Mạng không ảo và luật pháp phải nghiêm

Thời gian qua, liên quan thông tin một số ngữ liệu phản cảm được cho là có trong một số sách giáo khoa mới, phóng viên báo Nhân Dân cuối tuần đã trực tiếp đến một số hiệu sách xác minh, nhận thấy nhiều thông tin sai sự thật. Đơn cử phản ánh bài đọc "Vẽ gì khó" lan truyền trên internet, nhưng khi lật giở từng trang sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ Cánh diều) thì hoàn toàn không hề có nội dung nào như vậy.
0:00 / 0:00
0:00

XÉT thấy vấn đề nghiêm trọng, mới đây, Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ra Công văn số 1064/VP-TTTTSK gửi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), đề nghị xử lý các cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai lệch về sách giáo khoa phổ thông. Công văn chỉ rõ, những ngày gần đây, nhiều trang mạng xã hội lan truyền thông tin về một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa phổ thông hiện hành như: "Giã gạo thổi cơm", "Bạn An dũng cảm", "Bắn tung tóe", "Bé xách đỡ mẹ", "Vẽ gì khó",... dẫn đến nhiều bình luận tiêu cực về sách giáo khoa, người viết sách giáo khoa và ngành giáo dục. Tuy nhiên, các nội dung trên không có trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa hiện hành nào đang được sử dụng tại các nhà trường. Vì thế, Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, hỗ trợ xác minh, kiểm tra nguồn gốc các thông tin trên; có giải pháp ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai sự thật; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải, bình luận xuyên tạc khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục.

Đồng tình với đề nghị của Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến nhiều chuyên gia, luật sư còn cho rằng, sách giáo khoa là một ấn phẩm đặc biệt, có tác động rộng rãi, việc xuyên tạc, bịa đặt nội dung trong sách là hành vi vi phạm pháp luật cần được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

SỐ liệu thống kê sơ bộ cho thấy, ở Việt Nam hiện có gần 80 triệu người dùng internet, với khoảng 90% trong số đó tham gia mạng xã hội. Bên cạnh lợi ích, tình trạng lan truyền tin giả, tin chưa được kiểm chứng, thông tin xấu, độc hại đang ở mức báo động. Lợi dụng sự nhanh nhạy của mạng xã hội, nhiều người cố tình "tung tin đồn nhảm", thậm chí sử dụng kỹ thuật, kỹ xảo chỉnh sửa nội dung, đưa tin sai sự thật, đăng tải những nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục nhằm "câu view" (lượt xem), lượt tương tác, vì những mục đích khác nhau, gây hoang mang dư luận, mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội. Đáng buồn và cũng đáng lên án là, trong số đó, không ít người được cho là có trình độ học vấn cao, có tầm ảnh hưởng xã hội cũng thường xuyên phát ngôn thiếu chuẩn mực, vội vàng chia sẻ thông tin mà chẳng hề kiểm chứng.

Vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp một số đơn vị tổ chức phát động "Chiến dịch Tin" với thông điệp "Tin trên mạng, tin cho đúng". Cũng từ hơn hai năm trở lại đây, Báo Nhân Dân mở chuyên mục "Chống tin giả" trên trang nhandan.vn, nhận được sự chia sẻ, đánh giá tích cực từ đông đảo bạn đọc. Đây là những động thái tích cực và cần thiết, góp phần hỗ trợ cộng đồng nhận thức rõ trách nhiệm trong việc cung cấp, chia sẻ, đăng tải thông tin trên mạng.

Công tác truyền thông, ứng phó, phòng tránh tin giả trong bối cảnh mới này cũng cần được chính các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động hơn nữa bằng cách cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định của pháp luật.