Họa sĩ Ngô Văn Sắc:

Kéo cổ xưa về gần đương đại

Đang diễn ra tại Thăng Long Art Gallery, 41 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Triển lãm “Phương Đông xa xôi” của họa sĩ Ngô Văn Sắc bày gần 50 tác phẩm được tạo nên hầu hết từ việc khò lửa trên gỗ, có sự kết hợp đa dạng của bề mặt vân gỗ với các chất liệu khác nhau. Họa sĩ chia sẻ về những kết hợp khác lạ của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Ngô Văn Sắc bên tác phẩm của mình.
Họa sĩ Ngô Văn Sắc bên tác phẩm của mình.

Phóng viên (PV): Chào họa sĩ Ngô Văn Sắc! Hứng thú nào đưa anh đến tranh khò lửa trên gỗ?

Họa sĩ Ngô Văn Sắc: Có lẽ xuất phát từ hứng thú sáng tác chất liệu tổng hợp của tôi. Hồi 1999, 2000, lần đầu tiên tham gia triển lãm toàn quốc, tôi đã thích sự kết hợp đa chất liệu. Có những năm tác phẩm không lọt, tôi vẫn giữ làm kỷ niệm những bức tranh kết hợp nhôm, sắt, gỗ của mình. Năm 2004, tôi tốt nghiệp thủ khoa Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam với chất liệu sơn mài và đã có một số tác phẩm trưng bày, bán, nhưng sau một thời gian, tôi lại tạm biệt sở trường đó để chuyển sang sáng tác chất liệu tổng hợp trên toan. Rồi tôi đến với tranh khắc gỗ, quãng năm 2005, 2006. Có những bức không ưng, tôi đốt đi, nhưng khi đó lại phát hiện ra sự thú vị khi mầu gỗ tự nhiên đậm lại do lửa tiêu hủy. Tôi nảy ra ý, sao không dùng mầu tự nhiên của vân gỗ và lửa để làm ra tác phẩm. Rồi từ đây, tôi lại kết hợp cả cát, giấy báo, giấy dó… để thỏa mãn phương thức sáng tác đa chất liệu của mình.

PV: Với sự kết hợp như anh nói, có thể thấy rằng không dễ kiểm soát sản phẩm của mình trong quá trình tạo hình và kết hợp chất liệu. Anh có cho rằng đôi lúc mình cũng liều lĩnh?

Họa sĩ Ngô Văn Sắc: Tôi thích tính ngẫu nhiên trong sáng tác nghệ thuật. Thí dụ như với sơn mài thì ngay từ thời các cụ đã từng gọi là “sơn mò”, bởi trong quá trình mài thì những lớp sơn, vật liệu phủ lên tranh dần lộ ra những hiệu ứng rất đa dạng. Hoặc khi đổ mầu trên toan, hay những nhát bay trên toan, với nhiều người, sự ngẫu nhiên trong sáng tác là niềm hứng thú chứ không phải riêng tôi. Với các vân gỗ cũng vậy, nhìn vào đó, tôi tin rằng có những câu chuyện riêng của tự nhiên và không bao giờ lặp lại. Vốn có thời gian dạy về hình họa, tôi theo đuổi việc đưa chân dung lên gỗ. Tôi phác họa bằng than trên giấy, sau đó tận dụng những cái ngẫu nhiên của vân gỗ làm ra chân dung. Thí dụ như nhìn vân gỗ, các vết chảy của vân gỗ, chúng gợi cho mình những bố cục mới, hướng nhìn, khuôn mặt nhân vật, gợi ý cho việc vẽ chân dung tự họa đeo kính hay chân dung cô gái xưa.

PV: Tên triển lãm - “Phương Đông xa xôi”, cùng với hệ thống hình ảnh, họa tiết, tư liệu khai thác nhiều từ nguồn tư liệu, sử liệu như mây, rồng, phượng, sóng, lại thêm việc in những con tem thời Đông Dương lên mặt gỗ. Điều này cho thấy, dường như anh luôn có mối đau đáu ràng buộc với quá khứ, với văn hóa dân tộc. Anh có thể lý giải điều này?

Họa sĩ Ngô Văn Sắc: Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Dương Liễu, thuộc huyện Hoài Đức, xưa thuộc tỉnh Hà Đông cũ, sau này là tỉnh Hà Sơn Bình, rồi tỉnh Hà Tây, và nay là của Hà Nội. Gia đình tôi có nghề nhiếp ảnh từ ông, qua bố, đến anh tôi. Điều đó khiến cho từ bé tôi đã được trải nghiệm việc ghi lại và sưu tầm phong cảnh, đời sống chung quanh bằng nhiếp ảnh. Khi tôi trưởng thành thì nhiều di tích, công trình, dấu vết cổ truyền ở quê hương cũng đã mai một. Thí dụ như làng tôi có 12 cái điếm của 12 xóm, có sàn gỗ, cột gỗ hẳn hoi, là nơi sinh hoạt cộng đồng. Nhưng xã tôi mất hết rồi, xã bên cạnh còn một cái.

