Kiến tạo tương lai tự cường, bền vững

Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2023 là cơ hội để các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên thảo luận và tìm ra biện pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo dựng tương lai tự cường, bền vững. Tham dự Tuần lễ cấp cao APEC năm 2023 kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, Việt Nam tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương nói chung, cũng như tiến trình APEC nói riêng, cùng góp sức duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tại Sân bay quốc tế San Francisco. Ảnh: TTXVN
Lễ đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tại Sân bay quốc tế San Francisco. Ảnh: TTXVN

KỂ từ khi thành lập năm 1989, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với 21 nền kinh tế thành viên hiện nay, gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản…, cùng chín thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và nhiều nền kinh tế phát triển năng động khác, APEC đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 62% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu. Hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc, APEC đề cao hợp tác tập trung ba trụ cột chính, gồm tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế-kỹ thuật, nâng cao năng lực, phát triển bình đẳng và bền vững.

Hoa Kỳ đăng cai Năm APEC 2023 với chủ đề "Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người", nhấn mạnh cam kết thúc đẩy về các vấn đề chính, như khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, thương mại kỹ thuật số, kết nối, cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, biến đổi khí hậu và bền vững môi trường... Các nội dung liên quan an ninh lương thực, y tế, chống tham nhũng, số hóa, trao quyền kinh tế cho phụ nữ và hỗ trợ các cộng đồng ở thế yếu cũng được lên kế hoạch thảo luận trong chương trình nghị sự, dựa trên ba ưu tiên là kết nối, đổi mới sáng tạo và toàn diện.

Năm 2023 ghi dấu mốc đặc biệt trong hợp tác APEC, kỷ niệm 30 năm Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC đầu tiên được tổ chức, tại Hoa Kỳ năm 1993. Năm 2023 cũng là năm Diễn đàn triển khai rà soát việc thực hiện Kế hoạch hành động Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040, theo đó, các thành viên cập nhật tiến độ triển khai Kế hoạch ở cả ba trụ cột là thương mại, đầu tư; đổi mới sáng tạo; tăng trưởng bền vững và bao trùm. Hoa Kỳ đăng cai Năm APEC 2023 tiếp theo các năm 1993 và 2011 cho thấy cam kết của Xứ Cờ hoa đối với phát triển kinh tế khu vực, cũng như trách nhiệm đối với nền kinh tế toàn cầu.

NHẬN lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao của APEC năm 2023 kết hợp hoạt động song phương tại San Francisco, Hoa Kỳ, từ ngày 14 đến 17/11. Chuyến công tác nhằm tiếp tục triển khai chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đẩy mạnh nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực. Gia nhập APEC năm 1998, trong 25 năm tham gia Diễn đàn, Việt Nam đã hai lần chủ trì Năm APEC vào các năm 2006 và 2017, là một trong số ít thành viên APEC đăng cai hai kỳ hội nghị quan trọng của Diễn đàn.

Tiếp tục các đóng góp tích cực, chủ động của Việt Nam trong nỗ lực góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới, cũng như duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương, trong Tuần lễ cấp cao APEC năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các nhà lãnh đạo APEC thảo luận hàng loạt vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với kinh tế thế giới và khu vực, đề ra những định hướng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp chung tay vượt qua những thách thức hiện nay. Cũng nhân dịp tham dự APEC, đoàn Việt Nam có nhiều hoạt động tại San Francisco, gặp gỡ chính giới, các học giả, doanh nghiệp Hoa Kỳ, thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh: Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng các nền kinh tế thành viên để đưa tiến trình APEC phát triển hơn nữa, bảo đảm sự phát triển kinh tế bền vững và đem lại những cơ hội, thuận lợi mới, nhất là những điều kiện để khắc phục những khó khăn, bất cập hiện nay do tình hình thế giới phức tạp đặt ra. Tham dự APEC năm nay cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương với Hoa Kỳ, triển khai các thỏa thuận mà Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được khi hai bên xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững tháng 9 vừa qua.

TRONG bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị ngày càng gay gắt; kinh tế thế giới dần phục hồi, song bấp bênh và đối mặt nhiều thách thức; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động sâu sắc đến cuộc sống của người dân…, Việt Nam và các thành viên APEC đã cùng nhau thúc đẩy tinh thần đối thoại, xây dựng, trách nhiệm, đề cao chủ nghĩa đa phương, cùng hợp tác, cùng hành động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới. Những nỗ lực không ngừng, vì một khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đi đầu trong phục hồi, phát triển và liên kết kinh tế.