Kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972-2022)

Khúc tráng ca bất tử

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào "mùa hè đỏ lửa 1972" không chỉ là thiên anh hùng ca về tinh thần chịu đựng, hy sinh của những người lính quả cảm, mà còn là biểu hiện sinh động tầm cao trí tuệ và nghệ thuật đánh giặc độc đáo của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu đó, như lời nhận xét của Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: "Cán bộ, chiến sĩ ta rất dũng cảm, nhiệm vụ đã hoàn thành. Lịch sử chống ngoại xâm, giữ thành như thế, ông cha ta ít làm" (1).
0:00 / 0:00
0:00
Quân giải phóng đánh chiếm trại lính ở Đông Hà. Ảnh: TTXVN
Quân giải phóng đánh chiếm trại lính ở Đông Hà. Ảnh: TTXVN

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ kéo dài 81 ngày đêm đó đã làm nên một mốc son chói lọi, xứng đáng được khắc ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Mùa hè rực lửa 1972

Thất bại trong kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh, giành quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh Quảng Trị - tỉnh địa đầu với một địa bàn chiến lược rộng lớn và đặc biệt quan trọng, cuối tháng 6/1972, quân đội Sài Gòn cay cú mở cuộc phản công quy mô mang tên "Lam Sơn 72 " để tái chiếm lại, đặc biệt là khu vực thị xã và Thành cổ. Thành cổ Quảng Trị, từ chỗ chỉ là một tòa thành giống như nhiều thành, lũy khác của Việt Nam không nhiều người biết, bỗng chốc trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của cả thế giới. Với việc tập trung một lực lượng quân sự lớn ở một chiến trường trọng điểm vào thời điểm "nhạy cảm" về chính trị và ngoại giao, thị xã Quảng Trị và Thành cổ trở thành nơi đấu trí và đấu lực, nơi tập trung sức mạnh quân sự của cả hai bên nhằm phục vụ cho ý đồ chiến lược của mình. Vì thế cuộc chiến nơi đây trở nên cực kỳ cam go và khốc liệt. Với ta, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ được xem như "gạch nối" giữa chiến dịch tiến công (ngày 30/3-20/6) với chiến dịch phòng ngự (ngày 1/9/1972-31/1/1973).

Ngày 26/6/1972, địch huy động 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, năm thiết đoàn và nhiều đơn vị không quân, hải quân... mở cuộc phản công từ hai hướng: hướng tây (từ cầu Mỹ Chánh sang phía tây đường số 1) và hướng đông (từ Hải Lăng xuống sát biển). Với lực lượng quân sự vượt trội, địch hy vọng sẽ nhanh chóng chiếm lại khu vực thị xã Quảng Trị và đặt mục tiêu "cắm cờ" lên Thành cổ trước ngày 10/7/1972 - ngày dự định sẽ diễn ra phiên họp quan trọng ở Hội nghị Paris. Chiếm được thị xã và Thành cổ trước ngày này, Mỹ sẽ có "vốn liếng" để gây sức ép với phái đoàn ta trong phiên họp thứ 150 tại bàn đàm phán ở Paris.

Sớm phát hiện được ý đồ của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã nhanh chóng chỉ thị cho Trung đoàn 48 cùng lực lượng vũ trang Quảng Trị triển khai thế trận phòng thủ, kiên quyết không cho quân địch lọt vào thị xã và đặc biệt là khu vực Thành cổ. Cuộc chiến đấu diễn ra khốc liệt ngay từ đầu. Bộ đội ta đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm, nhưng với ưu thế về quân số và hỏa lực, trong vòng một tuần lễ (ngày 28/6 đến 3/7), quân địch đã chiếm được nhiều vị trí quan trọng chung quanh thị xã. Ngày 12/7, nhận thấy thời cơ "cắm cờ trên nóc Thành cổ" xuất hiện, chúng bắt đầu mở cuộc tiến công tổng lực vào khu vực này. Việc giữ Thành cổ, từ thời điểm này, càng trở nên khó khăn và khốc liệt hơn. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh chiến dịch "phải kiên quyết giữ thị xã và phòng thủ hậu phương chiến dịch " (2). Theo đó, lực lượng bảo vệ thị xã và Thành cổ đã được tăng cường đáng kể.

Toàn bộ diễn biến bi tráng của cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị trong "mùa hè đỏ lửa 1972" đã được tái hiện trong rất nhiều công trình nghiên cứu và tác phẩm văn học, nghệ thuật. Xin được nhấn mạnh rằng, trong "81 ngày đêm" rực lửa ấy, đã có nhiều đơn vị dày dạn kinh nghiệm chiến đấu của các sư đoàn chủ lực 320B, 325, 304, 308, 312, bộ đội địa phương Quảng Trị lần lượt được tung vào, luân phiên nhau bám trụ và chiến đấu. Tại khu vực Thành cổ, trên một địa bàn nhỏ hẹp, ta và địch ở vào thế xen kẽ, trực tiếp đối mặt, giành giật với nhau từng tấc đất, từng góc tường... Nhiều trận kịch chiến bằng lưỡi lê, bằng lựu đạn, thủ pháo đã diễn ra. Bất chấp mọi hiểm nguy, bộ đội ta đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm, kiên quyết bám trụ và không chùn bước, tổ chức được bốn đợt phản kích quy mô lớn vào đội hình tiến công của quân địch, giữ vững được Thành cổ trong suốt 81 ngày đêm. Ngày 16/9, sau khi cơ bản đã đạt được một số mục tiêu quan trọng, bộ đội ta được lệnh rút khỏi Thành cổ. Có hơn 3.200 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, 13.142 người bị thương trong cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị.