Bà tôi thì ở phố Phùng Hưng ngoài Hà Nội. Mùa hè tôi lại ra đây bán nước dừa ở đầu cầu Long Biên và quanh các phố cổ. Nhờ đó, tôi có nhiều kỷ niệm với những phong cảnh và không khí khu vực phố cổ ở đây.

Những điều đó khiến tôi nghĩ mình phải nói gì đó về những cái đã đi qua, nhưng chưa hẳn đã lùi xa vào dĩ vãng và biến mất.

PV: Nhưng toát lên ở những tác phẩm không phải là sự phục cổ, nhại cổ, mà việc ghép vào nhau, chồng lấn lên nhau, những khuôn mặt, những họa tiết và việc xử lý bề mặt gỗ lại đem đến tinh thần khác, hướng về đời sống hiện tại. Anh đã nghiên cứu, tìm tòi thế nào để ra những hiệu ứng đó?

Họa sĩ Ngô Văn Sắc: Tôi tìm những hình ảnh, họa tiết, chất liệu khác nhau để đồng hiện trong sự kết hợp với những gương mặt người. Có khi tôi lại đục vào gỗ, có những tác phẩm tôi gắn gương cầu lên đó để người xem có thể soi thấy mình, có khối tác phẩm tôi lại lấy cảm hứng từ liên hoa tháp bên chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) để người xem có thể tự xoay các khối gỗ vẽ chân dung. Như thế, tôi muốn tạo ra sự tương tác giữa người xem với tác phẩm. Chất liệu cũng như cách tạo tác đó tạo ra hiệu ứng 3D và tạo ra tính kết nối giữa người xem với tác phẩm, tác giả. Hoặc với những con tem, tư liệu cho mình hàng nghìn con tem, nhưng chọn cái gì cho phù hợp khuôn mặt nhân vật thì lại phải rất kỹ. Và ngay việc in nữa, tôi cũng tự làm lấy. Tôi học hội họa nhưng nhiều việc tự làm hết và học khá tốt, kể cả đồ họa, điêu khắc. Ảnh thì nhờ có nghề làm ảnh của ông và bố nên từ xưa tôi đã biết vào phòng tối, tự hãm thuốc, in ảnh. Kể cả xẻ và bào gỗ…

Tôi quan niệm rằng, niềm hạnh phúc của nghệ sĩ không phải là sau khi hoàn thiện tác phẩm. Mà trong quá trình hình thành, sáng tác, từ khi mài gỗ, bào gỗ, chuẩn bị, đã rất hứng thú rồi. Trong quá trình đó, thì mình lại kết hợp đa phương tiện, đa cách thức, đa chất liệu. Thí dụ có chỗ in chuyển giấy trên gỗ, in lưới, vẩy mầu… Mỗi cách lại cho hiệu ứng khác nhau để phù hợp với từng bố cục tranh. Như vậy, theo thời gian, tôi càng thấy rằng, khi có kỹ thuật rồi, mình sẽ có nhiều phương án để tiếp cận, phát triển ý tưởng, giúp cho tác phẩm của mình cũng truyền tải được nhiều suy nghĩ.

PV: Xin cảm ơn anh! Chúc anh có thêm nhiều thể nghiệm mới!

Nhà nghiên cứu Bùi Như Hương: Sắc là người kỳ tài và có nhiều kỹ thuật, đa chất liệu, đa phương tiện trong cách thực hành sáng tác. Ngoài chuyện là một người vẽ giỏi, vẽ chân dung và quan sát sắc bén, Sắc còn có những cái khác hỗ trợ như in lưới, điêu khắc. Sáng tác của Sắc cho thấy một tư duy sáng tạo linh hoạt, muốn vượt ra ngoài khung để tạo mỹ cảm đương đại. Bắt hình, chụp ảnh, tận dụng ảnh cũ để tái hiện trên gỗ bằng bút khò lửa. Nhưng trong quá trình đó, anh biết chọn cái ẩn, cái hiện nhằm tạo nên mỹ cảm, nói ra ý tưởng. Nó tạo gợi cho mình cảm nhận về văn hóa cổ xưa, có chìm khuất đấy nhưng vẫn đi đi về về. Tất cả làm thành một thứ nghệ thuật sinh động, tạo nên một trường thẩm mỹ mới mẻ.