Khơi thông dòng vốn đầu tư công

Kỳ 3: Dồn sức đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Để "khơi thông" dòng vốn đầu tư công (ĐTC), tạo động lực thật sự cho phát triển kinh tế-xã hội, không thể chỉ quan tâm giải quyết vướng mắc trước mắt, mà cần phải giải quyết căn cơ, lâu dài. Chỉ khi các bộ, ngành, địa phương cùng doanh nghiệp đồng lòng thực hiện với một quyết tâm cao, công tác giải ngân vốn ĐTC mới thật sự có đột phá, phát huy được vai trò động lực trong phát triển kinh tế-xã hội của dòng vốn mang tính đòn bẩy này.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội được thi công với tốc độ ì ạch nhiều năm nay.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội được thi công với tốc độ ì ạch nhiều năm nay.

Khẩn trương vào cuộc

Mặc dù năm 2023, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, còn nhiều khó khăn hơn so năm 2022, song các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương đều đã sẵn sàng tâm thế và vào cuộc ngay từ những ngày đầu năm.

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, với việc khẩn trương triển khai các dự án trọng tâm, dự án động lực, Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân ĐTC - động lực chủ chốt để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023. Ngay trong những tháng đầu năm 2023, công tác phân bổ vốn kế hoạch ĐTC của năm đã hoàn thành 90% khối lượng.

TP Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, năm 2023 - năm trọng điểm triển khai ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư mà thành phố được giao là hơn 70.000 tỷ đồng, cao gần gấp hai lần so năm 2022. Xác định đây là thách thức không nhỏ, theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, rút kinh nghiệm từ các năm trước, thành phố đã sớm phân bổ vốn ngay từ những ngày đầu năm và vạch ra nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân ĐTC. Đặc biệt, yêu cầu đối với dự án đã được phân bổ vốn, chủ đầu tư phải có kế hoạch triển khai ngay. Đến tháng 7 này nếu không làm rõ được kế hoạch giải ngân, thành phố sẽ điều vốn sang dự án khác.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn, ngay từ đầu năm 2023, xác định rõ từng điểm nghẽn, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm do chính đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban, thành lập Ban này đến tận cấp huyện; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; lấy chỉ tiêu giải ngân vốn ĐTC là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại chất lượng công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, Phú Thọ luôn là một trong các địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC cao trong toàn quốc. Đến thời điểm này, giải ngân vốn ĐTC năm 2023 của tỉnh cũng đã đạt 17% kế hoạch.

Thêm nữa, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, một nút thắt khác đối với công tác giải ngân vốn ĐTC cũng đã được Chính phủ nhận diện và đưa ra giải pháp trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Đó là chấn chỉnh, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nêu cao vai trò người đứng đầu.

Đánh giá cao quyết tâm thúc đẩy giải ngân ĐTC đã được Chính phủ thể hiện rõ và tạo sức ép thực thi xuống từng bộ, ngành, đơn vị trong Nghị quyết 01/NQ-CP, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận xét, điểm mới trong nghị quyết năm nay là việc Chính phủ giao quyền chủ động hơn cho các đơn vị trong giải ngân ĐTC. Cùng với nêu cao trách nhiệm của các cấp thực thi, Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục rà soát, tháo gỡ các vướng mắc trong giải ngân để tiền được đưa vào đúng những dự án tốt, sớm phát huy hiệu quả.

Ðơn giản thủ tục, tạo đột phá để "tiền đi ngay"!

Là cơ quan được chính phủ giao vai trò chính trong quản lý, thực hiện và giám sát công tác giải ngân vốn ĐTC, thực hiện các quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện phân bổ vốn, nhập dự toán để phục vụ giải ngân ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn.

Về quy trình thủ tục thanh toán vốn, Bộ Tài chính đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi tại cơ quan thanh toán xuống chỉ từ một đến ba ngày làm việc. Đồng thời, Bộ đã quyết liệt chỉ đạo Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh việc giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai, minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.

Đơn cử như tại tỉnh Phú Thọ, ngay từ năm 2018, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã nghiêm túc triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, chứng từ của khách hàng thông qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước. Theo ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Thọ, giờ khách hàng không phải mang chứng từ thủ công đến Kho bạc Nhà nước, việc giao dịch được thực hiện ở mọi thời điểm thông qua chứng từ điện tử.

