Phóng viên (PV): Thưa nhà thơ, những năm gần đây ông dành mối quan tâm lớn cho Tiếng Việt với một loạt sách được xuất bản, mới nhất là cuốn “Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm”. Điều gì đã thôi thúc ông trong công việc này?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Không riêng gì người viết - những người bầu bạn với con chữ, lấy đó làm lẽ sống mà hầu hết con người ta đều có nhu cầu khám phá chính mình. Sau khi đã bầu bạn với thơ và nhiều thể loại văn học khác, đến một ngày tôi nhận ra một điều thường tình rằng, có nhiều câu thơ, trang văn, ca dao, tục ngữ mà mình đã đọc, đã học, đã nhớ nhưng có thật sự mình đã hiểu? Và cái hiểu của mình chắc gì đã là hiểu đúng?
Thí dụ, ta hiểu thế nào cho đúng các câu cửa miệng như “Làm trai chớ hề bầu chủ, làm gái chớ làm mụ dầu”, “Mép thợ ngôi, môi thầy hù”… hoặc câu thơ của Nguyễn Bính: “Mặt hồ vừa đúc khối tiền sen/Bươm bướm đông như đám rước đèn”… Thế thì, “tiền sen” đó, “mụ dầu/giàu” đó, “thợ ngôi” đó, “thầy hù” đó nghĩa là gì? Hàng loạt câu hỏi tương tự đã đặt ra khiến tôi bắt đầu chú tâm học hỏi, tìm hiểu.
Rồi khi gặp một từ khó giải thích, tôi luôn nhớ lại rằng, trong cuộc Hội thảo “Cao Xuân Hạo với ngôn ngữ học Việt Nam” do Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Hội Ngôn ngữ TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/12/2017, học giả An Chi đã đặt vấn đề khiến cụ “phải hoài nghi về sự tồn tại của hiện tượng từ láy”; và cụ đã chứng minh: “các thành tố trước hoặc sau của tổ hợp “láy” là hình vị gốc Hán, có nghĩa rõ ràng, cụ thể”. Đây cũng là quan điểm mà trước đó, nhà ngôn ngữ học tài ba Cao Xuân Hạo đã khẳng định. Vậy, tôi học thêm ở chỗ, lâu nay khi gặp những từ khó giải thích như “heo cúi”, “chùa chiền”, “chợ búa”, “mặc cả”, “giá cả”… tôi bỏ qua, chào thua; thì nay, tôi vững tâm tiếp tục mày mò tìm nghĩa của nó.
PV: Tiếng Việt giàu đẹp của chúng ta trong mắt một người kỳ công tìm hiểu nghiên cứu như ông, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, đang phải đối mặt những nguy cơ gì?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Vấn đề này ắt phải là một chuyên đề, hội thảo mới giải quyết đâu ra đó chăng? Tôi xin kể một mẩu chuyện nhỏ. Trên trang Facebook cá nhân của một vị giảng viên đại học, tôi ngạc nhiên khi thấy anh cố tình viết sai chính tả, tôi phàn nàn góp ý, anh chống chế, đã tham gia mạng xã hội thì phải chấp nhận và sử dụng “ngôn ngữ mạng”, có như thế mới theo kịp trào lưu của giới trẻ.
Tôi không cãi nhưng chỉ muốn nói rằng, trẻ ấy, nói như ngôn ngữ thời đại 4.0 hiện nay, chính là “trẻ trâu”. Qua câu chuyện trên ta nhận ra điều gì? Rõ ràng hiện nay đang xuất hiện một thứ “tiếng Việt méo mó”, “tiếng Việt dị dạng”, “tiếng Việt nói ngọng”… Tình trạng này có phải do người sử dụng không hiểu tiếng Việt? Không, họ hiểu đấy, nhưng lại cố tình viết sai chính tả vì một lý do gì đó. Điều này, hoàn toàn có thể kiểm chứng trên mạng xã hội, thí dụ “hay thặc”, “thik”, “nỗi bùn”, “kon chuột”, “pà con”, “chuyện giè?”, “bình lựng”…
Thiết nghĩ, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, kể cả đổ xương máu chống lại âm mưu đồng hóa của giặc ngoại xâm, ông bà ta chắt chiu, gìn giữ và trao lại cho thế hệ sau vô số hạt gạo ngon, gạo quý lẽ nào ngày nay chúng ta lại nhẫn tâm ném vào đó cát, sạn như một cách giễu nhại, mua vui?