Khúc tráng ca bất tử ảnh 1
Chiến đấu giành lại từng căn nhà trong Thành cổ Quảng Trị, năm 1972. Ảnh: Đoàn Công Tính

Những câu hỏi từ lịch sử

Nhiều năm sau khi chiến dịch giải phóng Quảng Trị kết thúc, dẫu ai cũng biết rằng lịch sử không có "nếu như", song vẫn còn đó một số ý kiến cho rằng, giá như chiến dịch phòng ngự Quảng Trị được tổ chức sớm hơn, có lẽ, đã hạn chế được rất nhiều thương vong cho bộ đội? Hay, liệu có cần thiết phải bám giữ tòa Thành cổ đổ nát kéo dài đến 81 ngày đêm như vậy không?

Thành cổ Quảng Trị được xây dựng từ thời Vua Gia Long với chu vi gần 2km; tường thành cao 4m, dày 12m, được bao bọc bởi một đường hào rộng 18,4m, sâu 3,2m. Thành được cấu trúc theo lối Vauban, có bốn cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu; diện tích tòa thành rộng khoảng 2km. Dưới thời chính quyền Sài Gòn, đây là "đại bản doanh" của Quân khu-Quân đoàn 1. Dưới cái nhìn quân sự thì Thành cổ Quảng Trị chỉ là một mục tiêu ở tầm chiến thuật, đúng như H.Kissinger nhận xét: "Đứng về mặt quân sự mà nói thì cả hai bên đánh nhau để giữ một cái thành cổ như vậy thì không ai lại đánh như thế cả". Tuy nhiên, mục tiêu này lại có ý nghĩa chiến lược đối với cả hai phía, mà như đồng chí Lê Đức Thọ đánh giá: "Đó là vấn đề chính trị, đánh để giành thế mạnh chính trị trong đàm phán thôi, chứ còn đứng về quân sự thì không một ai vì một mảnh đất nhỏ đổ nát mà đánh như thế" (3).

Đối với ta, việc giữ được Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm không chỉ là một thắng lợi về quân sự, làm thất bại kế hoạch đánh chiếm toàn bộ tỉnh Quảng Trị trong một thời gian ngắn của quân đội Sài Gòn, kìm giữ và tiêu diệt một bộ phận chủ lực cơ động của chúng, góp phần giữ được 85% địa bàn này cho đến ngày ký kết Hiệp định Paris; mà đó còn là một thắng lợi về chính trị và ngoại giao trong thời điểm địch tập trung mọi nỗ lực để giành lợi thế trên chiến trường nhằm gây sức ép với ta trên bàn đàm phán ở Paris. Có lẽ không nhiều người biết rằng, khi không thể chiếm được toàn bộ tỉnh Quảng Trị, quân đội Sài Gòn đã hạ mục tiêu "cắm bằng được cờ lên Thành cổ" và phải sau tám lần trì hoãn thời gian do vấp phải sự đánh trả kiên cường của quân và dân Quảng Trị, mãi đến nửa cuối tháng 9/1972, khi bộ đội ta chủ động rút lui, quân địch mới vào được trong Thành cổ. Việc "cắm cờ lên Thành cổ" quan trọng tới mức vào những ngày cuối tháng 7, tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân khu 1, quân đội Sài Gòn, đã cho quân lợi dụng bức tường đổ của nhà thờ Trâm Lý (cách thị xã độ 3km) dựng hiện trường giả Thành cổ, rồi tổ chức cho phóng viên đến quay phim, chụp ảnh; đồng thời tuyên truyền rùm beng trên Đài phát thanh Sài Gòn rằng lính dù đã chiếm được Thành và chào cờ trong Thành cổ!

Cuộc chiến đấu kéo dài 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị không chỉ là một bản anh hùng ca về lòng quả cảm và tinh thần xả thân, sẵn sàng hy sinh của các lực lượng bám trụ chiến đấu tại đây, mà còn là biểu hiện của sự mưu trí, sáng tạo trong nghệ thuật đánh giặc mang đậm bản sắc văn hóa giữ nước của người Việt, đúng như nhận xét của một chính khách Mỹ về "sự kiện Quảng Trị" ngay sau khi Hiệp định Paris vừa được ký: "Nếu các ngài chỉ anh hùng không thôi thì các ngài đã bị chúng tôi nghiền nát, nhưng các ngài còn biết đánh" (4).

(1) Giang Hà: Kỷ niệm sâu sắc về công tác tham mưu chiến lược. Nxb QĐND,H, Tr.188.

(2) Điện số 118/TK ngày 10/7/1972. Lưu tại Viện LSQSVN.

(3) Lịch sử KCCM,CN 1954-1975. Tập VII: Thắng lợi quyết định năm 1972. Nxb CTQG,H,113, Tr.151.

(4) 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ. Nxb CTQG,H,2012, Tr.188.