Lắng nghe tiếng của "chứng nhân"

Cây xanh được ví như con người, có sinh lão bệnh tử. Nhiều cây trở thành "chứng nhân" cho những bước thăng trầm của lịch sử, là chỗ dựa tinh thần của người dân địa phương. Để cổ thụ được gìn giữ, bảo tồn, con người cần hiểu, lắng nghe, từ đó cùng tôn bồi những giá trị và chung sống tốt hơn trong môi trường hài hòa, bình yên.
Cây xanh ở thành phố Trà Vinh luôn được nâng niu, bảo vệ. Ảnh: Trần Lưu
Cây xanh ở thành phố Trà Vinh luôn được nâng niu, bảo vệ. Ảnh: Trần Lưu

Nhắc đến thành phố Hải Phòng là nghĩ đến thành phố của hoa phượng, hay về thành phố Trà Vinh thì không thể không ngắm những dáng me cổ thụ. Thủ đô Hà Nội cũng có thật nhiều cổ thụ, những "lão" cây hàng chục, thậm chí trăm năm đứng trong nắng mưa, đã đi vào thơ ca, nhạc, họa. Người dân yêu cổ thụ, bởi mỗi dáng cây trên những con đường, đoạn phố chẳng những làm duyên, tạo nên "nhan sắc" của phố, mà còn biểu hiện một thứ ngôn ngữ kỳ diệu. Có góc phố như bức tranh tả thực, mỗi chi tiết được chăm sóc tỉ mỉ; nơi lại như bức tranh siêu thực mà cổ thụ đã phô diễn "hình thể" một cách điệu nghệ, vượt xa sự tưởng tượng của con người.

Thành phố Trà Vinh không phải là đô thị nhiều cổ thụ nhất, nhưng nơi đây, mỗi dáng cây đều rất được người dân cưng chiều, có bộ "lý lịch" hoàn hảo từ tuổi đời, nguồn gốc, vị trí, định kỳ phun thuốc, cắt tỉa, quá trình phát triển… Trên mỗi thân đều không bị đinh, vít đóng vào, cũng không có biển quảng cáo được treo, nên cổ thụ được thoải mái tỏa bóng mát. Hệ thống cây được "bồi bổ" thường xuyên, và hơn hết là sự cộng sinh với con người. Chính quyền và người dân đều coi cây xanh là một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, như thành viên trong gia đình. Bởi thế, khi đi trên đường ở thành phố Trà Vinh, mỗi người đều có cảm giác cả đô thị nằm gọn trong rừng cổ thụ.

Ông Lê Huy Cường, thành viên Hội đồng Cây Di sản (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), là một người đã có nhiều năm thường xuyên đi điền dã ở các địa phương, tham quan hầu hết thành phố trên cả nước, nghiên cứu, chụp ảnh để có thông tin về cổ thụ, làm hồ sơ, công nhận Cây Di sản Việt Nam. Theo ông, việc công nhận Cây Di sản Việt Nam là cần thiết, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, nhất là ở các đô thị, trong việc bảo vệ, bảo tồn cổ thụ. "Ở Việt Nam, các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh là những địa phương đã quan tâm đến bảo tồn, gìn giữ cổ thụ nói chung, cổ thụ đô thị nói riêng. Chúng tôi hy vọng, điều đó sẽ được lan tỏa đến các địa phương khác", ông Cường nhấn mạnh.

Trong quá trình đô thị hóa, xây dựng hạ tầng giao thông, nhiều cổ thụ, cây lâu năm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã bị đốn hạ. Nhiều chuyên gia đã nêu ý kiến về việc xây dựng và phát triển đô thị là vô cùng cần thiết, song vẫn phải tính toán phương án bảo vệ cổ thụ. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, tư duy quản lý đô thị phải được nâng tầm, chú trọng yếu tố cây xanh khi xét duyệt dự án. Nếu chưa tạo được mảng xanh mới thì cần bảo vệ những cây xanh hiện hữu. Các Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng cần phối hợp để đánh giá thực trạng đô thị, trong đó nên nghiêng về phương án không chặt cây trước khi phê duyệt hồ sơ các dự án.

Sau nhiều năm nghiên cứu môi trường, đa dạng sinh học, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, chia sẻ với chúng tôi quan điểm: Cổ thụ được ví như những người khổng lồ xanh với tuổi đời hàng trăm năm, không chỉ là biểu tượng của sức mạnh và sự sống mãnh liệt mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Bởi thế, con người hôm nay phải lắng nghe, hiểu hơn về cổ thụ để có hành động cụ thể, điều đó cũng là chung tay cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Siêu âm cây, phát hiện trước rủi ro gãy đổ

Trước thực trạng trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ cây xanh ngã đổ, gây thiệt hại về người và tài sản, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo khẩn trương rà soát, xác định rõ nguyên nhân xảy ra sự cố và trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan. Thành phố cũng giao các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra toàn diện về khả năng bảo đảm an toàn của hệ thống cây xanh đô thị; xử lý kịp thời những trường hợp cây xanh có nguy cơ gãy đổ gây mất an toàn. Theo ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đang đưa loại xe nâng, có cần cẩu cao 35-40m để tổ chức cắt, thu gọn cành nhánh có dấu hiệu mục ruỗng, nguy hiểm trên đường phố, trong các công viên. Nhiều chuyên gia khuyến nghị, cần có thêm giải pháp như đưa thiết bị siêu âm cây vào quá trình kiểm tra sức khỏe của cây để có thể phát hiện sớm được rủi ro và có biện pháp xử lý kịp thời, ưu tiên xử lý trước các cây ở công viên, trường học, bệnh viện.

QUANG QUÝ (thực hiện)