Kiên định tinh thần "đặc biệt"

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ chỉ diễn ra trong 21 ngày làm việc, ít hơn nhiều so với thời lượng thông thường của một kỳ họp cuối năm (khoảng 30 ngày). Điều này một mặt thể hiện tinh thần sắp xếp chương trình làm việc khoa học nhất, nhằm bảo đảm thời gian được sử dụng hiệu quả nhất, đồng thời cũng thể hiện một phương châm làm việc mới của Quốc hội: Làm hết việc chứ không câu nệ thời gian và khi cần thiết, có thể tổ chức thêm những kỳ họp ngắn bất thường.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đăng Khoa
Quang cảnh Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đăng Khoa

Xem xét, thông qua nhiều vấn đề quan trọng

Theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp thứ 4, phiên khai mạc vào ngày 20/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 15/11. Trong công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua bảy dự án luật, ba dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Trong số các dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, đáng lưu ý có Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)…

Ngoài những nội dung khác theo thông lệ (trong đó có hai ngày rưỡi được dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn), Quốc hội sẽ xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh; tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021". Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự, cụ thể là thực hiện quy trình bầu, phê chuẩn bổ nhiệm và miễn nhiệm một số bộ trưởng, trưởng ngành, gồm Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Làm thế nào để xử lý khối lượng công việc lớn như vậy, với thời gian họp rút ngắn, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng? Thử nhìn vào việc chuẩn bị để thảo luận lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - một dự án luật rất lớn và vô cùng phức tạp. Để chuẩn bị cho dự án luật này chính thức "ra mắt" Quốc hội lần đầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không dưới ba lần làm việc trực tiếp với các cơ quan có trách nhiệm để nghe và chỉ đạo về việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cùng với đó, kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật đã được khẩn trương xúc tiến để triển khai trong tháng 1/2023. Hàng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm... nhằm lấy ý kiến đóng góp của đông đảo các chuyên gia, đại biểu, đại diện hiệp hội, các đối tượng điều chỉnh của dự án Luật đã được cả các cơ quan chủ trì soạn thảo lẫn cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức. Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương cũng đã chủ động tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với dự án Luật.

Những bước chuẩn bị được thực hiện từ sớm, từ xa, từ tất cả các cơ quan có trách nhiệm liên quan tạo ra cơ sở vững chắc để giải quyết mọi công việc của kỳ họp một cách hiệu quả nhất có thể, không chỉ trong công tác lập pháp.

Quyết đoán, quyết tâm và quyết định

Cũng cần nói thêm rằng, vào tháng 1/2022, kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV đã được tiến hành để giải quyết kịp thời những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; góp phần thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và phòng, chống dịch Covid-19. Sau thời gian làm việc với tinh thần khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công rất tốt đẹp. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tổng kết kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định, đây là tiền lệ tốt, cho thấy tinh thần tiếp tục tìm tòi, trăn trở, đổi mới của Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; cần được tiếp tục phát huy để hướng tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp hơn. Cơ chế "đặc biệt" này chắc chắn sẽ lại được khởi động khi thực tiễn đòi hỏi Quốc hội phải quyết đáp ngay một số vấn đề quan trọng.

Với kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thể hiện tính chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt; thể hiện rõ ba "quyết" là quyết đoán, quyết tâm và quyết định - như khái quát ngắn gọn của người đứng đầu Quốc hội. Bàn về việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội (theo chương trình nghị sự dự kiến, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về vấn đề này tại kỳ họp thứ 4 - PV), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu: "Quan trọng nhất là làm sao để mỗi phiên họp Quốc hội đều có nhiều đại biểu tham gia phát biểu nhất. Nếu Quốc hội đồng ý, chủ tọa, người điều hành nên được quyền linh hoạt theo tinh thần Quốc hội làm hết việc chứ không hết giờ".

Dĩ nhiên, tinh thần ba "quyết" không chỉ cần thể hiện trong những kỳ họp bất thường, mà phải là phương châm hoạt động xuyên suốt của Quốc hội, đặc biệt là trong những kỳ họp - nơi thể hiện rõ nhất vị thế, trách nhiệm và bản lĩnh của cơ quan quyền lực tối cao. Sau ba kỳ họp định kỳ và một kỳ họp bất thường được tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cử tri và nhân dân cả nước đang đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Kiến nghị Quốc hội tổ chức Kỳ họp chuyên đề cuối năm 2022

Báo cáo tại hội nghị về công tác chuẩn bị tài liệu phục vụ Kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, đã kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội chuyển một số nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp chuyên đề cuối năm 2022 của Quốc hội liên quan đến: Nội dung xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; Nội dung về tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15; Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.