloomberg

Thiết kế “không gian xanh” và “làm mát ngay từ đầu”

Đối với Giáo sư kinh tế môi trường Enrica De Cian, tại Đại học Ca Foscari ở Venice (Italia), việc sử dụng điều hòa không khí là “một chiến lược quan trọng trong những điều kiện nhất định và ở những nơi nhất định”. Tuy nhiên, điều cần thiết là kết hợp nó với các phương pháp bổ sung.

Thứ nhất là tiếp tục tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, để điều hòa không khí tạo ra lượng khí thải ít hơn. Thứ hai là phát triển và lắp đặt máy điều hòa không khí giá cả phải chăng và tiêu thụ năng lượng ít hơn.

Nhưng trên hết, các chuyên gia nhấn mạnh về việc đồng thời sử dụng các biện pháp quy hoạch không gian xanh. CNN dẫn lời Phó giáo sư Radhika Khosla, thuộc Trường Doanh nghiệp và Môi trường Smith của Đại học Oxford cho rằng, có nhiều không gian xanh, bóng râm, mặt nước và hệ thống thông gió thông minh là một trong những “chiến lược làm mát thụ động” bền vững hơn.

Singapore, nơi từng tuyên bố điều hòa không khí là một trong những phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 20 đang đi đầu trong nỗ lực giữ đất nước này xanh sạch đẹp, phù hợp với mục tiêu trong thế kỷ 21. Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore đã cấm chất làm lạnh có GWP (chỉ số gây nóng lên toàn cầu) cao kể từ tháng 10/2022, đồng thời khuyến khích các hộ gia đình sử dụng quạt thay vì điều hòa nhiệt độ. Cơ quan chính phủ cũng khuyên người dân nên đặt đồng hồ hẹn giờ khi sử dụng điều hòa và đặt nhiệt độ tối thiểu là 25oC.

Một nỗ lực hướng tới giảm phát thải ở quốc đảo xanh này là tòa nhà SDE4 sáu tầng tại khuôn viên Trường Thiết kế và Môi trường của Đại học quốc gia Singapore. Đây là “tòa nhà tiêu thụ năng lượng thực bằng 0” đầu tiên của đất nước đi vào hoạt động từ năm 2019 với các không gian mở được thông gió tự nhiên và một “hệ thống làm mát hỗn hợp cung cấp 100% không khí trong lành đã được làm mát”. Đây là minh chứng cho thấy tiện nghi không nhất thiết phải đánh đổi bằng môi trường, các kiến trúc sư của tòa nhà nói. Phó hiệu trưởng Heng Chye Kiang cho biết: “Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để bảo đảm rằng đây sẽ là một tòa nhà có phát thải ròng bằng 0”.

Ở đây, quạt trần được sử dụng thay thế cho thiết bị điều hòa. Các cảm biến thông minh đo lường và quản lý các biến số từ nhiệt độ, độ ẩm và carbon dioxide đến không khí, ánh sáng và âm thanh để “thúc đẩy giảm mức tiêu thụ năng lượng”. “Chúng tôi hy vọng nó sẽ truyền cảm hứng cho các tòa nhà và nhà thiết kế khác đạt được điều tương tự và giảm thiểu việc sử dụng năng lượng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu,” nhà trường cho biết.

Cô Lily Riahi từ Chương trình Môi trường LHQ cũng chia sẻ ý kiến về việc “thiết kế các thành phố và tòa nhà sao cho giảm nhu cầu làm mát ngay từ đầu. Và cũng có thể khuyến khích đưa các công nghệ hiệu quả nhất ra thị trường”. Đó có thể là chú trọng không gian xanh, bóng mát, mặt nước, vỉa hè, các lối mở và hành lang thông gió, tòa nhà cách nhiệt, mái nhà chống nóng..., theo các chuyên gia.

Theo thông tin từ DW, tại Ấn Độ, tổ chức Mahila Housing Trust đang giúp những người dân sống trong các khu ổ chuột giữ cho ngôi nhà luôn mát mẻ. Tổ chức này tập trung vào các biện pháp chi phí thấp như sơn trắng các mái tôn, trồng cây gần nhà để tạo bóng mát hoặc lắp đặt mái nhà làm bằng chiếu tre nén, loại vật liệu hấp thụ nhiệt ít hơn. Giám đốc quỹ tín thác Bijal Brahmbhatt cho biết, chỉ cần phủ sơn phản quang lên mái nhà có thể khiến nhiệt độ trong nhà giảm tới 6 độ C, một thay đổi đáng kể trong mùa nắng nóng.

Một dự án khác ở sa mạc Ai Cập, nơi nhiệt độ mùa hè có thể lên tới gần 50oC, cũng đang giải quyết vấn đề chống nóng thông qua thiết kế ngôi nhà thông minh. Kiến trúc sư Sarah El Battouty, người sáng lập công ty xây dựng xanh EConsult, cho biết, họ cố gắng giảm nhiệt độ các ngôi nhà tới 10oC. Công ty của cô đang hợp tác với chính phủ Ai Cập để nâng cấp 4.000 ngôi làng nông thôn (nơi sinh sống của khoảng 58 triệu người), để họ có thể ứng phó với cái nóng khắc nghiệt. Nhưng thay vì đưa ra các giải pháp công nghệ cao, El Battouty cho biết, nhiều thay đổi xanh được lấy cảm hứng từ kiến thức bản địa. “Những ngôi làng này đã tồn tại lâu đời. Đó là nhờ kiến thức vốn có giúp họ thích nghi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt hàng nghìn năm qua. Chúng tôi xem giải pháp nào khả thi và tích hợp chúng...”. Điều đó có nghĩa là sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương như đá vôi xốp và đá sa thạch cho phép không khí lưu thông qua các bức tường. Họ cũng nâng các cấu trúc khỏi mặt đất để ngăn nhiệt hấp thụ từ bên dưới, làm tối các lối vào, lắp đặt mái phản quang, sử dụng các cửa sổ góc cạnh và rèm che có thể điều chỉnh để chặn nhiệt đồng thời lấy ánh sáng.

Cô El Battouty cho rằng, việc chống nóng cho nhà ở cần được chú trọng hơn nhiều tại các sự kiện lớn như hội nghị thường niên về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. “Chúng ta phải coi việc làm mát là một vấn đề quan trọng, cũng giống như năng lượng tái tạo vậy”, cô nhấn mạnh.