Hội thảo “Động lực mới, cơ hội, thách thức từ Luật Đất đai 2024 và các Luật liên quan” vừa được Tạp chí Thương gia tổ chức sáng 15/8 tại Hà Nội dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA).
Trong khuôn khổ hội thảo, ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành đồng bộ ba luật quan trọng với đầy đủ các nghị định thông tư, văn bản hướng dẫn kèm theo, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, đến thời điểm này, chúng ta đã ban hành đúng, đủ và cần thiết, đồng thời đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là tiền đề để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội chia sẻ ý kiến tại hội thảo. Ảnh: PV |
Về Luật Đất đai 2024, theo ông Phan Đức Hiếu, có năm nhóm nội dung cơ bản gồm: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; Tiếp cận đất đai giúp thị trường minh bạch công bằng; Nâng cao hiệu quả sử dụng đất; Chính sách tài chính đất đai; Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Đặc biệt, về vấn đề tiếp cận đất đai, ông Hiếu cho rằng, hiện chúng ta đã có cách tiếp cận đất đai ưu việt hơn, thuận lợi hơn nhưng cũng chặt chẽ hơn, tránh phiến diện, một chiều khi đưa ra cái nhìn tổng thể ở cả ba khía cạnh: chủ thể, loại dự án, loại đất. Muốn có đất để sản xuất kinh doanh có ba hướng: Nhà nước thu hồi đất; chuyển mục đích sử dụng đất và nếu Nhà nước không thu hồi phải thỏa thuận. Về vấn đề này, Ban soạn thảo luật và Chính phủ đã rà soát để bảo đảm không trùng lắp, không có độ vênh, không có khe hở.
Quan điểm “thị trường, minh bạch, công bằng, toàn diện” đã được Luật Đất đai 2024 thể hiện rõ. Thị trường là gì? Có đất để sản xuất chủ yếu qua công cụ thị trường là đấu giá, đấu thầu, chuyển nhượng, chuyển đổi… đất đai, trường hợp chỉ định là rất hiếm. Từ những cơ chế đó, cũng đã thể hiện được sự minh bạch, việc chỉ định cũng được Luật quy định rõ. "Thị trường công bằng và toàn diện, là tập trung toàn bộ vào các loại hình bất động sản, chứ không xoay quanh một phân khúc cụ thể", ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất. Ảnh: PV |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, việc thêm một số điểm mới trong Luật Đất đai 2024 sẽ tác động khá nhiều đến các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, đặc biệt là chủ đầu tư dự án bất động sản cần lưu ý về phương thức tiếp cận đất đai, nhất là lưu tâm đến hoạt động đấu giá và đấu thầu. Trong đó, với trường hợp, giao đất, cho thuê đất không đấu giá, nếu Nhà nước giao đất không thu tiền thì các doanh nghiệp phải chú ý rằng, luật quy định những trường hợp cho thuê đất mà miễn tiền thuê đất một số năm để xây dựng cơ bản thì nhà nước giao đất có chỉ định. Đặc biệt, ông Chính lưu ý, nếu miễn toàn bộ thời gian thuê đất thì mới được xem là miễn. Trường hợp trừ một số năm hoàn thiện dự án sau đó được miễn một số năm thì chỉ nên xem là giảm tiền thuê đất…
Ngoài ra, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, với những chính sách cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc ba bộ luật quan trọng cùng có hiệu lực đồng thời không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Đồng thời, tạo ra các chính sách được thiết kế để xử lý mâu thuẫn, chồng chéo và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, giúp tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch và nhất quán trong tổ chức thực hiện, đồng thời giảm rủi ro pháp lý đối với doanh nghiệp và người dân.