Miệt mài cùng trang sử hào hùng

Thời gian lùi xa, những cựu chiến binh như đại tá Kim Chung luôn mong muốn được sẻ chia cùng đồng đội, cùng con cháu về những điều mình từng trải qua. Ông cặm cụi viết, ghi lại những gì được chứng kiến trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Lên thăm cây hương 468.
Lên thăm cây hương 468.

Tôi may mắn có tên trong ban biên tập bộ sách gồm ba tập mang tên “Ký ức hào hùng nơi cực Bắc” do Đại tá Nguyễn Kim Chung phụ trách, nên có điều kiện gặp ông ngay trước ngày Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức tọa đàm nhân kỷ niệm “40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc”.

Là người trong cuộc, đại tá Nguyễn Kim Chung nói: “Tôi chỉ muốn nêu những gì được chứng kiến trong cuộc đời binh nghiệp giai đoạn 1979 - 1989. Là người lính, đứng trước vận mệnh dân tộc chúng tôi buộc phải cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.

Khi đó, ông mang quân hàm thiếu tá, giữ chức vụ Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên, trực tiếp tham gia chỉ huy lực lượng quân sự địa phương suốt 10 năm trời. Bàn chân ông đã đi hầu khắp các địa bàn dọc tuyến biên giới Hà Tuyên khi đó. Ông cũng là chủ bút nhiều cuốn sách viết về lực lượng vũ trang Hà Giang, đồng thời là cây bút chủ lực trong chuyên mục “Lần giở trang sử quê hương” trên tạp chí văn nghệ Hà Giang.

Ông kể với chúng tôi về những trận đánh, đọc tên những bình độ, gọi tên các sư đoàn, trung đoàn, đại đội, tên của các chiến sĩ dũng cảm trên các điểm chốt, tên các mẹ, các chị để dành từng bao thuốc lá, hộp thuốc đánh răng, phong bì, giấy viết thư gửi lên các chốt. Ông kể rành mạch dấu ấn của các vị tướng lĩnh trận mạc từng chỉ huy trên mặt trận biên giới Hà Tuyên như Tướng Hoàng Đan, Lê Duy Mật, Trần An…

Tướng Hoàng Đan có mặt ở Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 2 từ những ngày đầu để chỉ huy và động viên bộ đội chiến đấu. Có lần đồng chí Hoàng Đan đi tới chốt của bộ đội ta ở đồi Đài, đồi Cô Ích, nơi nằm giữa khu vực mà anh em thường gọi là “lò vôi thế kỷ”. Anh em bảo vệ ngăn cản và chỉ đưa đồng chí Hoàng Đan tới điểm cao 468. Sau trận đánh ngày 12-7-1984, nhiều chiến sĩ của ta hy sinh được đưa về hang làng Lò. Đồng chí Hoàng Đan mặc quần áo lót, một mình băng rừng vượt suối tới hang làng Lò thăm hỏi và động viên cán bộ chiến sĩ, thương binh… Cũng thời điểm này, dòng chữ khắc lên báng súng AK của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” đã trở thành biểu tượng của lòng quả cảm, vì quê hương đất nước mà chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Mỗi lần ôn lại kỷ niệm chiến trường, gương mặt cương nghị của vị đại tá lại rưng rưng bao niềm tâm sự. Có lần ông xuống thị sát tiểu đoàn 3 đơn vị bảo vệ Núi bạc tại huyện Yên Minh. Theo chân ông có tiểu đoàn trưởng Dương Việt Hồng, trưởng Công an xã Phú Lũng Tẩn Phù Dín, xã đội trưởng xã Bạch Đích Hoàng Phù Lùng cùng lên chốt tiền tiêu, nếm bom, nằm pháo cùng chiến sĩ vẫn vẹn trong tâm trí. Đây là những đơn vị trực tiếp chiến đấu bảo vệ Núi Bạc. Sau trận đánh ngày 30-4-1984, cả hai xã Bạch Đích và Phú Lũng cùng huyện Yên Minh được phong anh hùng. Tháng 4-1985, thiếu tá Nguyễn Kim Chung vinh dự được cử làm Trưởng đoàn dẫn các đồng chí Dương Việt Hồng; Tẩn Phù Dín; Hoàng Phù Lùng về Hà Nội báo cáo thành tích với quân dân Thủ đô. Đoàn đã được đi báo cáo tại các khối trường đại học như: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội; báo cáo trước hai cơ quan lớn là: đội Cầu Thăng Long và Tổng cục Đường sắt; báo cáo tại các quận Từ Liêm, Sóc Sơn.

Cũng dịp đó, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức Hội trại của thanh niên Thủ đô tại Công viên Thống Nhất đồng thời phát động phong trào “Thanh niên Thủ đô ủng hộ biên giới”. Ngay sau lễ phát động sức lan tỏa của phong trào đã nhanh chóng lan rộng thành phong trào “Cả nước hướng về Hà Tuyên” phụ nữ các tỉnh Sông Bé, Bến Tre đã có phong trào “Áo ấm chiến sĩ”. Các đoàn nghệ thuật phía nam đã lên với Hà Tuyên biểu diễn phục vụ bộ đội tại nhiều điểm chốt. Hội mẹ chiến sĩ được hình thành tại các huyện và thị xã Hà Giang nhằm hỗ trợ chiến sĩ trên tuyến trước và chăm lo thương binh, tử sĩ khi được chuyển về tuyến sau...

Đại tá Nguyễn Kim Chung cho biết, hiện trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên tư lệnh tiền phương mặt trận Vị Xuyên, là Trưởng ban danh dự Ban liên lạc Cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên. Hầu hết các sư đoàn đều có ban liên lạc giúp đỡ nhau trong đời thường cũng như tri ân đồng đội trong chiến đấu. Hằng năm, hàng nghìn cựu chiến binh từ khắp mọi miền đất nước đã trở lại biên giới Hà Giang thăm lại chiến trường xưa. Riêng sư đoàn 356 - cứ đến 12-7 hằng năm lại tổ chức ngày giỗ trận, tri ân với gần nghìn đồng đội đã hy sinh ngày 12-7-1984. Sự gắn kết đó đã khiến mỗi cá nhân và tập thể cựu chiến binh mạnh mẽ vươn lên trong chiến đấu và cả trong cuộc sống hiện nay.