Câu chuyện sân cỏ

Cái giá của một biểu tượng

Thế giới bóng đá luôn nhắc đến khái niệm Biểu tượng. Họ là những siêu sao, những nhân vật huyền thoại từng tạo nên dấu ấn lịch sử. Những con người ấy được tôn sùng và là niềm cảm hứng không thể đo đếm. Tuy nhiên, khi bóng đá là một ngành công nghiệp, biểu tượng cũng có giá của nó.
0:00 / 0:00
0:00
Zlatan Ibrahimovic cuối cùng cũng phải cúi đầu trước quy luật thời gian.
Zlatan Ibrahimovic cuối cùng cũng phải cúi đầu trước quy luật thời gian.

1. Cuối cùng thì Zlatan Ibrahimovic cũng vẫn phải thua thời gian. Người đàn ông từng được coi là kẻ ngạo mạn, "tinh vi" nhất thế giới bóng đá từng nói cách đây 1 năm rằng: "Tuổi chỉ là cái con số vớ vẩn và tôi sẽ chơi bóng đến khi người ta đuổi tôi đi". Và rồi, chẳng có ai đuổi Zlatan cả. Anh tự đưa ra quyết định giải nghệ ở tuổi 41 và 8 tháng, cái tuổi mà nhiều cầu thủ đã làm HLV được nhiều năm, tóc đã bạc, bụng đã phệ to như cái trống, thậm chí đi lại còn khó khăn và họ chỉ tham gia đá bóng từ thiện dành cho các lão tướng.

Cơ thể Zlatan vẫn săn chắc 6 múi, vẫn cuồn cuộn cơ bắp với khát khao chiến đấu. Nhưng anh hiểu rằng, có những thứ không thể bước qua giới hạn, không thể đi ngược quy luật. Zlatan có thể coi mình như một vị Chúa, yêu cầu CLB PSG nếu muốn giữ anh lại thì thay biểu tượng tháp Eiffel bằng hình ảnh của anh, thậm chí tạo ra một định nghĩa từ cái tên Zlatan của mình trong từ điển tiếng Thụy Điển (có nghĩa là thành công). Nhưng Zlatan cuối cùng vẫn chỉ là một con người bình thường với bản năng kiêu ngạo cũng đến lúc phải cúi đầu trước số phận. Ngày chia tay sự nghiệp cầu thủ ở AC Milan, Zlatan đã làm cái điều anh không bao giờ làm: khóc. Nước mắt rơi, sự tuyệt vọng trong cuộc chiến đấu không cân sức với thời gian và có cả sự tự hào của một cầu thủ đến lúc này có thể được coi là biểu tượng vĩ đại của bóng đá thế giới đương đại.

Với sự ngông cuồng của mình, Zlatan vừa được yêu, vừa bị ghét. Cũng vì cá tính ấy mà Zlatan dừng lại ở một CLB lớn, từ chối mọi lời mời đầy mùi tiền ở Ả Rập, để dạo chơi trên sân và làm giàu. Zlatan cũng từng từ chối nhiều hợp đồng quảng cáo lớn chỉ vì... không thích, bỏ một CLB lớn vì... ghét ông HLV. Và cho đến ngày cuối cùng đời cầu thủ, bất kỳ ai kể cả những người ghét Zlatan cũng phải chững lại một giây trước giọt nước mắt của anh. Cái giá trị biểu tượng của Zlatan nằm ở đó.

2. Cùng ngày Zlatan nói lời giã từ bóng đá, Benzema cũng chia tay Real Madrid. Một biểu tượng kỳ vĩ của tình yêu, lòng trung thành và khát vọng cống hiến rời khỏi Bernabeu. Nơi đây từng có rất nhiều biểu tượng vĩ đại, mà gần đây ai cũng sẽ nhớ và nhắc đến S.Ramos, C.Ronaldo. Nhưng Ronaldo có lẽ chỉ là một siêu sao ở đây, một cầu thủ lớn tạo ra những kỳ tích cùng CLB với những kỷ lục cá nhân ở mức siêu thực. Còn nếu nói về tính biểu tượng thì Benzema mới xứng đáng được tôn vinh. Nhưng những biểu tượng ấy của Real đã đều đã ra đi theo cùng 1 cách, mà điểm đến của họ là rất nhiều tiền. Benzema sẽ rời Real sớm để đến Saudi Arabia với mức lương 200 triệu euro/năm, gấp gần chục lần mức lương ở Real.

