Khổ với thông tư, công văn

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh, một báo cáo thường niên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng kể từ năm 2018, vừa được công bố vào đầu tuần này. Điểm thú vị, báo cáo năm nay dành ra một chương để nói về thông tư và công văn của các bộ.

Xưa nay, giới kinh doanh vẫn lan truyền câu nói: "Công văn là bố thông tư, thông tư là ông nghị định". Trên thực tế, hai dạng văn bản này liên quan sát sườn đến hoạt động của doanh nghiệp và cũng khiến họ khổ sở, khốn đốn không ít. Cảm thông, giới luật sư cũng than, "đọc luật thấy thông thoáng lắm, đến nghị định bó lại một tí, thông tư thít lại không thở được, còn đến công văn thì thôi khỏi kinh doanh luôn".

Thẳng thắn mà nói, số lượng thông tư hiện nay đã giảm khá nhiều so với 10 năm trước đây, nhưng chất lượng vẫn còn rất nhiều điểm phải bàn. Tình trạng thông tư vượt luật, vượt nghị định vẫn diễn ra. Thậm chí có thông tư còn chứa đựng điều kiện kinh doanh, dù điều này đã bị cấm tại Luật Đầu tư. Nhưng điều đáng nói, tình trạng trên diễn ra mà không có bất kỳ chế tài nào để xử lý. Trường hợp xấu nhất, thông tư chỉ bị... đình chỉ thi hành. Chính vì thế, tình trạng các bộ lạm dụng thông tư cũng là điều dễ hiểu.

Dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã cấm ban hành công văn chứa quy phạm, nhưng khi văn bản cấp trên đó không đủ rõ ràng hoặc phát sinh các tình huống nằm ngoài dự liệu của pháp luật, doanh nghiệp buộc phải tìm đến các công văn để hiểu. Tình trạng áp dụng tương tự các công văn diễn ra thường xuyên. Điều này biến công văn trở thành một phần của pháp luật. Nhưng hiện nay không hề có quy định nào yêu cầu các bộ, ngành phải công khai công văn, cho nên doanh nghiệp và luật sư không biết tra cứu ở đâu. Kết quả là rủi ro pháp lý luôn thường trực.

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh cũng nêu rõ, có nhiều thông tư ban hành điều kiện kinh doanh-điều mà Luật Đầu tư 2014, 2020 cấm. Các quy định tại thông tư vẫn còn tình trạng chưa rõ ràng, thiếu thống nhất, chưa hợp lý và khả thi. Mặc dù, những quy định này tưởng là "nhỏ" nhưng đã trở thành rào cản, gây khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp.

Tình trạng công văn có chứa các quy phạm pháp luật, vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2018 cũng được "mổ xẻ". Những vấn đề bất cập của công văn được chỉ ra như: Nội dung của công văn chưa rõ ràng, chưa chính xác, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật giữa các cơ quan thực thi, hay nội dung của công văn không đủ tin cậy. Không chỉ gây tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, mà vấn đề này còn đặt ra câu hỏi về tính chịu trách nhiệm của các cơ quan ban hành dạng văn bản này.

Để cải thiện chất lượng của thông tư, công văn, Báo cáo nói trên đưa ra các kiến nghị như cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn đối với những nội dung của công văn để ngăn chặn tuyệt đối tình trạng công văn ban hành các quy định pháp luật. Thêm nữa, cần có cơ chế để tăng tính trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong xử lý và trả lời vướng mắc doanh nghiệp cũng như cần công khai các văn bản trả lời này trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là "dòng chảy" bền bỉ mà Nhà nước đang thực hiện để cải cách thể chế, chính vì thế mà yêu cầu cắt giảm chi phí tuân thủ trong các quy định hiện hành được hầu hết bộ, ngành đề xuất là ít nhất 20% phải được bắt đầu từ việc để tình trạng "bố thông tư, ông nghị định" vào dĩ vãng.