Ca sĩ Phạm Thu Hà

Chào 2025 với “Đi qua miền nhớ”

Những ngày đầu tiên của năm mới 2025, ca sĩ Phạm Thu Hà phát hành “Đi qua miền nhớ” - album nhạc trữ tình với các sáng tác nghiêng về các chủ đề quê nhà, tình thân, thiên nhiên tươi đẹp và những ký ức mùa xuân còn sống mãi. Chị chia sẻ với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Chào 2025 với “Đi qua miền nhớ”

Phóng viên (PV): Chúc mừng ca sĩ Phạm Thu Hà với album “Đi qua miền nhớ” được phát hành trên các nền tảng số trong ngày đầu năm mới 2025. Được biết, đây là album gồm những sáng tác mới của nhạc sĩ Trần Lệ Giang đang sống xa Tổ quốc. Những cuộc gặp gỡ trong âm nhạc bao giờ cũng để lại nhiều câu chuyện thú vị, vậy câu chuyện của Hà và tác giả “Đất nước tình yêu” có gì đặc biệt?

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Hà biết và gặp nhạc sĩ Trần Lệ Giang từ rất lâu, và cô cháu cũng có nhiều kỷ niệm lắm, dù nhạc sĩ đang sống và làm việc ở tận Scotland xa xôi, còn Hà thì ở Việt Nam. Kỷ niệm khiến Hà nhớ như in đến tận bây giờ, đó là vào năm 2022, trong buổi Hòa nhạc “Điều còn mãi” Hà có hát bài hát “Đất nước tình yêu” của nhạc sĩ Trần Lệ Giang. Trong bài hát có một câu là “Mây xám bay chỉ còn ánh trăng ngà” thường xuyên bị hát sai. Trong chương trình đấy Hà hát đúng theo lời gốc, nhưng vì mọi người đã quá quen thuộc với phần lời bị sai nên thành ra có nhiều góp ý gửi đến Hà. Hà liên hệ với nhạc sĩ và cô xác nhận lời gốc giúp Hà. Thậm chí nhạc sĩ còn lên tiếng đính chính trên truyền thông và từ đó lời gốc đã thật sự được “sống lại” một lần nữa.

PV: Điều gì ở âm nhạc Trần Lệ Giang khiến Hà ấn tượng nhất?

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Nhạc sĩ Trần Lệ Giang là một nhạc sĩ rất tâm huyết và giàu sức sáng tạo. Thật sự là không có nhiều nhạc sĩ ở tuổi của cô có sức viết dồi dào và mãnh liệt như thế. Và điều Hà ấn tượng nhất ở âm nhạc của nhạc sĩ là một tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt luôn cháy bỏng trong cô. Đa phần các sáng tác của nhạc sĩ Trần Lệ Giang nếu hình ảnh chủ đạo không là quê hương thì cũng sẽ là nền cảnh chủ yếu để cô viết lên những câu chuyện, những tâm tình. Bởi vì tâm thế của cô là tâm thế của một người con xa xứ, vẫn luôn đau đáu hướng về nguồn cội.

PV: Năm vừa qua chứng kiến nhiều nghệ sĩ trẻ bứt phá trên thị trường âm nhạc. Một người theo đuổi dòng nhạc cổ điển như Hà, những nỗ lực thể hiện ở những điểm gì cụ thể, để có thể luôn mới trong lòng công chúng?

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Các nghệ sĩ trẻ chính là tương lai của âm nhạc Việt Nam. Chính các bạn ấy đã làm cho âm nhạc nước mình thêm thú vị và muôn hình muôn vẻ hơn. Hà ấn tượng và khâm phục vì các bạn, cùng với âm nhạc của mình, đã rất cấp tiến, rất đương thời và cực kỳ sáng tạo. Hà cũng thường tìm nghe những sản phẩm của những bạn trẻ để cập nhật, để cảm nhận, đôi khi từ các bạn ấy mình còn học hỏi được nhiều điều hay, điều mới lạ mà nếu như mình cứ mãi bảo thủ khư khư trong vỏ kén của riêng mình thì sẽ không thể nào chiêm nghiệm được.

Riêng nói về làm mới, thì Hà nghĩ, việc được nghe và cho phép mình nghe những điều hay, điều mới chính là một cách học thụ động để những cái hay, cái mới phù hợp sẽ được khắc ghi vào tư duy âm nhạc của riêng mình, từ đó, như một lẽ tất yếu, việc thực hành nghe sẽ giúp mình tiến bộ lên từng ngày. Mà một Phạm Thu Hà của hôm nay hoàn thiện hơn một Phạm Thu Hà của ngày trước có khi lại chính là điều “mới mẻ” mà công chúng nói chung và khán giả của Hà nói riêng mong chờ ở Hà nhất.

PV: Học cổ điển nhưng khi trình diễn thì Hà lại chọn dòng nhạc bán cổ điển, đó có phải là cách chọn khôn ngoan của riêng Hà để tiếp cận được nhiều công chúng hơn trong điều kiện người nghe nhạc cổ điển ở ta còn ít?

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Với Hà, sự khôn ngoan đến từ việc biết được thế nào là sự phù hợp, biết đâu là thế mạnh và biết cách để phát huy thế mạnh đó một cách triệt để nhất. Sau những trải nghiệm với đa dòng nhạc và hành trình “hiểu” chính mình thì Hà quyết định lựa chọn và theo đuổi bán cổ điển. Hà nghĩ rằng đó là điều duy nhất Hà có thể “chọn”, đó là chọn được là chính mình.

Suy cho cùng, mỗi dòng nhạc lại có đời sống riêng nó, kéo theo đó là cách mà công chúng tiếp cận tới nó cũng rất khác nhau. Hà thuộc tuýp nghệ sĩ tập trung vào trau dồi chuyên môn và dành nhiều thời gian bồi đắp cho đời sống cá nhân thêm phong phú nên cũng không nắm bắt được lắm thị hiếu người nghe đâu. Nhưng, việc được hát và được lắng nghe theo đúng nghĩa mới chính là giá trị Hà theo đuổi. Hà nghĩ rằng hình ảnh đẹp nhất đối với một người nghệ sĩ là ánh mắt trìu mến và yêu thương của khán giả khi dõi theo người nghệ sĩ ấy, khi họ được là chính mình. Điều kỳ diệu này dù là đến từ 1.000 người hay đến từ 1 người thì cũng là trân quý như nhau.

PV: Xin cảm ơn Phạm Thu Hà!

Ca sĩ Phạm Thu Hà: “Nếu ta mải mê đong đếm có bao nhiêu người trong khán phòng và bất chấp toan tính để khán phòng đầy lên to thêm thì thật tình ta đang tự hủy cảm hứng của chính ta trước nhất, hay có khi ta cũng đang tự hủy chính mình cũng nên”.