Mạch trẻ của nhà thơ

Tác phẩm của nhà thơ Trần Quang Quý (1955-2022) sẽ còn tiếp tục được cảm nhận, chắt lọc để trân trọng, tôn vinh. Trên đường sáng tạo của mình, ông góp phần gieo tiếng nói cổ vũ cho việc đổi mới thơ ca, không bằng lòng với những gì đã có, không đồng ý với sự thỏa mãn và chậm chạp.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thơ Trần Quang Quý (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng nghiệp trong một dịp kỷ niệm Khoa viết văn - báo chí Trường đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường viết văn Nguyễn Du, ông từng học khóa II, 1983-1985).
Nhà thơ Trần Quang Quý (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng nghiệp trong một dịp kỷ niệm Khoa viết văn - báo chí Trường đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường viết văn Nguyễn Du, ông từng học khóa II, 1983-1985).

Nhà thơ Trần Quang Quý có quãng thời gian tham gia công tác Hội Nhà văn Việt Nam với vai trò ủy viên Ban nhà văn trẻ, vào hơn chục năm trước. Khi đó, là ủy viên của ban nhưng lớn tuổi hơn, đã có bề dày cầm bút và kinh nghiệm quản lý nên ông cùng với một ủy viên khác là nhà văn Phạm Ngọc Tiến vẫn luôn được trưởng, phó ban và các ủy viên khác như các nhà văn, nhà thơ Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Xuân Hà, Hữu Việt, Phan Huyền Thư, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp… mến trọng. Trước và sau Tết âm lịch năm 2019, các tác giả trẻ chúng tôi tham gia và chuẩn bị cho sân thơ trẻ - Văn Miếu Quốc Tử Giám, được mượn sân khấu của quán cà-phê Aladin trên hồ Tây để tập. Ông thường xuyên đến, trao đổi, góp ý nhiệt tình với một số câu thơ, tác giả trẻ, có lúc ông đọc bài thơ mới. Những buổi tập trở thành cuộc sinh hoạt nghề nho nhỏ thú vị.

Tôi quan sát, nhiều năm qua, ông lưu tâm đến lớp người cầm bút trẻ, không chỉ khi làm công tác Hội, cũng không ở vị trí đứng ngoài nhìn mà đến với họ như người đồng hành. Khi Câu lạc bộ Văn trẻ Hà Nội thuộc Ban nhà văn trẻ của Hội Nhà văn

Hà Nội được thành lập và tổ chức một số cuộc sinh hoạt, ông cùng tham dự, phát biểu, trao đổi với các bạn với tư cách đồng nghiệp. Giúp báo Lao động cuối tuần tổ chức trang thơ một số năm, ông giới thiệu nhiều chùm thơ của các nhà thơ, tác giả trẻ. Dự một số tọa đàm, hội nghị về thơ văn trẻ, cả khi trả lời phỏng vấn của truyền hình, ông có cái nhìn thẳng thắn và góp ý chân thành.

Có mối gần gũi đó với những người trẻ không chỉ bởi sự lao động nghề nghiệp nhiệt thành, mà còn ở ý thức đổi mới thơ của nhà thơ Trần Quang Quý. Ở giai đoạn rất sung sức với các tập thơ “Giấc mơ hình chiếc thớt” (2003), “Siêu thị mặt” (2006)…, ông tích cực làm mới mình. Suốt những tháng năm về sau, những sáng tạo hình ảnh phóng khoáng của ông với nhiều suy tư về thời cuộc, nhân thế lại càng thấm đượm và biến hóa từ mạch chảy và những tín hiệu văn hóa truyền thống, hình bóng và biểu tượng quê hương, tình cảm quê nhà và ký ức làng mạc. Một phần bởi thế, cùng với những người bạn, người đồng nghiệp tích cực đổi mới khác như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn…, ông hiểu hơn, quý hơn đối với những người trẻ sáng tạo và có tiếng nói khích lệ họ.

Trần Quang Quý như không muốn dành cho mình sự nghỉ ngơi, cùng với thơ, ông viết bút ký, truyện ngắn, từng có truyện dài và cả tiểu thuyết. Tất nhiên, ông ghi tên với cuộc đời bằng thơ. Dăm bảy năm lại đây, thời gian cuối công tác và rời NXB Hội Nhà văn, ông còn chịu khó ngẫm ngợi, tạo ra hàng loạt những bài thơ gồm năm câu mà sau ông tự gọi là “Namkau” như một kiểu thơ, thể thơ mới, riêng, thậm chí chọn lựa để in sách. Thậm chí nữa, là cùng một số nhà thơ, bạn thơ thành lập hẳn Câu lạc bộ thơ Namkau để cùng nhau sáng tạo trên mô hình mới khá thách thức này. Bởi chỉ trong năm câu thơ, phải làm gì để nói cho được điều tâm đắc, nung nấu của mình. Tất nhiên đó vẫn đang là sự thử nghiệm, khám phá, nhưng như vậy để thấy những nao nức không dừng của thi nhân trong cuộc đòi hỏi biến hóa bản thân mình. Cũng như nhà thơ Mai Văn Phấn sau rất nhiều năm tháng từ thơ vần, thơ lục bát đến thỏa sức với thơ tự do, có quãng thời gian tập trung vào kiểu thơ ba câu khá thú vị mà ông coi là sáng tạo riêng, không đồng nhất với thể thơ haiku của Nhật Bản. Cũng như, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sau nhiều năm sáng tạo cuồng nhiệt với các bài thơ tự do, lại muốn tiếp tục thử sức với thể loại lục bát, chất chứa những ý tưởng sôi nổi vào khuôn hình của những cặp câu vần điệu nhịp nhàng, mong sao làm mới lục bát hơn.

Đó, ngẫm lại, đều là những đắm say của việc đòi hỏi chính mình, không tự bằng lòng với mình, dù có thể thời kỳ đỉnh cao đã ở lại phía sau. Thậm chí đỉnh cao ở sau hay có thể vẫn còn chờ đợi phía trước, với những người như thế, cũng không quan trọng nữa, quan trọng là được sáng tạo.

Mấy năm trị bệnh vừa qua, nhà thơ Trần Quang Quý vẫn viết thường xuyên. Sau những lần vào viện, ông lại tiếp tục làm việc, trao đổi, chia sẻ sáng tác với các đồng nghiệp, trên trang cá nhân. Ngay trong những tháng vừa rồi, ba tập thơ của ông - “Những nẻo người”, “Miền tỏa bóng”, “Những sắc màu đa thức” vẫn nối nhau hiện diện từ NXB Hội Nhà văn như chặng bứt phá cuối cùng của cuộc chạy đua với thời gian suốt cả một đời văn. Tôi làm sao quên được hình ảnh gần những ngày cuối, ông nằm trên giường bệnh với tấm chăn chiếm diện tích còn lớn hơn thân người, giơ tập thơ mới lên ký để gửi tặng bạn bè.