Với tôi, tuổi thơ ở miệt U Minh Thượng (Kiên Giang) nơi đất trời giao thoa giữa cái nghèo và cái đẹp, gắn liền với hình ảnh trái bình bát, một loại trái dại nhưng lại mang lấy cả một trời kỷ niệm.
Ký ức về bình bát là ký ức đầu tiên mà tôi luôn gìn giữ. Vùng quê U Minh Thượng vào thời thơ ấu của tôi, cây bình bát mọc dại nhiều lắm. Chúng mọc nhiều bên bờ mương xen lẫn với những loài cây dại khác. Những ngày hè nắng nóng, bọn con nít chúng tôi thường tụ tập lại, chân đất lấm lem bùn nô đùa, miệng cười tươi không lo, không nghĩ. Cây bình bát cao chỉ bằng đầu chúng tôi, tán lá xanh thẫm. Trái bình bát khi còn tươi có mầu xanh, da sần sùi, khi trái chín vàng ươm lấp ló giữa những tán lá. Chúng tôi lần lượt ra hái, bẻ trái ra chia cho nhau và cứ thế cắn lấy ruột trái. Trái bình bát có hương thơm nhẹ, vị chua ngọt và cứ thế len lỏi vào từng kỷ niệm.
Thường những buổi chiều, chúng tôi rủ nhau ra bờ mương tìm trái bình bát. Cái niềm vui giản dị ngày ấy giờ thật khó có thể diễn tả bằng câu chữ. Trái bình bát không giống như những loại trái cây cao sang mà sau này tôi thấy nhiều ở thành phố. Bình bát mang một hương vị đặc trưng của tình quê mộc mạc, gần gũi và rất thân thuộc. Mỗi lần nhai, vị chua ngọt lan tỏa trong miệng như một lời nhắc nhở về những điều giản dị nhưng quý giá. Ngày ấy, chúng tôi ăn bình bát nuốt cả hột, cứ tưởng tượng như đó là món quà bất ngờ, quên mất rằng sau đó mỗi lần đi đại tiện lại là một cuộc “chiến đấu” không hề nhẹ nhàng. Ấy thế mà chúng tôi cứ thích ăn bình bát.
Để nâng tầm món ăn quê, bọn trẻ chúng tôi còn chấm bình bát với đường cát để cho vị ngọt nồng nàn hơn, hay dầm bình bát với đường cát vào cái ly hoặc tô rồi tìm ít đá đập nhuyễn hoặc đá bào cho thêm vào. Ăn bình bát kiểu này chẳng thua kém các món sinh tố của bất kỳ loại trái cây cao cấp nào.
Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh thằng Tí, con Diệu chờ đợi bà nội tôi đập cho cục nước đá từ cái thùng gỗ để trộn đều vào ly bình bát. Cảnh tất cả chúng tôi hớn hở cùng ăn, miệng cười, mắt nhắm hít, mãi mãi không thể xóa nhòa được. Thời gian dường như dừng lại trong những khoảnh khắc ấy. Chúng tôi không chỉ ăn bình bát, mà còn thưởng thức cả những giây phút hạnh phúc bên nhau. Mỗi miếng bình bát, mỗi muỗng đá đều mang theo một phần tuổi thơ, một phần hồn quê, một phần tình cảm của nội.
Thời gian trôi đi, tôi lớn lên và rời quê hương. Cuộc sống nơi phố thị với guồng quay vội vã khiến tôi quên đi nhiều thứ. Những loại trái cây tôi được ăn ở thành phố như nho, nhãn, măng cụt... cũng trở thành bình thường. Lâu rồi, tôi không ăn lại trái bình bát để thưởng thức vị chua chua, ngọt ngọt của nó. Thế nhưng, trong sâu thẳm, lòng tôi vẫn có một khoảng chứa đựng những ký ức tuổi thơ với quê hương, với bà nội, với trái bình bát...
Ai đó sẽ hỏi, tôi tìm cây bình bát để làm gì? Tôi sẽ thật tình nói: Tôi sẽ đứng cạnh bên cây bình bát lắng nghe tiếng gió thổi qua tán lá, mồi cho những ký ức tuổi thơ ùa về như làn sóng vỗ về trái tim cô độc của một người rời xa quê lâu ngày. Để tôi tìm ra trái bình bát chín vàng ươm, bẻ trái ra và cắn một miếng lớn, cảm giác cái vị chua chua, ngọt ngọt mà có lúc tôi đã quên.