Nhiếp ảnh gia Lê Bích:

Tôn vinh niềm thành kính trước truyền thống

Tỉ mỉ ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong đời sống, kết nối từng câu chuyện của quá khứ, văn hóa và con người, nhiếp ảnh gia Lê Bích đã tích lũy cho mình bao cảm xúc thiết tha. Hằng năm, trước và sau Tết, anh đều có kế hoạch cho năm mới để mỗi bức ảnh không chỉ là một tác phẩm mà còn mang đến câu chuyện sống động về văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Múa bồng ở làng Triều Khúc (Hà Nội). Ảnh: LÊ BÍCH
Múa bồng ở làng Triều Khúc (Hà Nội). Ảnh: LÊ BÍCH
Tôn vinh niềm thành kính trước truyền thống ảnh 1

Phóng viên (PV): Anh sinh ra và lớn lên trong lòng phố phường Hà Nội, điều gì để lại ấn tượng đặc biệt với anh?

Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Chờ xuân, hòa vào nhịp xuân với tôi luôn là những ấn tượng sâu sắc. Phố phường dịp Tết như khoác lên mình một tấm áo mới, rực rỡ sắc mầu. Những con phố, như Hàng Thiếc, Hàng Bồ, Hàng Mã… tấp nập, sôi động với những mặt hàng đặc trưng. Đặc biệt, không thể thiếu những đôi hài, con ngựa và những vật phẩm trang trí Tết, tất cả đều đậm chất truyền thống, mang tinh hoa của Thủ đô. Lễ hội Tết cũng là lúc mà chúng ta có thể cảm nhận được sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, qua mỗi góc phố, mỗi bức ảnh.

PV: Anh bắt đầu hành trình với nhiếp ảnh của từ bao giờ và tại sao lại chọn con đường này để ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt của lễ hội - mảng đề tài anh tâm huyết theo đuổi?

Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Tôi bắt đầu con đường nhiếp ảnh từ khá sớm. Năm thứ ba đại học, tôi mới có thể chụp được những bức ảnh ưng ý, với các kỹ thuật như phơi sáng và việc chọn vị trí đẹp để chụp pháo hoa vào đêm Giao thừa. Tôi đã đi rất nhiều lễ hội, từ những lễ hội nổi tiếng đến những lễ hội nhỏ ở các làng quê. Một trong những ấn tượng tôi nhớ nhất là lễ hội rước pháo Đồng Kỵ ở Bắc Ninh, nơi có nhiều nét văn hóa độc đáo mà tôi đã ghi lại trong các bức ảnh đầy hình khối, mầu sắc. Cảm giác được chứng kiến sự chuyển mình của làng nghề đón xuân, từ những làng bánh chưng Tranh Khúc ở Thanh Trì (Hà Nội), đến những làng như Tuấn Dị ở Hưng Yên chuyên trồng dong lấy lá…, tất cả đều chứa đựng một không gian đầy hương vị thôn dã, đầy sự vun đắp cho mạch sống từng ngày, nhất là mạch xuân.

PV: Từ những lễ hội anh đã tham gia, điểm nhấn nào khiến anh ấn tượng nhất?

Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Mỗi lễ hội đều có vẻ đẹp, câu chuyện rất riêng biệt. Thí dụ như lễ hội truyền thống làng Triều Khúc (Thanh Trì), tôi đã chụp ảnh từ năm 2005, lúc còn rất ít người làm công việc này. Lễ hội nổi bật với bốn điệu múa cổ: múa bồng, múa sinh tiền, múa lân sư tử, và múa chạy cờ. Tất cả đều có sự tham gia của cộng đồng, giữ gìn được các nét văn hóa truyền thống. Điệu múa bồng Triều Khúc do nghệ nhân Triệu Đình Hồng gìn giữ, đã được tôi lưu lại qua những bức ảnh đầy rung động. Đặc biệt, sự phát triển từ bốn người lên 26 người trong đội múa, là một minh chứng sống động cho sức sống của văn hóa dân tộc.

Tại các lễ hội khác, như Dạ Trạch ở Hưng Yên hay ở làng Cáo Đình, tôi cũng luôn tìm thấy sự khác biệt. Dù vậy, trong tình cảm của cá nhân tôi, Triều Khúc vẫn là nơi tôi muốn trở lại nhiều lần, gắn bó như quê hương thứ hai của mình.

PV: Trong những bộ ảnh, anh còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt cho khoảnh khắc chuẩn trước lễ hội. Vì sao anh chọn góc quan sát này?

Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi là khi chụp ảnh lễ hội vật cầu bùn ở làng Thúy Lĩnh (Hoàng Mai, Hà Nội) - một lễ hội thể hiện tinh thần thượng võ và cao hơn hết là ý chí, sự tôn kính đối với tổ tiên. Trước khi lễ hội chính thức diễn ra, trai tráng trong làng phải thực hiện các nghi lễ cúng tế, một phần không thể thiếu trong việc chuẩn bị tinh thần cho cả cộng đồng. Lễ vật được dâng lên, quả cầu bùn được chuẩn bị kỹ lưỡng để dâng lên thần linh, báo công cho những người đã khuất. Tôi cho rằng, chuẩn bị trước lễ mang tính thiêng liêng. Người dân tham gia không chỉ vì đó là một phần của lễ hội, mà từ trong chính tâm hồn, tâm khảm, họ tin có đức tin, muốn cống hiến theo cách chỉn chu, nâng niu nhất. Do đó, những bức ảnh ngoài ghi lại khoảnh khắc đẹp mắt còn là cách tôi kể lại câu chuyện của cộng đồng, của niềm tin và sự kính trọng đối với truyền thống.

PV: Những năm tháng gắn bó với nhiếp ảnh, điều gì khiến anh cảm thấy ý nghĩa nhất với công việc của mình?

Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Đó chính là khi những bức ảnh tôi chụp được mọi người hiểu và cảm nhận được câu chuyện đằng sau. Nhiều lúc, tôi chụp không phải chỉ để có một bức ảnh đẹp mà tôi muốn truyền đi câu chuyện đầy cảm xúc, mang đậm giá trị văn hóa. Đôi khi, chỉ một bức ảnh giản đơn mà lại chứa đựng cả một kho tàng lịch sử. Và khi tôi thấy mọi người nhìn vào những tác phẩm ấy, hiểu được ý nghĩa của chúng, tôi cảm thấy công sức của mình được đền đáp xứng đáng.

PV: Cảm ơn nhiếp ảnh gia Lê Bích!

Nhiếp ảnh gia Lê Bích: “Không chỉ ở những sự kiện quy mô, tôi nhớ khoảnh khắc rất đặc biệt đối với tôi là khi chụp ảnh nghi lễ cúng Giao thừa của những người lao công trên vỉa hè, giữa phố phường Hà Nội. Lúc đó, tôi cảm nhận được sự mộc mạc mà đầy trang nghiêm. Vào thời khắc thiêng liêng ấy, họ dành riêng cho mình, cho công việc của mình một không gian, một tín ngưỡng để bày tỏ lòng biết ơn và mong cầu mọi điều tốt đẹp”.