Tình hình kinh tế-xã hội

Duy trì xu hướng tích cực, tạo đà cho tháng tiếp theo

Trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, từ đầu năm đến nay, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ nhằm đạt kết quả cao nhất cho những mục tiêu đề ra. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và bảy tháng năm 2024 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
Trong bảy tháng năm 2024, chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so cùng kỳ năm trước.
Trong bảy tháng năm 2024, chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/7, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2024 ước tính tăng 0,7% so tháng trước và tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, so cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,1%; riêng ngành khai khoáng giảm 7,0%...

Tính chung bảy tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%), trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%), đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,4%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,2%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%), làm giảm 0,9 điểm phần trăm.

Duy trì xu hướng tích cực, tạo đà cho tháng tiếp theo ảnh 1

Nguồn: TCTK

Trong bảy tháng năm 2024, chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so cùng kỳ năm trước, gồm: sản phẩm từ cao-su và plastic tăng 28,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,5%; hoá chất và sản phẩm hóa chất tăng 17,3%; khai thác quặng kim loại tăng 15,0%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,0%; kim loại tăng 12,8%; thiết bị điện tăng 12,5%; dệt và sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí cùng tăng 12,4%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,1%; chế biến thực phẩm tăng 7,4%.

Ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm là khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 2,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,8%; khai thác than cứng và than non giảm 1,3%... Báo cáo của Tổng cục Thống kê ghi nhận, chỉ số sản xuất công nghiệp bảy tháng năm 2024 so cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Cụ thể, một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bảy tháng năm 2024 so cùng kỳ năm trước tăng cao là: Lai Châu tăng 43,1%; Phú Thọ tăng 38,4%; Bắc Giang tăng 27,5%; Bình Phước tăng 17,1%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Điện Biên tăng 8,8%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao, gồm: Khánh Hòa tăng 258,5%; Lai Châu tăng 66,4%; Cao Bằng tăng 62,1%; Điện Biên tăng 51,8%; Sơn La tăng 35,2%; Thanh Hóa tăng 33,0%; Phú Thọ tăng 15,3%. Một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bảy tháng năm 2024 so cùng kỳ năm trước tăng thấp là: Cà Mau tăng 1,5%; Gia Lai tăng 0,3%. Địa phương có chỉ số sản xuất giảm là Hà Tĩnh giảm 8,0%; Quảng Ngãi giảm 4,2%...

Về tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tại thời điểm ngày 1/7/2024 tăng 0,9% so cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,3% so cùng thời điểm năm trước. Cụ thể, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và tăng 1,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,5% và tăng 0,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,2% và tăng 4,3%.

Trong khi đó, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2024 ước tăng 8,2% so tháng trước; tính chung bảy tháng năm 2024 ước đạt 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam bảy tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước.

Duy trì xu hướng tích cực, tạo đà cho tháng tiếp theo ảnh 2

Nguồn: TCTK

Thu ngân sách Nhà nước bảy tháng năm 2024 ước tăng 14,6% so cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2023, bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Đây là những điều kiện thuận lợi, tạo nền tảng để sản xuất công nghiệp nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Cẩn trọng với mục tiêu điều hành lạm phát

Tuy nhiên, cũng theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so tháng trước. Đây là mức tăng khá cao và lý do là vì trong tháng qua, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới. Trong khi đó, so tháng 12/2023, CPI tháng 7/2024 tăng 1,89% và với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%. Như vậy, bình quân bảy tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so cùng kỳ năm trước, và có chiều hướng tiếp tục nhích lên.

Duy trì xu hướng tích cực, tạo đà cho tháng tiếp theo ảnh 3

Nguồn: TCTK

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, việc CPI tháng 7/2024 tăng khá cao so cùng kỳ năm trước và bình quân bảy tháng nhích lên, dần tiến tới ngưỡng 4,5% là điều đáng lưu ý. Bởi theo Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 đã được Quốc hội quyết nghị, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay được đặt ra ở mức 4-4,5%. Tuy nhiên, Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm phát ở ngưỡng dưới (4%) của mục tiêu này. Rõ ràng thực tế cho thấy, vẫn phải cẩn trọng với mục tiêu điều hành lạm phát trong năm nay.

Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 7/2024, Tổng cục Thống kê cho biết, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; riêng nhóm bưu chính viễn thông ổn định giá. Trong các nhóm hàng hóa tăng giá, đáng chú ý, Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng tới 3,77%. Nguyên nhân chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45%, khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, Nhóm giao thông tăng 1,45%, làm cho CPI chung 0,14 điểm phần trăm, chủ yếu do giá dầu diezel tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55%. Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng còn lại bao gồm Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 0,5%); Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,26%); Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,14%); Nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,13%). Cùng với đó, Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,03%; Nhóm giáo dục tăng 0,02%...

Riêng nhóm bưu chính-viễn thông giữ mức giá ổn định, do các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiếp tục thực hiện chương trình khuyến mại, kích cầu mua sắm. Đây là xu hướng rất đáng chú ý, khi mà trong rổ hàng hóa tính CPI, chỉ duy nhất nhóm bưu chính-viễn thông ổn định giá, tất cả các nhóm hàng hóa khác đều tăng.

Duy trì xu hướng tích cực, tạo đà cho tháng tiếp theo ảnh 4

Do tác động từ nhiều yếu tố, giá cả của hầu hết các nhóm hàng hóa đều tăng từ ngày 1/7/2024. Ảnh: Minh Anh

Ở góc độ khác, theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tháng 7/2024 lạm phát cơ bản tăng 0,36% so tháng trước, tăng 2,61% so cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân bảy tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%). Nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản. Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 7/2024 giảm 0,12% so tháng trước; tăng 18,11% so tháng 12/2023; tăng 29,39% so cùng kỳ năm trước; bình quân bảy tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 24,77%...