Cách đây 2 thập kỷ, một cầu thủ được coi là biểu tượng của một CLB thì không chỉ dựa trên yếu tố thành tích. Mà trên hết là lòng trung thành, sự tận tụy, hay nói cách khác, họ là những cầu thủ 1 CLB. Như Totti, Giggs, Scholes, Puyol... Nhưng khi bóng đá trở thành công cụ truyền thông, là trò chơi kim tiền đặc biệt của những gã nhà giàu Ả Rập, mọi thứ đã thay đổi. Xavi, Ronaldo, Benzema, và sắp tới là rất nhiều ngôi sao khác nữa, họ sẽ nhận được những lời đề nghị mà gần như không thể từ chối.

Ai bảo Benzema hay Ronaldo không thể thi đấu đỉnh cao nữa? Họ hoàn toàn có thể chơi bóng trên đỉnh thế giới vài năm nữa, khác hẳn những thế hệ Beckenbauer, Pele từng sang Mỹ "truyền bá" bóng đá cách đây nửa thế kỷ. Vì thế, họ vẫn có thể là biểu tượng ở nơi họ ra đi và những biểu tượng ấy có cái giá rất rõ ràng: hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ euro.

Và cũng trong ngày Benzema, Zlatan chia tay đỉnh cao, Messi cũng rời bỏ PSG. Cái tên Messi là biểu tượng đương đại số 1 của cả thế giới, là huyền thoại sống được ngưỡng mộ trên toàn cầu. Nhưng ở PSG, anh ấy chỉ là một kẻ hứng chịu những lời chửi rủa. Ở Paris, Messi không phải là biểu tượng, không có chỗ đứng của một siêu sao. Thậm chí, Messi còn bị la ó ở các trận đấu, bất kể anh vẫn là người chơi hay nhất. Khái niệm biểu tượng rõ ràng không thể đồng nhất dù cá nhân đó được cả nhân loại tôn sùng. Nhưng ngoài Paris, Messi lại là một biểu tượng vô giá theo đúng nghĩa đen. 29 CLB Mỹ từng lên kế hoạch hùn tiền để đưa Messi về MLS thi đấu và trả lương cho anh với bất kỳ giá nào. Những tỷ phú dầu mỏ thậm chí còn đề nghị anh về với mức lương để trống cho Messi thoải mái viết vào đó con số mong muốn.

Tuy nhiên, Messi đáp lại là lời từ chối. Hàng trăm triệu, thậm chỉ cả tỷ euro không mua được anh. Messi liên hệ để trở lại Nou Camp, về với Barcelona, nơi người ta thật sự tôn sùng anh chỉ sau Chúa. Dĩ nhiên, mức lương Messi nhận được chỉ ở mức một ngôi sao, thậm chí còn thấp hơn cả ở PSG. Khi đó, giá trị biểu tượng của Messi đúng là vô giá.

3. Bóng đá hiện đại được nuôi sống bởi rất nhiều tiền. Bất kỳ ai cũng phải tuân theo mệnh lệnh của giá trị thực tế. Hoặc là tiền, hoặc là danh hiệu. Những biểu tượng bóng đá ngày càng ít đi, nhạt hơn và khái niệm ấy cũng dễ được chấp nhận hơn. Một cầu thủ trung thành, cũng đạt tới tầm vóc biểu tượng như H.Kane ở Tottenham cũng đã nhiều lần đòi ra đi và giờ đã sẵn sàng ra đi để tìm một danh hiệu, một nhu cầu chính đáng suốt cuộc đời một cầu thủ. Anh vẫn sẽ là một huyền thoại ở Tottenham mà thôi. Nhưng giá trị biểu tượng của Kane được định hình rõ ràng: một danh hiệu!

Song, ở một chiều kích khác. M.Reus một đời gắn bó với Dortmund, từ chối mọi lời mời từ cả chục CLB khổng lồ, bất chấp những danh hiệu luôn né tránh. Reus từ lâu đã được coi là biểu tượng đương đại của Dortmund, bất chấp anh chẳng có gì ngoài một mức lương "hẻo" so với tầm vóc và hai bàn tay trắng. Giá trị biểu tượng của Reus là lòng trung thành, tình yêu và niềm cảm hứng.

Thế mới nói, những biểu tượng luôn có cái giá của nó...

Cái giá của một biểu tượng ảnh 1

Ở PSG, Messi chỉ là một kẻ luôn phải hứng chịu những lời la ó. Ảnh trong bài: GETTY