Tín dụng tăng trưởng khả quan
Từ mức trăng trưởng âm (-) trong hai tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đã khởi sắc trở lại và đạt mức tăng trưởng 6% tính đến cuối tháng 6/2024. Cụ thể, theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tính đến ngày 30/6/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so cuối năm ngoái. So dư nợ tín dụng đến cuối năm 2023 ở mức 13,569 triệu tỷ đồng, số tiền đã được bơm thêm vào nền kinh tế trong nửa đầu năm nay là hơn 810 nghìn tỷ đồng.
Theo bà Giang, tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, tín dụng xanh,... Tín dụng ở các khu vực đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong đó lĩnh vực ưu tiên tăng cao so mặt bằng chung của nền kinh tế, như: lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%...
Cũng nhờ đó, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã đạt mức khả quan. Cụ thể như tại VietinBank, tính đến ngày 30/6/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 6,7% và tính đến ngày 23/7 đã đạt 7%, với chất lượng tín dụng tốt, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các gói tín dụng do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra.
Tương tự, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Agribank đã tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm-nông-thủy sản từ 3.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng và doanh số cho vay đạt 7.183 tỷ đồng với hơn 5.000 lượt khách hàng được giải ngân. Đặc biệt, Agribank đã có bốn lần giảm lãi suất cho vay, với sàn lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm.
Không ngoại lệ, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng có đà tăng trưởng tín dụng mạnh. Đơn cử trường hợp của ACB. Kết quả hoạt động kinh doanh của ACB trong sáu tháng đầu năm 2024 là khả quan. Tính đến ngày 30/6/2024, tín dụng của ngân hàng này đã tăng 12,4%, cao hơn gấp đôi mức tăng trưởng của ngành (6%)…
Và không quá bất ngờ khi tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2024, ngày 24/7 vừa qua, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tốt trong sáu tháng đầu năm đã kiến nghị được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét cấp thêm chỉ tiêu tín dụng.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, do tín dụng thường có xu hướng tăng cao vào nửa cuối năm và sụt giảm trong những tháng đầu năm nên đây là hiện tượng bình thường. Nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng này được duy trì, khả năng tín dụng cả năm đạt 15% không phải là mục tiêu bất khả thi.
Lãi suất huy động bắt đầu tăng trở lại
Đánh giá cao việc nhiều ngân hàng có hoạt động kinh doanh đang có sự khởi sắc trong sáu tháng đầu năm, song TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vẫn thẳng thắn chỉ rõ, hiện thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng. Thực tế, một số ngành sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước vẫn còn khó khăn, nhiều phương án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi... khiến cho nợ xấu có nguy cơ tăng cao.
Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Kinh tế-Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, tín dụng không nên cứ tăng đều đặn ở mức 15%/năm, mà cần giảm dần. Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất thế giới, cho nên ngay cả khi tín dụng năm nay không đạt mức tăng trưởng 15%/năm thì cũng không có gì đáng quan ngại. Việt Nam cần kéo giảm con số này và giảm dần phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Mặt khác, trong bối cảnh tín dụng trên đà tăng, các ngân hàng thương mại đang tính toán, chuẩn bị dự trữ thanh khoản và tăng nhẹ lãi suất huy động một số kỳ hạn. Động thái này của nhiều ngân hàng đang là tâm điểm đáng chú ý trên thị trường tiền tệ và đang có xu hướng lan rộng. Đơn cử, ACB vừa có thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động trực tuyến, với mức tăng khoảng 0,2% với các kỳ hạn từ 1-3 tháng. Theo đó, tiền gửi dưới 200 triệu đồng được ACB huy động với lãi suất kỳ hạn từ 1-3 tháng lần lượt được niêm yết ở mức: 2,5%; 2,7%; 2,9%/năm.
Tương tự, Bac A Bank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, với mức tăng từ 0,15-0,4%/năm. Theo biểu lãi suất huy động mới nhất do Bac A Bank ban hành, áp dụng cho tài khoản tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 1-11 tháng đồng loạt tăng 0,15%/năm.
Trước đó, một loạt ngân hàng cũng đã quyết định tăng lãi suất huy động như: MSB, VPBank, KienlongBank, OceanBank, PVComBank,...
Trong khi đó, diễn biến tại thị trường liên ngân hàng cho thấy nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đang có xu hướng gia tăng. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng hiện đã lên mức 4,6%/năm. Đây là mặt bằng lãi suất cao hơn rất nhiều so "thời điểm đáy" hồi cuối tháng 3/2024, khi có lúc lãi suất qua đêm về chỉ còn… 0,13%/năm.
Nhận định về vấn đề này, ông Trịnh Bằng Vũ - Trưởng khối Cho vay bán lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng tỷ giá và chính sách lãi suất. Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động và động thái này có thể bắt đầu tác động từ quý IV/2024 lên lãi suất cho vay. Như vậy, để có thể duy trì mức lãi suất thấp như hiện nay và đẩy mạnh hoạt động tín dụng, các ngân hàng buộc phải tiếp tục thu hẹp tỷ suất lợi nhuận, tiết giảm chi phí hoặc giảm mục tiêu lợi nhuận cả năm…