Thu hẹp đà giảm
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%. Nhìn tổng thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 giảm 7,6% so cùng kỳ năm trước. Nhưng, nếu so các tháng như tháng 5 (tăng 4,3%); tháng 6 (tăng 4,5%); tháng 7 (tăng 0,8%) thì mức tăng của tháng 8 là rất khả quan.
Trong tám tháng năm 2023, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có năm mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, chiếm 58,4% (điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giày dép).
Về cơ cấu hàng xuất khẩu tám tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,82 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 201,31 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 17,87 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản đạt 5,71 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so tháng trước. Tám tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so cùng kỳ năm 2022. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đang tăng dần, với nhóm hàng chính là tư liệu, phụ tùng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
Về thị trường tám tháng năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 xuất siêu 3,82 tỷ USD. Tính chung tám tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD).
Xuất nhập khẩu hàng hóa tám tháng năm 2023, so cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Ðẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới
Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, đà giảm tiếp tục được thu hẹp, nhiều ngành hàng đã có các đơn hàng trở lại là điều hết sức vui mừng sau chuỗi suy giảm dài, cả chiều xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Trong bức tranh mầu xám của kinh tế thế giới, sự phục hồi này là kết quả của việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp của Nhà nước nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, là tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Một yếu tố không thể không nhắc tới, chính là sự nỗ lực, vượt khó của các doanh nghiệp trong việc tiết giảm chi phí sản xuất để gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng đối tác,…
"Lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp đang tăng trở lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 tăng 2,9% so tháng trước là dấu hiệu để chúng ta lạc quan về xuất khẩu hàng hóa sẽ khởi sắc trong những tháng tới, đặc biệt là mặt hàng điện tử, máy tính, linh kiện, đồ gỗ, dệt may, rau quả", PGS, TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương nhận định xuất khẩu những tháng tới có nhiều triển vọng. Việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu Việt Nam. Đức đang tìm kiếm các nhà cung cấp từ Việt Nam nhiều hơn. Thêm một thuận lợi khác cho xuất khẩu các tháng cuối năm là nền kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự kiến. Với lượng lớn hàng tồn kho được giải phóng, sức mua tại thị trường quan trọng này sẽ dần phục hồi, nhất là nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2023,… là những yếu tố giúp cải thiện mức tiêu thụ hàng hóa Việt Nam.
Với mục tiêu tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đang tích cực triển khai các giải pháp, như: doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán phí, lệ phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng hình thức trực tuyến, thay vì phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nộp phí. Tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hằng tháng giữa các cơ quan của bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và bộ, ngành liên quan để cập nhật thông tin, nhu cầu, cũng như quy định mới của thị trường. Tiếp tục đàm phán và ký kết các FTA với các đối tác tiềm năng khác để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Chuẩn bị cho chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" (Viet Nam International Sourcing 2023) sắp diễn ra, với kỳ vọng tìm kiếm đối tác nhập khẩu hàng Việt. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics; đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới,…
Xuất phát từ việc xác minh năng lực của đối tác đang là vấn đề khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp, các chuyên gia khuyến nghị, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy hơn nữa vai trò vị trí tiền tiêu để hỗ trợ doanh nghiệp thẩm định năng lực của doanh nghiệp đối tác. Về phía doanh nghiệp, cần nắm rõ các cam kết, quy tắc của các FTA mà Việt Nam đang là thành viên và chú trọng tính chặt chẽ trong nội dung, điều khoản hợp đồng ký kết. Bên cạnh đó, bảo đảm chất lượng hàng hóa, tăng cường các sản phẩm gắn với tiêu chí sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững. Đây là một trong những tiêu chí hàng đầu đang được nhiều thị trường áp dụng và cũng là xu hướng nhiều thị trường đang hướng tới, đặc biệt là các nước châu Âu.