PV: Nhiều người lo ngại rằng Tiếng Việt trong thời đại công nghệ hiện nay đang bị lai tạp, xơ cứng ngữ nghĩa, mất đi vẻ đẹp uyển chuyển đa nghĩa vốn có, nhưng cũng nhiều người cho rằng, chúng ta nên rộng mở chấp nhận với cái mới, vì đó là tất yếu trong quá trình phát triển của đời sống. Vậy theo ông, giới hạn của những ý kiến như này nên được hiểu như thế nào cho đúng?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Để bàn về vấn đề này, ta hãy đọc lại đôi dòng tâm tình của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ khi trò chuyện với nhà báo Lê Thanh vào năm 1943: “Khi ấy, Sở Tài chính còn ở ngoài Bờ Hồ. Trong Sở chúng tôi bày ra nhiều trò chơi có ích cho sự tiến thủ về mặt luyện quốc văn. Thí dụ chúng tôi giao hẹn hễ ai nói một câu tiếng Nam mà có xen vào một tiếng Pháp như hầu hết các công chức hồi ấy và bây giờ thì bị phạt”. Câu chuyện tròm trèm 80 năm vẫn còn ý nghĩa thời sự.
Thiết nghĩ, những sự vật/sự việc cụ thể nào đó, nếu người Việt đã có vốn từ để diễn đạt đầy đủ, trong sáng, vậy hà cớ gì khi sử dụng chúng ta không dùng lấy nó mà phải vay mượn một ngoại ngữ nào khác? Cách sử dụng trái khoáy, “lai căng” này, không phải bây giờ, mà trước đây cha ông ta đã chê bằng cụm từ “tiếng Việt ba rọi”/“nửa nạc nửa mỡ”… Liệu có nên chăng?
Với sự phát triển hiện nay trên nhiều lĩnh vực, nhất là khoa học-kỹ thuật, tin học… nếu chúng ta chưa có nhiều từ đương tương thì vay mượn là thích đáng. Một khi chấp nhận sự vay mượn này, nếu tồn tại lâu dài chắc chắn, dần dà người ta cũng xem nó như vốn từ của tiếng Việt, không “phân biệt đối xử” là “con ruột” hay “con nuôi”. Âu cũng là tính cách khoan dung, dung hòa của người Việt. Điều này giúp cho vốn từ tiếng Việt thêm phong phú, giàu có như chính chúng ta đã nhìn thấy, ít ra là vốn từ vay mượn từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Còn nếu không, tự bản thân của từ vay mượn sẽ mất đi, nhất là khi tiếng Việt có từ thay thế. Điều này hết sức bình thường. Khó có thể biết cụ thể từ vay mượn nào, phải chờ thời gian. Thế thì việc các bạn trẻ có sử dụng những từ vay mượn đó, tôi nghĩ cũng không sao cả, miễn là đừng “lạm dụng” quá đáng.
PV: So thế hệ đi trước, thế hệ trẻ hiện nay sử dụng tiếng Việt linh hoạt hơn, nhưng họ lại không hiểu Tiếng Việt sâu sắc. Điều này theo ông có đúng không?
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Quả đúng như bạn nói. Đã có những cụm từ mới linh hoạt, nhộn, tếu táo như “nghệ cả củ”, “đỉnh của chóp”, “hôm nay trời nhiều mây cực”… xuất hiện trong cách nói, cách viết ở người trẻ. Càng thú vị chứ sao. Tôi nghĩ cũng là phiến diện khi nói là thế hệ trẻ không hiểu Tiếng Việt sâu sắc. Với tôi, nếu có điều gì đáng phàn nàn là khi ai đó không trân quý tiếng Việt như vốn có, cố tình viết/nói không theo chuẩn mực vốn có. Dù biện minh thế nào, không một ai chấp nhận các cách sử dụng tiếng Việt méo mó và quái đản như thế.
PV: Xin cảm ơn nhà thơ Lê Minh Quốc!