Kiên quyết xử lý những dự án "làm nghèo đất nước"

Cuộc giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" của Quốc hội đến thời điểm này mới bước vào giai đoạn "thực địa". Thế nhưng, báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương - dù chưa đầy đủ - đã mang đến những khuyến cáo không mới và chưa bao giờ cũ.

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Vĩnh Hội (huyện Phù Cát, Bình Định) sau gần 20 năm vẫn dở dang. Ảnh: Minh Thọ
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Vĩnh Hội (huyện Phù Cát, Bình Định) sau gần 20 năm vẫn dở dang. Ảnh: Minh Thọ

78.285 dự án không sử dụng được hoặc bị đình chỉ, hủy bỏ

Không thể phủ nhận là công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 đạt 6,89 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch 5 năm (đạt 100,4%), quy mô thu NSNN 5 năm 2016-2020 tăng khoảng 1,66 lần so giai đoạn 2011-2015. Tổng chi NSNN giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 7,3 triệu tỷ đồng, đặc biệt là đã giảm dần tỷ trọng dự toán chi thường xuyên từ 64,9% tổng chi NSNN năm 2017 xuống dưới 64% năm 2020.

Tuy nhiên, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp gần nhất của Ủy ban, Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, đến ngày 23/3/2022, vẫn chưa nhận được báo cáo của 32 bộ, cơ quan trung ương; 10 hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 9 ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, mặc dù đã đến hạn. Trong khi đó, chất lượng báo cáo không bảo đảm yêu cầu, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài, không nêu cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát, không định lượng cụ thể số liệu thất thoát, lãng phí. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận xét: "Chất lượng báo cáo không đồng đều, nhiều báo cáo chung chung. Đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan ban, ngành, người đứng đầu trong quá trình triển khai là không rõ".

Chưa làm việc trực tiếp với các đối tượng được giám sát, nhưng trên cơ sở tổng hợp báo cáo, Đoàn giám sát đã chỉ rõ nhiều tín hiệu đáng quan ngại. Chẳng hạn, tổng hợp số liệu chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2016-2021, số dự án thực hiện chậm tiến độ là 313.444 dự án; các dự án hoàn thành không sử dụng được hoặc có vi phạm pháp luật bị đình chỉ, hủy bỏ là 78.285 dự án… Còn theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2021, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 893.198 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện vi phạm về kinh tế 361,37 nghìn tỷ đồng, 80.472 ha đất; kiến nghị thu hồi NSNN 181 nghìn tỷ đồng, 7.675 ha đất. Đặc biệt, đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 293 vụ, 375 đối tượng; kiến nghị xử lý hành chính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị 1.709 người, xử lý hình sự 50 người… Cùng kỳ, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 1.243 cuộc kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 431.435,5 tỷ đồng (trong đó: tăng thu NSNN 72.380 tỷ đồng; giảm chi NSNN 107.240,4 tỷ đồng; xử lý khác 265.814 tỷ đồng). Đồng thời, chỉ ra hàng loạt lỗ hổng cơ chế, chính sách đối với nhiều lĩnh vực được kiểm toán, cơ quan này đã chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra và cung cấp 763 hồ sơ…

Cần, nhưng vẫn… không vội

Theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm và 5 năm đều phải ban hành chương trình tổng thể. Thế nhưng, trong cả giai đoạn 2016-2021 các chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đều ban hành chậm (năm 2021 chậm 20 ngày, các chương trình tổng thể hằng năm và 5 năm còn lại đều chậm hơn 1-2 tháng, riêng năm 2017 chậm hơn 3 tháng, giai đoạn 2016-2020 chậm hơn 7 tháng).

Bên cạnh những "lỗ hổng" phát sinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở các khâu giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công, mua sắm thiết bị, vật tư, vaccine phòng, chống dịch…, cũng có những nhược điểm cố hữu như vướng mắc trong công tác quy hoạch, đầu tư (bao gồm cả đầu tư công, đầu tư PPP, đầu tư tư nhân, hoạt động xây dựng, kinh doanh, doanh nghiệp, hộ kinh doanh); trong việc triển khai các dự án dở dang; việc ban hành và thực hiện đơn giá, định mức nói chung, nhất là lĩnh vực xây dựng. Cũng đã không còn mới mẻ gì tình trạng để đất hoang hóa không sử dụng; dự án treo, dự án bị đình chỉ do không xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng... gây lãng phí và những hệ lụy xã hội nặng nề.

Nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước, tài sản công

Vẫn theo Đoàn giám sát, việc lập, giao, phân bổ dự toán NSNN, đặc biệt là kế hoạch đầu tư công, chưa sát khả năng thực hiện và giải ngân thấp; các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công chưa được chấp hành nghiêm. Tình trạng giao kế hoạch đầu tư công nhiều lần, có năm không giao được hết kế hoạch, trả lại vốn vẫn tái diễn, thậm chí có một số bộ đã đề nghị giảm kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài ngay sau thời điểm kế hoạch vừa được giao.

Riêng đối với nguồn vốn ODA, việc xây dựng kế hoạch chưa bao quát được hết các hiệp định đã ký kết; chưa tổng hợp đầy đủ số dự án cần bố trí vốn; không cân đối được hợp lý giữa nhu cầu vay và khả năng trả nợ, làm cho nhiều dự án bị thiếu vốn, không thể giải ngân, do phát sinh các hiệp định ký kết sau khi Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được thông qua.

Trong khi đó, việc tổ chức, triển khai các dự án có sử dụng ngân sách cũng rất nhiều vấn đề. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn chứng hàng loạt những biểu hiện, những dự án "làm nghèo đất nước" và yêu cầu xác định, rà soát, thu hồi những dự án sử dụng đất kém hiệu quả đi đôi với xử lý trách nhiệm một cách nghiêm khắc.

Quả thật, lãng phí có thiên hình vạn trạng. Bởi thế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không phải câu chuyện của một năm, hay một nhiệm kỳ; mà phải là việc thường xuyên, liên tục, lâu dài. Đây cũng không chỉ là việc của các cơ quan nhà nước; mà liên quan mọi người, mọi nhà. Trước hết, các cơ quan nhà nước phải là tấm gương sáng trong việc thiết lập và thực thi nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.