Tương tự, sau 5 năm thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đến nay hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã ở mức độ 4 (nhận trả kết quả trên dịch vụ công trực tuyến) được Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Giang triển khai đến 100% số chủ đầu tư thuộc đối tượng bắt buộc tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; số lượng giao dịch đạt tỷ lệ hơn 99,3% tổng số hồ sơ, chứng từ giao dịch. Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thắng Thức cho biết, ngay từ đầu năm, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã phối hợp chặt chẽ cơ quan Tài chính và chủ đầu tư thực hiện nhập dự toán chi đầu tư vào Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), làm cơ sở thanh toán vốn cho các dự án một cách đơn giản, thông thoáng và chính xác. Đến thời điểm này, giải ngân vốn ĐTC trên địa bàn tỉnh ước khoảng 14.382 tỷ đồng.

Là đơn vị được trực tiếp hưởng lợi từ việc này, ông Trần Lương Chiến - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính nhận xét, dịch vụ công trực tuyến được kết nối liên thông với chương trình TABMIS, chương trình thanh toán liên ngân hàng do đó đã rút ngắn thời gian kiểm soát, hạch toán, thanh toán, qua đó đã công khai, minh bạch hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước. Phía doanh nghiệp cũng không còn tình trạng thắc thỏm về hồ sơ, chứng từ, thắc thỏm đợi tiền như trước đây. Giờ cứ có khối lượng thi công là… có tiền!

Theo Vụ trưởng Đầu tư (Bộ Tài chính) Dương Bá Đức, dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ĐTC nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Thực tế cho thấy, chỉ khi các bộ, ngành, địa phương cùng đồng lòng thực hiện với một quyết tâm cao, thực hiện nghiêm túc việc phân bổ vốn theo đúng quy định pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn ĐTC, công tác giải ngân vốn ĐTC mới thật sự có đột phá. Đây chính là yếu tố để cho "tiền đi ngay" và tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Để đẩy nhanh và sớm hơn nữa tiến độ giải ngân vốn ĐTC làm bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, giải pháp mạnh nhất, căn cơ nhất vẫn nằm ở chính sự quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, chúng ta cần thực hiện nghiêm và hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP. Một yếu tố rất quan trọng góp phần quyết định khả năng tăng tốc giải ngân, đó là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, giải ngân vốn ĐTC… Nếu vấn đề này được giải quyết sớm sẽ là một bước đột phá cho công tác giải ngân.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư, giải ngân

Vẫn biết, vốn ĐTC là nguồn lực, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, do đó việc giải ngân ĐTC là rất cấp thiết và quyết liệt thực hiện, nhưng cũng không thể nóng vội. Xin được nhắc lại quan điểm của nhiều vị chuyên gia kinh tế, giải ngân vốn ĐTC cho những dự án dàn trải thì hiệu quả sẽ thấp, thậm chí trở thành gánh nặng cho ngân sách. Quan điểm lựa chọn "miếng bánh chia đều" đã không còn phù hợp!

Thí dụ, đau xót những chuệch choạc, thiếu sót trong ĐTC chính là câu chuyện của Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, các dự án được phê duyệt đầu tư vào tháng 12/2014. Tới nay một số hạng mục của hai dự án đã hoàn thành, nhưng theo nhận định có trong Báo cáo về tình hình ĐTC năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023, hai dự án trọng điểm của ngành y tế đang vướng mắc về hợp đồng, đơn giá gốc để điều chỉnh hợp đồng, dẫn đến không có cơ sở thanh toán cho nhà thầu… Vấn đề của hai dự án bệnh viện lớn này chính là khúc mắc mà nhiều dự án ĐTC đang gặp phải, đặc biệt là những dự án đã bị phát hiện có vi phạm quy định về đầu tư, gây thất thoát lãng phí đã và đang được rà soát.

Đã đến lúc nỗi trăn trở về tình trạng những công trình xây dựng phục vụ dân sinh ở các địa phương thành nơi… chăn bò, đắp chiếu, hay việc đá vỉa hè ở ngay giữa Thủ đô với điệp khúc "cạy lên lát xuống"… phải được giải đáp thỏa đáng và có biện pháp khắc phục. Và đương nhiên, cần có những cuộc rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án ĐTC và trên hết, phải có chế tài rõ ràng xác định quyền và trách nhiệm của cơ quan giám sát để ngăn chặn các khoản đầu tư "vô thưởng vô phạt" dạng này.

Quyết tâm vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC, vừa giảm những chuệch choạc, thiếu sót, ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về vấn đề này. Chỉ thị nêu rõ, trong giải ngân vốn ĐTC, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn ĐTC. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý ĐTC; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định. Thực hiện giải ngân theo đúng kế hoạch được Quốc hội quyết nghị, Thủ tướng Chính phủ giao, kiên quyết không trả lại kế hoạch vốn năm 2023.

"Các bộ, ngành, cơ quan trung ương cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội".

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc