Phóng viên (PV): Thuộc thế hệ 9x, có thể nhiều đồng nghiệp của chị sẽ ngại đề tài này, vì sao chị lựa chọn?
Đạo diễn Việt Bắc: Tôi có lòng kính trọng và yêu mến đặc biệt với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, và những đóng góp to lớn của ông với đất nước, trong đó có Dự án đường dây siêu cao áp 500kV bắc nam mạch 1. Tôi cũng được truyền cảm hứng, tinh thần thời đại từ những đại công trường lịch sử, như: công trường Bắc Hưng Hải, thủy điện Trị An, hồ Kẻ Gỗ… Dự án đường dây 500kV mạch 3 là một công trình vô cùng quan trọng, khép vòng mạch 3, trong thời điểm mùa khô năm 2023, miền bắc thiếu điện nghiêm trọng. Tuy nhiên, ít ai biết được những khó khăn, hiểm nguy mà các công nhân phải đối mặt trong quá trình xây dựng những cột điện vươn cao trên dãy Hoành Sơn. Đây là một trong những cung đoạn phức tạp và gian nan nhất của dự án, với địa hình núi non hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt của miền trung. Chúng tôi đã quyết định theo chân họ, vượt qua mọi địa hình để có thể ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất, những hình ảnh đầy sức sống mà qua đó, người xem sẽ hiểu rõ hơn về sự gian nan và kiên cường của người lao động.
Đạo diễn Việt Bắc tên thật là Nguyễn Thị Hương Dung, sinh năm 1990, đã được biết đến với một số tác phẩm: Các bộ ký sự truyền hình: “Hành trình người đi tìm lửa” (20 tập), “Nhớ Việt Bắc” (20 tập); các phim tài liệu “Phần đời còn lại”, “Hà Nội, tầng 2”, “Đò ơi”, “Những lá thư gửi từ thềm lục địa”, “Đất nước một phần tư bước sóng”, “500kV mạch 3 - Cuộc hành quân Bắc tiến”, các series phim tài liệu: “Khát vọng nơi trái tim Việt Bắc”, “Phía trước là biển”, “Khi niềm tin thắp lửa”…
PV: Những câu chuyện nào mà chị nhớ và ấn tượng khi thực hiện bộ phim này?
Đạo diễn Việt Bắc: Chuyện đáng nhớ thì rất nhiều nhưng ấn tượng nhất có lẽ là câu chuyện của anh Lê Hoài Trung, người Nghệ An, đã có thâm niên hơn 30 năm nấu bếp cho nhà thầu Xây lắp Điện 4. Chúng tôi gọi anh là Anh Nuôi, bởi những món ăn anh nấu cho các anh em ở đây, chúng tôi cũng có may mắn được ăn nhiều lần, mà chẳng lần nào giống nhau, chỉ trừ có bát rượu đầy của đội công nhân là bữa tối nào cũng đều đặn, vừa tăng thêm gia vị, vừa để chống lại cái lạnh trên đỉnh núi cao, cũng là để giấc ngủ sâu hơn, hôm sau có sức làm việc. Bữa cơm xong xuôi, anh lại cặm cụi rửa bát, xếp bát, ngày nào cũng như ngày nào trong suốt hơn 30 năm.
Tôi cũng đã phân vân khi lựa chọn anh là “một mảnh ghép” trong bức tranh tổng thể Hoành Sơn. Bởi những ngày tháng đầu ghi hình, anh chia sẻ về niềm tự hào tưởng chừng bất tận, đến những ngày nước rút, anh thể hiện rõ sự mỏi mệt… Sẽ thật bất công với anh và những công nhân công trường nếu tôi lựa chọn chỉ để họ nói về niềm tự hào. Cuối cùng, tôi quyết định để khán giả có thể nghe họ nói về cả những nỗi buồn, sự mỏi mệt… Lẽ tự nhiên thôi, mỏi mệt là điều đương nhiên với một dự án nhiều sức ép như vậy, mỏi mệt không có nghĩa là không quyết tâm, không có nghĩa là mất ý chí. Những câu chuyện họ kể thường bắt đầu bằng từ việc phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm khi lắp đặt dây điện trên cao, đến áp lực hoàn thành công trình trong thời gian vô cùng thách thức… Trong giọng nói của họ, tôi nghe thấy niềm tự hào khi nhìn thấy những cột điện đứng sừng sững, khi những đường dây điện chạy dài nối liền bắc nam. Những tiếng cười, những câu chuyện vui giữa công trường, dù có phần tạm bợ nhưng ấm áp đến lạ thường.
PV: Trong quá trình thực hiện bộ phim, chị cảm nhận được gì từ tinh thần thời đại mà chị đã chia sẻ?
Đạo diễn Việt Bắc: Tôi đã có cơ hội chứng kiến sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công cuộc chinh phục kỳ vĩ này. Quả thực, khi lòng dân đã thuận, khi tất cả đất nước cùng đứng chung hàng ngũ với ngành điện, chúng ta đã làm nên một kỳ tích lịch sử. Tôi yêu những khoảnh khắc ấy, bởi nó không chỉ phản ánh sự khắc nghiệt của công việc mà còn cho thấy sức mạnh của tinh thần con người. Trong bộ phim này, tôi muốn khắc họa rõ nét hơn về những con người bình dị nhưng phi thường, đã biến những điều tưởng chừng như không thể thành hiện thực. Sự kết nối giữa họ, những người công nhân đến từ khắp nơi trên đất nước, là điều làm tôi cảm động.
PV: Là đạo diễn của nhiều bộ phim làm về chủ đề lịch sử, chị có thấy khó khăn với dạng đề tài này?
Đạo diễn Việt Bắc: Tôi nghĩ, mỗi người trong chúng ta sẽ đều có những định nghĩa của riêng mình về thế nào là cũ, thế nào là mới. Với tôi, không có đề tài nào là cũ cả. Mỗi đạo diễn sẽ có góc tiếp cận, cách thức làm phim khác nhau. Lịch sử, văn hóa… luôn mới với tôi. Lịch sử dân tộc là một dòng sông. Người làm phim tài liệu như tôi thật sự muốn được ghi lại, kể lại những câu chuyện ở đôi bờ sông. Ở một khía cạnh nào đó, tôi cũng tin đó là sứ mệnh của mình. Tình yêu đất nước, tình yêu với núi sông và những con người đã làm việc, chiến đấu, hy sinh vì hình hài Tổ quốc… luôn là mạch ngầm, để những đề tài không bao giờ cũ.
PV: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!