Chủ động đón dòng vốn FDI chất lượng cao

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam tiếp tục khởi sắc trong nửa đầu năm 2024, chất lượng dòng vốn FDI cũng tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi không ngừng, Việt Nam cần chủ động đưa ra chính sách hỗ trợ có tính đột phá cao nhằm bảo đảm vị thế cạnh tranh, thu hút các doanh nghiệp FDI có chất lượng, có tác động lớn đến kinh tế-xã hội.
Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp FDI đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam là động lực thu hút thêm nhiều dự án FDI lớn, chất lượng cao. Ảnh: Hải Nam
Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp FDI đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam là động lực thu hút thêm nhiều dự án FDI lớn, chất lượng cao. Ảnh: Hải Nam

“Sóng” đầu tư công nghệ, chip bán dẫn đang lên…

Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến cuối tháng 7/2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2023. Trong bảy tháng năm 2024, cả vốn đầu tư đăng ký và vốn thực hiện tiếp tục tăng so cùng kỳ, với mức tăng lần lượt là 10,9% và 8,4%. Đặc biệt, vốn giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong bảy tháng của 5 năm (2020-2024).

Ngay đầu tháng 7/2024, một phái đoàn của Tập đoàn NVIDIA đã đến Thành phố Hồ Chí Minh để khảo sát và trao đổi khả năng hợp tác trong thời gian tới. Tương tự, Tập đoàn Marvell - doanh nghiệp chuyên thiết kế chip của Mỹ, cũng đã mở rộng các trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam. Cụ thể, giữa tháng 5/2024, Marvell đã công bố mở thêm một trung tâm thiết kế chip tại thành phố Đà Nẵng. Đây là bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu phát triển trung tâm thiết kế vi mạch đẳng cấp thế giới tại Việt Nam. Tập đoàn này cũng đang chuẩn bị mở thêm trung tâm thiết kế thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực tế, đang có làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam được hình thành từ nhu cầu gia tăng đầu tư mạnh mẽ của các đối tác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ... Thí dụ, trong chính sách “hướng nam” của Hàn Quốc, Việt Nam là số 1 và nhà đầu tư Hàn Quốc ra quyết định rất nhanh, chỉ riêng Samsung đã mở rộng đầu tư lên quy mô 22 tỷ USD cho các dự án tại Việt Nam.

Sau khi đạt những kỳ tích vào năm 2023, thu hút đầu tư FDI của các tỉnh, thành phố phía bắc như: Bắc Giang, Quảng Ninh hay Hà Nội có vẻ chậm lại thì tỉnh Đồng Nai vẫn là một trong những địa phương hút mạnh dòng vốn FDI mới. Ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng vốn FDI thu hút trong bảy tháng năm 2024 vào Đồng Nai ước đạt 1,019 tỷ USD (tương ứng đạt 146% kế hoạch năm). Các dự án FDI cấp phép mới chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử…

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kết quả khảo sát mới đây cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư FDI đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Nhờ đó, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 đạt ở mức 39-40 tỷ USD. Đây là minh chứng rõ nét về niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp FDI đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam, đồng thời là động lực thu hút thêm nhiều dự án lớn, là điều kiện để đón “sóng” đầu tư FDI chất lượng cao thời gian tới.

Ngoài “thảm đỏ”, cần thêm những động lực đột phá

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang rộng mở tựa như thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO (năm 2008). Dù vậy, Việt Nam cũng đang gặp không ít thách thức để thu hút các dự án công nghệ cao, các tập đoàn lớn khi mà cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư không chỉ xảy ra trong khu vực mà ngay cả các nước phát triển. Đặc biệt, vấn đề nhân lực công nghệ cao được xem là một thách thức không nhỏ.

Nhìn lại những năm qua, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ, phần lớn số vốn FDI đăng ký tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn. Trong khi không gian phát triển của các trung tâm kinh tế lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội thu hẹp dần nên sẽ đến ngưỡng không thu hút được đầu tư công nghiệp.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, dù thu hút FDI vẫn tăng trưởng, nhưng số lượng các dự án quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn. Việc mở rộng của một số dự án công nghệ cao cũng có dấu hiệu tạm ngừng, một số doanh nghiệp đã thông báo chính thức về việc đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam, như: Intel, LG… Ngoài ra, một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng không lựa chọn Việt Nam hoặc lựa chọn chờ đợi nhằm theo dõi phản ứng chính sách. Do đó, Chính phủ cần có những đánh giá, xem xét cụ thể để biết chính sách nên thay đổi như thế nào cho phù hợp.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất ổn và thách thức, các quốc gia đang cạnh tranh gay gắt nhằm thu hút đầu tư, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho rằng, để thu hút FDI chất lượng cao, Việt Nam phải có những chính sách ưu đãi cao và hỗ trợ ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, sản xuất chip bán dẫn. Ngoài “thảm đỏ”, cải cách thủ tục hành chính cũng cần phải thực hiện một cách quyết liệt, triệt để hơn, tránh nhũng nhiễu làm giảm lòng tin của nhà đầu tư. Chính sách đầu tư cần thông thoáng hơn, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần làm tốt hơn, và sớm nâng chất lượng nguồn nhân lực.

Chia sẻ về vấn đề này, ngoài việc cần phải nhanh chóng phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối sân bay, cảng biển, các tỉnh, thành phố lớn với các trung tâm công nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính để tạo động lực bứt phá. Từ đó, nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam so các nước trong khu vực, tác động tích cực hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Đồng thời, thể hiện rõ tinh thần rộng mở và đồng hành của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi.